Vì sao nhiều tiểu thương Saigon Square vẫn bán hàng giả, bất chấp tiền phạt?

(PLO)- Dù có nhiều đợt kiểm tra nhưng tiểu thương Saigon Square vẫn bán hàng giả vì coi tiền phạt như một phần “chi phí kinh doanh”.

Chiều 5-6, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM, đã thông tin về việc kiểm tra, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái ở TTTM Saigon Square.

Ông Nguyễn Quang Huy khẳng định việc kiểm tra, xử lý hàng giả luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của lực lượng Quản lý thị trường, do đó Chi cục Quản lý thị trường TP đã thường xuyên tăng cường công tác quản lý địa bàn.

tieu-thuong-saigon-square-1.jpg Lợi nhuận 'khủng' từ hàng giả khiến tiểu thương Saigon Square bất chấp bị xử phạt
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết dù có nhiều đợt kiểm tra nhưng tiểu thương Saigon Square vẫn bán hàng giả vì coi tiền phạt như một phần “chi phí kinh doanh’”. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Trong đó Saigon Square được xác định là một trong những khu vực còn tồn tại về việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”- ông nói và cho biết chỉ tính riêng trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TP đã chủ động kiểm tra nhiều đợt cao điểm tại địa điểm này.

Qua đó, Chi cục Quản lý thị trường TP đã xử lý 38 vụ vi phạm tại TTTM Saigon Square về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu CHANEL, LOUIS VUITTON, HERMES, MONTBLANC, CARTIER, LACOSTE,… Tịch thu 1.291 đơn vị sản phẩm đồng hồ, giày dép, túi xách, quần áo,… với tổng trị giá hàng hóa hơn 250 triệu đồng; đã xử phạt với số tiền 359 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, dù có nhiều đợt kiểm tra xử lý nhưng nhiều tiểu thương Saigon Square và các địa điểm khác vẫn bất chấp, tiếp tục kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Nguyên nhân vì một bộ phận người tiêu dùng dù biết hàng giả nhưng vẫn mua vì giá rẻ, hoặc muốn sở hữu sản phẩm có kiểu dáng giống hàng hiệu mà không đủ khả năng tài chính.

Ngoài ra còn do lợi nhuận cao, hàng giả, hàng nhái thường có giá mua vào thấp nên dù bán với giá thấp hơn giá hàng thật rất nhiều lần thì lợi nhuận khi bán hàng giả, hàng nhái vẫn rất cao, đủ sức hấp dẫn để các tiểu thương có thể chấp nhận rủi ro khi bị phạt.

tieu-thuong-saigon-square-2.jpeg
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hàng nghìn sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu của các tiểu thương Saigon Square, ngày 29-5. Ảnh: HỒNG THẮM

Cùng với đó là khó khăn trong việc chứng minh và xử lý tận gốc, nguồn cung hàng giả, hàng nhái thường rất tinh vi, được vận chuyển và phân phối qua nhiều khâu trung gian. Việc triệt phá tận gốc các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả với số lượng lớn gặp nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân khác là mức phạt chưa phù hợp tình hình thực tế, dù đã có những điều chỉnh tăng mức phạt nhưng nhiều tiểu thương Saigon Square vẫn coi tiền phạt như một phần “chi phí kinh doanh”. Nếu lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả vượt xa số tiền phạt, họ sẵn sàng vi phạm để thu lợi nhuận”- ông nêu thực tế.

Đại diện Chi Cục Quản lý thị trường TP cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triển khai công tác hậu kiểm, giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Đặc biệt chú trọng công tác rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý, các kênh phân phối, các nền tảng thương mại điện tử có nguy cơ cao về hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, không có vùng cấm; áp dụng đúng quy định của pháp luật các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng”- ông khẳng định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *