Việt kiều chật vật đối phó ‘bão giá’ tại Nhật

Giữa lúc giá tiêu dùng tại Nhật leo thang, anh Hoàng Quân ở Chiba chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm từng đồng sinh hoạt phí để gửi tiền về trả nợ.

“Tôi không dám ăn nhiều cơm, có khi không có gạo mà ăn. Thịt, cá, rau ở siêu thị chỉ dám chọn thứ rẻ nhất để mua. Tôi cũng không đi chơi, ngày nghỉ ra bờ sông hái rau dại, câu cá ăn cho đỡ tốn”, Hoàng Quân, 35 tuổi, người từ Việt Nam sang Nhật theo diện thực tập sinh hai năm trước, nói với VnExpress.

Quân phải chắt bóp chi tiêu, khi hàng loạt mặt hàng thực phẩm trên kệ siêu thị Nhật Bản tăng vọt do biến động về kinh tế. Gạo, thực phẩm chủ chốt của Nhật, tăng giá tới 92,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận dữ liệu về giá gạo năm 1971.

Tính đến ngày 6/4, giá trung bình một bao gạo 5 kg tại các siêu thị Nhật Bản là 4.214 yen (29 USD), cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo ghi nhận của NHK. Lạm phát ở Nhật trong tháng 3 chạm mức 3,2%, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát vượt ngưỡng 3%.

Khi mới sang Nhật, Quân mua bao gạo 30 kg hết 7.000 yen, nay giá lên đến 23.000 yen, tăng hơn gấp ba, trong khi lương thực tập sinh thực lĩnh khoảng 120.000 yen gần như không đổi.

Cơn bão giá thực phẩm khiến nhiều người Việt tại Nhật phải tính toán lại từng đồng cho bữa ăn mỗi ngày. Quân ước tính mỗi tháng tiêu hết 30.000 yen cho ăn uống, chiếm 25% thu nhập.





Giá gạo trung bình tại Nhật Bản tính đến ngày 6/4. Đồ họa: NHK

Biến động giá gạo ở Nhật trong một năm qua. Đồ họa: NHK

Người Việt ở nhiều vùng tại Nhật cũng nhận thấy giá thực phẩm gần đây tăng vọt, đặc biệt là giá gạo. Minh Hải, 26 tuổi, nhân viên công nghệ ở Tokyo, cho biết giá gạo nơi anh sống đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

“Tôi ở một mình, lâu lâu mới mua gạo một lần nên đã bị sốc khi thấy giá đắt như vậy”, Hải nói, thêm rằng vẫn phải cắn răng mua gạo vì “không thể sống thiếu cơm”.

Hàng loạt người tiêu dùng ở Nhật đang “săn” gạo giá rẻ từ các nhà bán lẻ, song các tiểu thương cũng không có nhiều để bán, do Nhật Bản thiếu hụt sản lượng gạo nghiêm trọng.

Anh Văn Hà, kinh doanh thực phẩm bình dân tại Osaka, bắt đầu mua gạo vừa xay từ nhà máy trong khu vực để bán cho người Việt từ tháng 9/2024. Đây là thời điểm gạo bắt đầu tăng giá, khi người Nhật đổ xô đi tích trữ gạo vì chính phủ phát cảnh báo siêu động đất rãnh Nankai.

“Giá đồng yen thấp, giá lương thực lại tăng, nên người Việt hỏi mua gạo giá rẻ rất nhiều. Tôi đã bán 35-40 tấn cho khoảng 1.300 khách Việt trong một tuần, song giá nay cũng không còn rẻ, nguồn cung lại hạn chế”, anh Hà nói. Loại gạo “bình dân” mà anh thường bán đã tăng giá gấp rưỡi so với cuối năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết Nhật Bản trải qua tình trạng thiếu gạo những tháng qua do mất mùa vì biến đổi khí hậu, làn sóng khách du lịch nước ngoài bùng nổ và tâm lý tích trữ của người dân.

Chính phủ Nhật đã xuất 210.000 tấn gạo từ kho dự trữ chiến lược hồi tháng 3, nhưng đến nay chưa thể bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung. Một số nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều quan chức trong ngành gạo Nhật Bản nói họ “không biết gạo đang ở đâu dù sản lượng đã tăng, vì ai cũng tranh nhau thu mua”.

Minh Liên, 32 tuổi, tiểu thương ở Yokohama, cũng cho hay lượng khách Việt hỏi mua gạo những tháng qua tăng đột biến. Ngoài gạo Nhật giá rẻ, Liên còn bán các loại xuất xứ từ Việt Nam, Thái Lan, Nepal, Mỹ và một số nơi khác, nhưng đến nay phải dừng bán do không tìm được nguồn nhập khẩu gạo vào Nhật.

Trong hai ngày dừng bán hàng, Liên nhận tới 174 tin nhắn chờ từ cộng đồng người Việt ở Nhật, hầu hết hỏi mua gạo. “Tôi có khi phải ‘ở ẩn’, nếu không có thể giảm uy tín vì không thể trả lời tin nhắn khách hàng kịp thời”, Liên cho hay.

Những người nội trợ Việt ở Nhật cũng tỏ ra mệt mỏi khi cân nhắc tiêu dùng trong thời vật giá leo thang.

“Tôi nhìn giá gạo mấy tháng qua mà ngao ngán. Đồ ăn, rau củ đều tăng. Lương chồng tôi không dư dả, còn hai mẹ con ở nhà. Hôm qua tôi ra siêu thị giá rẻ mua được bao gạo 10 kg loại ngon giá 6.200 yen cả thuế, chấm dứt một tuần cả nhà phải nhịn ăn cơm”, Mỹ Linh, bà nội trợ người Việt ở Tokyo, nói.

Thiên Kim, 38 tuổi ở Tokyo, cho biết tình hình bão giá tại Nhật hiện nay còn mang đến nhiều thách thức hơn so với thời Covid-19.

Hai vợ chồng chị cùng hai con nhỏ sang Nhật năm 2020. Chồng chị là quản lý công nghệ cấp cao, mức lương có thể trang trải chi tiêu gia đình và học phí mẫu giáo của hai con trong thời Covid-19.

Nhưng hai năm qua, vật giá “tăng khá khủng khiếp”, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, học phí của hai con vào tiểu học cũng cao hơn, khiến chị Kim đau đầu hơn.

“Chúng tôi ít ăn cơm kể từ khi gạo tăng giá, thay vào đó là mì, phở, miến. May mắn là có ông bà thường xuyên sang Nhật, mang theo các loại thực phẩm khô”, chị Kim chia sẻ.





Nhân viên siêu thị gắn biển thông báo hạn chế số lượng mua gạo trên mỗi khách tại Tokyo, tháng 7/2024. Ảnh: AFP

Nhân viên siêu thị gắn biển thông báo hạn chế số lượng mua gạo trên mỗi khách tại Tokyo, tháng 7/2024. Ảnh: AFP

Vật giá tăng cao khiến nhiều Việt kiều bi quan về khả năng cải thiện tình hình trong tương lai. Nguyễn Trang Dung, chủ cửa hàng tạp hóa, thực phẩm Việt Nam tại Osaka, cũng không hy vọng mọi thứ sẽ rẻ hơn, khi các mặt hàng như rượu bia, sữa đều tăng giá.

Chị Dung đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với đồng bào người Việt ở Nhật.

“Tôi bán loại gạo chênh 200 yen so với giá nhập, trong khi giá chênh ở siêu thị lên tới 1.300 yen. Mức lãi này còn không đủ chi phí vận hành, hầu như là để hỗ trợ kiều bào”, chị Trang nói.

Hoàng Quân cho hay trước khi sang Nhật, anh từng làm việc ở đảo Đài Loan, nơi “cuộc sống dễ dàng hơn nhiều”. Nguồn tiền mà anh tích góp được ở Nhật để gửi về gia đình ở Việt Nam trả nợ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đồng yen mất giá.

“Chưa bao giờ thấy khổ vậy. Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền nốt một năm rồi về, không còn dự định ở lại nữa”, Quân chia sẻ.

Trong khi đó, một số gia đình người Việt ở Nhật vẫn giữ cái nhìn tích cực. Dù gần như không thể tiết kiệm vì vật giá leo thang, chị Kim ở Tokyo vẫn tin Nhật Bản là “quốc gia đáng sống”. “Vật giá biến động mạnh thì mình cố gắng ăn uống tiết kiệm, cân nhắc từng khoản chi để hy vọng tình hình ổn định hơn khi kinh tế hồi phục”, chị bày tỏ.

Đức Trung





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *