Tour du lịch golf trọn gói, mũi nhọn nâng tầm du lịch cao cấp Việt Nam

Khi mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm đang đến gần, ngành du lịch Việt Nam đang tăng tốc chuẩn bị các sản phẩm chuyên biệt nhằm thu hút nhóm du khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong số đó, du lịch golf và MICE (du lịch hội họp, khen thưởng, hội nghị, triển lãm) đang được kỳ vọng trở thành hai mũi nhọn chiến lược giúp nâng tầm thương hiệu điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế

Bứt tốc tour golf trọn gói

Nhằm đón đầu dòng khách từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Đài Loan, nhiều doanh nghiệp lữ hành, sân golf và cơ sở lưu trú trong nước đã chủ động xây dựng các gói tour golf trọn gói.

Theo ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Vina Group: “Tour du lịch golf hiện nay không còn đơn thuần là lịch trình chơi tại một vài sân golf. Chúng tôi tích hợp thêm các hoạt động nghỉ dưỡng cao cấp, thưởng thức ẩm thực địa phương và trải nghiệm văn hóa. Khách đến không chỉ để đánh golf mà còn để tận hưởng một kỳ nghỉ sang trọng”.

Ông Vũ cho biết, TP.HCM có lợi thế lớn khi sở hữu sân bay quốc tế giúp thu hút du khách toàn cầu. Bên cạnh đó, hệ thống sân golf đạt chuẩn nằm gần trung tâm cũng rất thuận tiện cho dòng khách doanh nhân, chuyên gia kết hợp công việc và giải trí. Ông gợi ý, để tạo sản phẩm đột phá, các công ty du lịch có thể mở rộng liên kết với các sân golf ở khu vực lân cận như Bình Dương, Long Thành (Đồng Nai), từ đó phát triển những tour độc đáo như du lịch đường sông kết hợp chơi golf.

Ngoài ra, Lâm Đồng là một trong những điểm sáng khi tận dụng tốt lợi thế khí hậu cao nguyên mát mẻ kết hợp với vị trí gần biển. Tại trung tâm Phan Thiết – Mũi Né, mô hình du lịch biển cao cấp kết hợp golf và MICE đang dần khẳng định vị thế chiến lược.

Bà Đoàn Ngọc Thảo, Tổng thư ký Chi hội Golf Du lịch Sài Gòn (STGS), cho biết giải đấu Green Connection Tournament 1st 2025 sẽ diễn ra tại Lâm Đồng vào ngày 29-7 sẽ rất ý nghĩa. Đây không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần, chương trình còn là cơ hội kết nối các doanh nghiệp du lịch, hình thành chuỗi sản phẩm trọn gói bao gồm thi đấu, nghỉ dưỡng, gala và khám phá biển. Mô hình này góp phần tạo ra giá trị cộng hưởng giữa thể thao, kinh doanh và quảng bá hình ảnh điểm đến.

Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các tour du lịch golf trọn gói để thu hút khách dịp cuối năm. Ảnh: TT.
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các tour du lịch golf trọn gói để thu hút khách dịp cuối năm. Ảnh: TT.

Tại Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là “điểm đến golf tốt nhất châu Á”, lượng khách quốc tế cũng tăng đều trong thời gian gần đây, chủ yếu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và các nước châu Âu. Khách thường đi theo đoàn, kết hợp chơi golf với du lịch biển, khám phá làng quê và sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc điều hành một công ty inbound tại TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi đang thiết kế các tour du lịch golf cao cấp cho khách Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, bao gồm dịch vụ trợ lý cá nhân, massage thể thao, ẩm thực cao cấp và villa nghỉ dưỡng riêng. Đây là cách nâng tầm trải nghiệm, giữ chân nhóm khách có khả năng chi tiêu cao quay trở lại nhiều lần trong năm”.

Golf và MICE – hai mũi nhọn nâng tầm du lịch cao cấp

Du lịch Golf và MICE đang được xác định là hai mũi nhọn chiến lược để nâng tầm thương hiệu điểm đến, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thu hút nhóm khách có khả năng chi tiêu lớn và thời gian lưu trú dài ngày. Không chỉ đơn thuần là hoạt động thể thao hay hội nghị, đây là mô hình “du lịch chất lượng cao” gắn liền với nghỉ dưỡng, giải trí và trải nghiệm đẳng cấp góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Theo bà Đoàn Ngọc Thảo, Tổng thư ký Chi hội Golf Du lịch Sài Gòn (STGS), khi kết hợp với các hoạt động networking và nghỉ dưỡng, mô hình du lịch golf – MICE tạo ra sự gắn kết hiệu quả giữa kinh doanh và trải nghiệm cá nhân. Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho các điểm đến địa phương.

Tuy nhiên, bà Thảo cũng chỉ ra một số thách thức, đặc biệt là vấn đề “tính mùa vụ” trong khai thác và nhận thức. “Du lịch golf hiện vẫn được xem là hoạt động chuyên biệt, chưa thực sự phổ biến trong sản phẩm du lịch đại chúng. Để khắc phục, cần tổ chức thêm các giải đấu thường niên, đẩy mạnh truyền thông và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, việc hình thành chuỗi giá trị bền vững giữa sân golf, cơ sở lưu trú và đơn vị lữ hành cần được đẩy mạnh hơn nữa để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh”- bà Thảo nói.

Năm 2019 có khoảng 3 triệu lượt khách đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf, với mức chi tiêu 500-600 USD/ngày. Trong đó, phí lưu trú chiếm 160-180 USD, phí sân golf từ 80-120 USD, chưa kể ăn uống và mua sắm.

Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM

Bên cạnh yếu tố sản phẩm, hạ tầng là một điều kiện tiên quyết. Bà Thảo đề xuất tập trung phát triển các trung tâm hội nghị quy mô lớn tại những khu nghỉ dưỡng ven biển, đồng thời nâng cấp kết nối giao thông liên vùng nhất là hệ thống đường cao tốc và hàng không.

Song song đó, cần triển khai chiến lược truyền thông quốc tế bài bản nhằm định vị thương hiệu MICE của các địa phương. “Đừng quên đầu tư vào đào tạo nhân lực chuyên sâu bởi trải nghiệm dịch vụ luôn là yếu tố cốt lõi để giữ chân du khách MICE quay trở lại” – bà Thảo nhấn mạnh.

du-lich-golf-2.jpg
Chi hội Golf Du lịch Sài Gòn (STGS) đã tổ chức tour golf đến Thái Lan. Ảnh: TT.

Từ góc độ ngành golf, ông Vũ Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), cho rằng để đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ du lịch golf, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố then chốt đó là mở rộng hệ thống sân golf, tăng cường quảng bá quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc phát triển du lịch golf và MICE không chỉ là đáp ứng xu hướng thị trường mà còn là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại hình, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá ở các thị trường mục tiêu như Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã chính thức bổ nhiệm ông Gregory John Norman (gọi tắt là Greg Norman) là huyền thoại golf thế giới, đảm nhiệm vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Trong nhiệm kỳ mới, ông Greg Norman sẽ tiếp tục quảng bá du lịch golf Việt Nam trên các nền tảng cá nhân với hơn 175.000 lượt theo dõi, nhằm nâng cao nhận diện quốc tế về điểm đến golf. Đồng thời, ông xúc tiến kết nối tổ chức các giải đấu quốc tế, trong đó có kế hoạch phối hợp với LIV Golf để đưa một giải đấu đỉnh cao về Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *