Trong guồng quay công nghiệp hóa và yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như yếu tố then chốt. Công nghệ này đang mở ra kỷ nguyên mới cho bất động sản công nghiệp xanh, giúp các khu công nghiệp vận hành thông minh, hiệu quả hơn.
Từ tự động hóa, tối ưu năng lượng đến hỗ trợ đạt tiêu chuẩn môi trường khắt khe, AI đóng vai trò chất xúc tác quan trọng. Ứng dụng AI từ thiết kế đến vận hành hứa hẹn định hình tương lai tăng trưởng công nghiệp song hành cùng trách nhiệm môi trường, quyết định tính bền vững và cạnh tranh.
Từ tự động hóa đến chứng chỉ xanh: Vai trò đa dạng của AI
Sức mạnh của AI trong việc “xanh hóa” các khu công nghiệp thể hiện rõ nét qua khả năng tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả vận hành. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất là tự động hóa và điều khiển thông minh các hệ thống cơ điện trong tòa nhà.
Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Bất động sản Công nghiệp tại Savills Hà Nội, phân tích: “Trong các dự án công nghiệp, AI đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý năng lượng, tự động hóa, tối ưu hóa tài nguyên và cải thiện thiết kế.”
Cụ thể theo ông Thomas Rooney, các thuật toán AI có thể liên tục theo dõi và điều chỉnh hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí (thường gọi là HVAC) để thích ứng với điều kiện sử dụng thực tế, tránh lãng phí năng lượng vào những khu vực không có người hoặc trong những thời điểm không cần thiết.
Không chỉ dừng lại ở đó, AI còn là trợ thủ đắc lực trong việc giám sát việc sử dụng các tài nguyên khác như nước, nguyên vật liệu và dự đoán nhu cầu bảo trì thiết bị. Bằng cách phân tích dữ liệu vận hành, AI có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, dự báo nguy cơ hỏng hóc, từ đó giúp lên kế hoạch bảo trì chủ động, giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động đột xuất, kéo dài tuổi thọ thiết bị và quan trọng hơn là giảm thiểu lãng phí.
Trong khâu thiết kế, AI cũng đang mở ra những hướng đi mới. Thiết kế phái sinh và mô phỏng bằng AI giúp kiến trúc sư và nhà phát triển dự án trong việc tạo ra các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
“Công nghệ này cho phép thử nghiệm hàng ngàn phương án thiết kế khác nhau một cách nhanh chóng, dựa trên các tiêu chí về hiệu quả năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững, tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên…, giúp lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất”- ông Rooney cho biết thêm.

Đặc biệt, đối với các dự án hướng tới các chứng nhận công trình xanh quốc tế uy tín như LEED (Mỹ), BREEAM (Anh) hay Lotus (Việt Nam), việc tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn phức tạp là một thách thức không nhỏ. AI có thể đơn giản hóa quy trình này đáng kể. Các nền tảng tích hợp AI giúp theo dõi liên tục các chỉ số về môi trường, năng lượng, vật liệu… đảm bảo dự án đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn trong suốt vòng đời, từ thiết kế, thi công đến khi đưa vào vận hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, những lợi ích thiết thực này đang tạo ra sức hấp dẫn lớn. Các doanh nghiệp ngày càng ưu tiên thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp xanh, đạt chứng chỉ quốc tế. Do đó, các bất động sản công nghiệp ứng dụng AI, đảm bảo yếu tố bền vững thường có thể đạt được mức giá thuê và tỷ lệ lấp đầy cao hơn. Việc đầu tư vào công nghệ xanh tích hợp AI không chỉ cải thiện hiệu suất năng lượng mà còn gia tăng sự hài lòng của khách thuê, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chủ đầu tư.
Bài toán năng lượng và rào cản tư duy
Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích cho việc xây dựng khu công nghiệp xanh, bản thân công nghệ AI cũng đặt ra những thách thức nhất định về tính bền vững. Theo các chuyên gia, việc huấn luyện các mô hình AI phức tạp, xử lý và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ đòi hỏi năng lực tính toán rất lớn, đồng nghĩa với việc tiêu thụ một lượng điện năng không hề nhỏ.
Nhiều sáng kiến đang được triển khai nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các trung tâm dữ liệu – bộ não của AI. Ví dụ, Amazon Web Services (AWS), một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây và vận hành trung tâm dữ liệu hàng đầu, cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo, kéo dài tuổi thọ máy chủ và hướng đến mục tiêu trả lại cho cộng đồng lượng nước nhiều hơn mức tiêu thụ vào năm 2030, cùng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.
Microsoft với nền tảng Azure còn tham vọng hơn khi đặt mục tiêu “carbon âm” vào năm 2030.
Theo dự báo của tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner, nếu tiếp tục đà phát triển hiện tại, AI có thể chiếm tới 3,5% tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu vào năm 2030. Con số này tạo ra một nghịch lý: công nghệ giúp tối ưu năng lượng cho tòa nhà lại tiêu tốn nhiều năng lượng để hoạt động.
Tuy nhiên, đây là một thách thức đã được nhận diện và đang có những nỗ lực nghiêm túc để giải quyết. Các nhà phát triển AI và các tập đoàn công nghệ lớn ngày càng ý thức rõ hơn về “dấu chân carbon” của mình.

Ảnh minh họa: AI/QH
Tại Việt Nam, bên cạnh bài toán năng lượng của AI, việc triển khai công nghệ này trong các khu công nghiệp còn đối mặt với những rào cản đặc thù. Một trong số đó là giới hạn về nguồn cung điện, đặc biệt tại các thị trường công nghiệp cấp 1 (các tỉnh, thành phố phát triển mạnh về công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…). Ông Rooney nhận định tình trạng này đang khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc các địa phương cấp 2, nơi có quỹ đất dồi dào và tiềm năng phát triển hạ tầng tốt hơn, như một giải pháp thay thế.
Một khó khăn khác không kém phần quan trọng là tư duy vận hành truyền thống và tâm lý e ngại thay đổi. Nhiều doanh nghiệp vẫn quen với các quy trình cũ, còn dè dặt trong việc đầu tư và tiếp cận các giải pháp mới dựa trên AI. Chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ và hạ tầng, cùng với chi phí đào tạo nhân lực để có thể vận hành hiệu quả các hệ thống AI, cũng là những yếu tố khiến doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Thêm vào đó, vẫn còn những quan điểm trái chiều về tác động của AI đến việc làm. Báo cáo từ ManpowerGroup cho thấy chỉ 56% nhân sự tuyến đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lạc quan về ảnh hưởng của AI.
Đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ năng AI và những lo ngại này, ông Hoàng Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam, đưa ra lời khuyên doanh nghiệp nên tập trung vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ hiện tại để thu hẹp khoảng cách kỹ năng và đẩy nhanh quá trình ứng dụng AI.
“Đây được xem là giải pháp bền vững và hiệu quả hơn so với việc chỉ trông chờ vào nguồn tuyển dụng bên ngoài” – ông Hoàng Nguyễn nhấn mạnh.
Cần đầu tư vào R&D công nghệ AI bền vững
Thị trường AI tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ hơn 547 triệu USD năm 2023 lên 2,06 tỉ USD vào năm 2032 (theo IMARC Group). Cùng với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy AI và sự gia tăng các công trình xanh (tăng trưởng 8% gần đây), tiềm năng phát triển khu công nghiệp xanh ứng dụng AI là rất lớn. Các nhà phát triển lớn FDI đang triển khai các dự án tại Hưng Yên hoặc Yên Phong – Bắc Ninh, dự kiến hoàn thành vào quý II-2025. Frasers đang tiên phong tích hợp yếu tố bền vững và công nghệ vào các dự án nhà xưởng và kho vận.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp cần có chiến lược rõ ràng: đầu tư vào R&D công nghệ AI bền vững, hợp tác với các công ty công nghệ, đào tạo nhân sự và đảm bảo minh bạch dữ liệu. Việc ứng dụng AI trong khu công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng, mà là con đường tất yếu cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.