Thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu bảo vệ thương hiệu nông sản Việt
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên Tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, thay mặt cho Ban tổ chức tọa đàm, Ban Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị của Lâm Đồng, quý chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cùng các các bạn đồng nghiệp đã sắp xếp tối đa thời gian để tham gia tọa đàm .

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Việt Nam vừa đón nhận một tin vui lớn là xuất khẩu rau củ trong tháng 9-2024 tăng trưởng vượt bậc, với giá trị đạt được hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng có thể nói là chưa từng thấy trước đó.

Để có được kết quả to lớn này, chắc chắn suốt thời gian qua, Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, chính quyền địa phương (trong đó có tỉnh Lâm Đồng) và nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng thể chế, kết nối thị trường, xây dựng thành công các thương hiệu cho nông sản Việt.
Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị cạnh tranh, đưa nông sản Việt đến với nhiều nước trên thế giới, đóng góp ngày càng cao vào nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: TIẾN THÀNH
Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã vạch trần những chiêu trò “hô biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt” của hàng loạt vựa rau củ lớn ở Lâm Đồng.
Điều đáng nói, câu chuyện này dù đã diễn ra nhiều năm nay, các cơ quan quản lý của địa phương cũng đã nhiều lần xử lý, cảnh báo, răn đe nhưng vì lợi ích trước mắt, một bộ phận chủ vựa vẫn cứ làm bất chấp hệ lụy.
“Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Tại tọa đàm này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận, thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt” – ông Hiển nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, tọa đàm rất mong nhận được các đóng góp xác đáng, tích cực đến từ các cơ quan quản lý, quý chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các quy định cũng như các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội trong câu chuyện phát triển và bảo vệ các thương hiệu nông sản Việt trong thời gian tới.

Nông sản Việt ngày càng có vị thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: TIẾN THÀNH
Với trách nhiệm của một cơ quan truyền thông, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ truyền tải một cách trung thực, khách quan nhất các ý kiến đóng góp, kiến nghị của quý vị đến với người dân và bạn đọc.
“Nhân đây, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến đồng chí Quyền Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, UBND TP Đà Lạt, Ban Giám đốc khách sạn Merperle, cùng các nhà tài trợ đã giúp đỡ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi tổ chức tọa đàm này” – ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.