Vẽ lại bản đồ du lịch Lâm Đồng với cao nguyên và biển xanh

(PLO)- Ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đón hơn 12 triệu lượt khách trong sáu tháng đầu năm nay và phấn đấu đến cuối năm đón 22,4 triệu lượt khách.

Chiều 10-7, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có buổi làm việc với Sở VH- TT&DL tỉnh này. Cùng dự làm việc có ông Đinh Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

lanhdao.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với Sở VH-TT&DL

Ngoài báo cáo của Sở VHTT&DL về tình hình cơ quan sau sáp nhập và các nhiệm vụ về công tác văn hóa, gia đình; báo chí-xuất bản; thể thao, cải cách hành chính… ngành du lịch sau khi sáp nhập ba tỉnh được xem là điểm son đáng ghi nhận.

nganh-du-lich (2).jpg
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng làm việc với Sở VHTT&DL tỉnh.

Cất cánh từ hợp lực

Sau khi sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận – Đắk Nông, ngành du lịch của vùng đất mới nhanh chóng chứng minh sức hút mạnh mẽ. Những kỳ nghỉ lễ dài, thời tiết thuận lợi, cùng giao thông từng bước cải thiện đã góp phần tạo nên một mùa vàng du lịch rực rỡ.

ngành du lịch
Ngành du lịch Lâm Đồng ngày càng khởi sắc sau khi hợp nhất.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Lâm Đồng đón hơn 12,1 triệu lượt khách, đạt hơn 54% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt gần 800 ngàn lượt, tăng hơn 56% – một con số đầy lạc quan trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến không ngừng được đẩy mạnh, từ tham gia các lễ hội du lịch lớn ở TP.HCM, Cần Thơ, đến hợp tác chiến lược với TP.HCM, Úc… Hình ảnh “cao nguyên xanh gặp biển xanh” từng bước trở thành thương hiệu khác biệt của vùng đất này.

nganh-du-lich (6).jpg
“Cao nguyên xanh gặp biển xanh” từng bước trở thành thương hiệu khác biệt của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng. Ảnh VÕ TÙNG.

Song song đó, chuyển đổi số trong du lịch cũng ghi dấu ấn, giúp nâng cao trải nghiệm cho du khách và quản lý thông minh hơn.

z6757493992480_93ce285679add58c9971743d0ddb0595.jpg
Hòn Tranh, đặc khu Phú Quý. Ảnh VÕ TÙNG.

Những sản phẩm du lịch độc đáo đang định hình: từ nghỉ dưỡng biển – rừng – đồi cát, đến khám phá đặc khu Phú Quý, du lịch nông nghiệp, thể thao mạo hiểm, chăm sóc sức khỏe.

Thách thức: Giao thông, nhân lực và chuỗi liên kết

Dù tiềm năng lớn, ngành du lịch vẫn đối diện những “nút thắt” cần tháo gỡ. Hạ tầng giao thông đến nhiều khu du lịch chưa đồng bộ; các tuyến trục ngang, trục dọc kết nối Đà Lạt – Phan Thiết – Gia Nghĩa còn thiếu và yếu, khiến tour tuyến liên vùng chưa thể “cất cánh”.

nganh-du-lich (4).jpg
Hướng dẫn du khách tự tay chế biến socola tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Nguồn nhân lực còn thiếu kỹ năng, chuyển đổi số chưa đồng bộ giữa các địa phương, dữ liệu phân tán… Tỉ lệ cơ sở lưu trú cao cấp 3-5 sao còn thấp, chưa đủ sức hút khách quốc tế ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

nganh-du-lich (3).jpg
Một góc hồ Tuyền Lâm, Lâm Đồng. Ảnh PHƯƠNG NAM.

Các dự án du lịch trọng điểm triển khai chậm, trong khi vùng đất rộng lớn, đa dạng địa hình đòi hỏi nguồn lực đầu tư hạ tầng rất lớn. Sự sáp nhập hành chính cũng tạo ra thách thức về quản lý, điều phối và quy hoạch chiến lược dài hạn.

Kiến nghị và khát vọng

Để chinh phục mục tiêu 22,4 triệu lượt khách năm 2025, ngành du lịch kiến nghị UBND tỉnh: Ưu tiên đầu tư nâng cấp giao thông kết nối các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt các tuyến cao tốc, quốc lộ đạt chuẩn.

nganh-du-lich (1).jpg
Một góc Nova World Phan Thiết.

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các quy định để phân cấp hợp lý cho địa phương quản lý lưu trú; đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải tại các khu du lịch trọng điểm như hồ Tuyền Lâm để nâng tầm chất lượng dịch vụ; sớm ban hành nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2026-2030, định hướng đến 2035 nhằm xác lập lộ trình dài hơi và bền vững.

nganh-du-lich (7).jpg
Ngành du lịch Lâm Đồng đang có rất nhiều lợi thế. Ảnh VÕ TÙNG.

Với tầm nhìn mới, sự kết hợp giữa cao nguyên lộng gió và đại dương bao la hứa hẹn đưa ngành du lịch vùng đất hợp nhất này trở thành “vương quốc nghỉ dưỡng mới” của Việt Nam – nơi mỗi cung đường đều dẫn đến trải nghiệm độc đáo, mỗi sản phẩm đều gắn kết con người với thiên nhiên.

516749816_1151711843642546_8623847912416297778_n.jpg
Biểu diễn thời trang trên đồi cát Mũi Né.

“Một vùng đất mới đang định hình, nơi cao nguyên chạm tay vào đại dương, nơi những con đường nối dài hy vọng để mỗi bước chân du khách là một câu chuyện, mỗi kỳ nghỉ là một giấc mơ thành hiện thực.”

Ngành du lịch Lâm Đồng hiện có 4.203 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 66.023 phòng. Trong đó có 110 khách sạn từ 3-5 sao với 11.266 phòng; 126 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.059 hướng dẫn viên; 99 khu, điểm tham quan, trong đó có 30 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận (gồm: 2 khu du lịch quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh và 24 điểm du lịch).

bao-vat-quoc-gia-1-7323-3687.jpg.jpg
Tượng Avalokitesvara Bắc Bình. Ảnh VÕ TÙNG.

Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch, tập trung tổ chức chương trình Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng lần thứ 4-2025. Trong đó có Lễ hội Katê năm 2025 tại di tích tháp Pô Sah Inư kết hợp Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia – đợt 13 đối với Tượng Avalokitesvara Bắc Bình…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *