Vì sao kiểm tra sức khỏe trước khi chạy quan trọng

Chạy bộ không chỉ cần một đôi giày, mà đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, theo bác sĩ chuyên khoa Nội Cơ Xương Khớp Phương Nguyễn.

Chạy bộ thường được xem là môn thể thao dễ tiếp cận, ít chi phí. Tuy nhiên, đây lại là bộ môn sức bền, đòi hỏi nhiều từ hệ tim mạch, hô hấp đến cơ xương khớp. Việc vận động trên địa hình cứng, trong thời gian dài hoặc với cường độ cao có thể khiến cơ thể quá tải nếu chưa có nền tảng phù hợp.





Bác sĩ Phương Nguyễn trên đường chạy 21km ở VnExpress Marathon Hải Phòng. Ảnh: VM

Bác sĩ Phương Nguyễn trên đường chạy 21km ở VnExpress Marathon Hải Phòng. Ảnh: VM

Tại các phòng khám cơ xương khớp, số ca chấn thương do chạy bộ ngày càng tăng, phổ biến như viêm gân gót, viêm gân bánh chè, đau khớp gối do hội chứng dải chậu chày, hoặc thoái hóa sớm khớp cổ chân, cột sống thắt lưng. Một số trường hợp nặng còn gặp biến chứng như đột quỵ nhiệt, tiêu cơ vân cấp hay suy tim – suy thận do luyện tập quá mức.

Theo khuyến cáo từ các tổ chức y học thể thao, những người theo đuổi bộ môn sức bền như chạy bộ nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng. Trong đó, kiểm tra tim mạch và chức năng vận động rất quan trọng. Phương pháp điện tâm đồ (ECG) có thể phát hiện rối loạn nhịp, nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bạn nên đo huyết áp khi nghỉ và sau khi gắng sức, siêu âm tim nếu có điều kiện để phát hiện các dị tật kín.

Xét nghiệm máu cũng là phương pháp cần thiết để xác định khả năng vận động. Bạn nên kiểm tra công thức máu, chức năng gan thận, điện giải. Xét nghiệm chỉ số CK (creatine kinase) để phát hiện nguy cơ tiêu cơ vân, và HbA1c hoặc đường huyết đói nếu có nghi ngờ rối loạn chuyển hóa

Khám cơ xương khớp để đánh giá trục chi dưới, bàn chân, kiểm tra sức mạnh cơ mông, cơ đùi, cơ core, phát hiện tổn thương sụn, dây chằng hoặc điểm đau mãn tính. Ngoài ra, bạn nên lắng nghe tư vấn giày chạy, loại địa hình phù hợp để giảm áp lực lên khớp

Không ít người trẻ bỏ qua các biểu hiện nhẹ nhưng tiềm ẩn rủi ro, như: đau ngực khi chạy nhanh, tê bì chân tay, choáng váng sau khi về đích, nhịp tim tăng bất thường dù chạy chậm… Những triệu chứng này có thể liên quan đến rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải hoặc tổn thương thần kinh. Chấn thương tích lũy nếu không được điều trị đúng có thể gây thoái hóa khớp sớm hoặc ảnh hưởng khả năng vận động lâu dài.

Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích nhưng chỉ khi người tập được chuẩn bị tốt về thể chất và hiểu rõ giới hạn của bản thân. Việc khám sức khỏe không nên là lựa chọn, mà là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình chạy bộ.

Giống như đầu tư vào một đôi giày tốt hay chiếc đồng hồ đo nhịp tim, việc thăm khám định kỳ giúp mỗi runner giữ vững nền tảng thể lực, tránh rủi ro không đáng có và duy trì đam mê một cách bền vững.

Bác sĩ Phương Nguyễn





Vì sao kiểm tra sức khỏe trước khi chạy quan trọng - 1




Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *