Tính toán của Israel khi giáng đòn vào quân đội chính phủ mới ở Syria

Tập kích quân đội Syria ở miền nam nước này, Israel không chỉ bảo vệ người Druze khỏi xung đột sắc tộc, mà còn muốn đảm bảo an ninh biên giới.

Quân đội Israel ngày 16/7 thực hiện hàng loạt đợt không kích vào trung tâm thủ đô Damascus của Syria, đánh trúng tòa nhà Bộ Quốc phòng cùng khu vực quanh phủ tổng thống nước này. Tel Aviv một ngày trước đó còn nhắm đến các vị trí của quân đội Syria ở thành phố miền nam Sweida, buộc Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa phải lệnh rút quân để tránh “chiến tranh trực diện” với Israel.

Diễn biến này khiến quan hệ giữa Israel và chính quyền mới ở Syria trở nên căng thẳng. Nó cũng gây bất ngờ, bởi truyền thông khu vực cho rằng hai nước đang đứng trước cơ hội ký thỏa thuận hòa bình trước cuối năm nay.

Israel tuyên bố họ tiến hành những cuộc không kích trên lãnh thổ Syria để bảo vệ cộng đồng người Druze ở miền nam nước này, nhưng theo giới chuyên gia, Thủ tướng Benjamin Netanyahu dường như còn có những tính toán khác.

Israel không kích thủ đô Syria

Khói bốc lên từ trụ sở Bộ Quốc phòng Syria ở thủ đô Damascus trong cuộc không kích của Israel ngày 16/7. Video: Al Jazeera TV

Người Druze là cộng đồng tôn giáo, sắc tộc cư trú chủ yếu tại ba quốc gia Syria, Lebanon và Israel. Druze là một tôn giáo riêng biệt, có nhiều điểm tương đồng với Hồi giáo dòng Shiite, không công nhận cải đạo và hạn chế kết hôn ngoài cộng đồng.

Có khoảng 140.000 người Druze sinh sống ở Israel, chiếm khoảng 2% dân số. Nhiều người Druze phục vụ trong quân đội Israel, khiến họ trở thành nhóm thiểu số có ảnh hưởng trong nền chính trị của đất nước.

Tel Aviv khẳng định cộng đồng Druze đã đóng góp rất lớn vào an ninh của nước này, nhiều người đã thiệt mạng khi làm nhiệm vụ bảo vệ Israel.

Khoảng 250.000-300.000 người Druze đang sinh sống tại Syria, tập trung ở tỉnh Sweida, miền nam nước này. Họ có mối liên hệ sâu sắc về họ hàng và lịch sử với cộng đồng người Druze ở Israel.

Do đó, người Druze ở Israel thường thúc giục chính quyền bảo vệ “những người anh em” ở Syria, dù Tel Aviv không có mối quan hệ liên minh với cộng đồng Druze ở nước láng giềng.

Tại tỉnh Sweida, người Druze có mối thù lâu đời với cộng đồng Bedouin, nhóm bộ tộc du mục theo Hồi giáo dòng Sunni sinh sống ở khu vực này. Căng thẳng giữa hai bên gia tăng kể từ khi lực lượng của Ahmed al-Sharaa nổi dậy lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad và thành lập chính quyền mới ở Damascus. Quân đội chính phủ mới ở Syria được coi là đồng minh với các nhóm dân quân người Bedouin ở miền nam.

Kể từ khi ông Sharaa lên nắm quyền, quân chính phủ Syria đã có một số cuộc giao tranh với dân quân Druze ở tỉnh Sweida lẫn khu vực gần thủ đô Damascus hồi tháng 4 và tháng 5, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Giao tranh chỉ lắng xuống khi chính phủ của ông Sharaa đạt thỏa thuận đình chiến với giới lãnh đạo Druze.

Tuy nhiên, bạo lực bắt đầu bùng phát nghiêm trọng ở Sweida hôm 13/7, khi có thông tin các tay súng người Bedouin bắt cóc một tiểu thương người Druze trên đường cao tốc đến Damascus. Dân quân Druze và người Bedouin liên tục đấu súng trong các trận đụng độ dữ dội.

Giao tranh kéo dài nhiều ngày, khiến Tổng thống Sharaa phải triển khai binh sĩ tới miền nam nhằm “khôi phục trật tự” và giám sát lệnh đình chiến. Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết quân đội chính phủ đã cùng người Bedouin tấn công các tay súng Druze và dân thường khắp thành phố.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại Anh, cho biết những vụ đụng độ ở Sweida đã khiến hơn 350 người thiệt mạng, bao gồm lực lượng chính phủ, tay súng địa phương và dân thường, trong đó 27 người Druze bị “hành quyết tại chỗ”.





Binh sĩ quân đội Syrian cưỡi xe máy đi qua một chiếc xe tăng bị bắn cháy ở ngoại ô thành phố Sweida ngày 14/7. Ảnh: AP

Binh sĩ quân đội Syrian cưỡi xe máy đi qua một chiếc xe tăng bị bắn cháy ở ngoại ô thành phố Sweida ngày 14/7. Ảnh: AP

Rafik Halabi, thị trưởng của Daliyat al-Karmel, một trong những thị trấn đông người Druze nhất ở Israel, nói người Druze tại nước này đã biểu tình gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Tel Aviv càng buộc phải hành động sau khi có thông tin khoảng 1.000 người Druze ở Israel đã vượt biên giới sang Syria để thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng của mình.

“Israel cam kết bảo vệ người Druze ở Syria, xuất phát từ quan hệ huyết thống với người Druze tại Israel và liên kết lịch sử, gia đình giữa hai bên”, Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz tuyên bố ngày 15/7.

Một lý do khác thúc đẩy Israel hành động là đảm bảo an ninh khu vực biên giới.

Israel và Syria từng nhiều lần xung đột vũ trang và đang có tranh chấp ở Cao nguyên Golan, khu vực có tầm quan trọng chiến lược về quân sự lẫn tài nguyên nước.

Dưới thời tổng thống Bashar al-Assad, Syria có quan hệ đồng minh với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel tại Trung Đông. Sau khi lật đổ ông Assad hồi đầu tháng 12/2024, Tổng thống lâm thời Sharaa đã chủ động tách Damascus khỏi trục ảnh hưởng của Tehran.

Nhưng chính phủ Thủ tướng Netanyahu vẫn coi chính quyền Sharaa là “chế độ Hồi giáo cực đoan”, là mối đe dọa với Israel. Lý do là lãnh đạo lâm thời Syria vốn là thủ lĩnh Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang bị Mỹ cùng một số quốc gia liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Để phòng hờ, lực lượng Israel từ tháng 12/2024 đã chiếm đóng một số khu vực nhỏ ở tây nam Syria, tiến hành nhiều cuộc không kích phá hủy các khí tài quân sự hiện đại nhất mà chính quyền Assad để lại, ngăn chúng rơi vào tay lực lượng của Sharaa. Israel còn đơn phương áp đặt vùng phi quân sự ở Syria, cấm chính quyền mới ở Damascus đưa lực lượng và vũ khí đến miền nam.

Mỹ hồi đầu tháng 7 đã gỡ trừng phạt với Syria và đưa HTS khỏi danh sách tổ chức khủng bố, mở đường cho thúc đẩy hợp tác tái thiết quốc gia Trung Đông này.

Một quan chức Israel nói với CNN rằng ông Netanyahu từng thuyết phục Tổng thống Mỹ không dỡ trừng phạt với Syria, lo ngại động thái có thể dẫn đến một biến cố tương tự hồi tháng 10/2023, khi nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza tấn công miền nam Israel gây thương vong lớn.

Sweida có vị trí chiến lược, nằm gần biên giới Jordan và Israel. Do đó, việc quân đội chính phủ Syria tăng hiện diện ở đây phần nào khiến Israel bất an.

“Israel sẽ không cho phép chính quyền Sharaa mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ lãnh thổ Syria”, Ammar Kahf, giám đốc điều hành Trung tâm Omran về Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở Damascus, nói với Al Jazeera.

Theo ông Kahf, Israel đang cố áp đặt ý chí của nước này lên chính quyền mới của Syria.





Vị trí Sweida, Syria. Đồ họa: CNN

Vị trí tỉnh Sweida và thành phố thủ phủ cùng tên ở miền nam Syria, giáp Cao nguyên Golan và Jordan. Đồ họa: CNN

Các đợt không kích đã phủ bóng lên tiến trình đàm phán giữa Israel và Syria, làm giảm triển vọng về một thỏa thuận ngoại giao. Tổng thống lâm thời Sharaa ngày 17/7 cáo buộc Israel đang tìm cách “gieo rắc hỗn loạn” ở Syria.

Dù vậy, ông Netanyahu khả năng cao vẫn muốn có một thỏa thuận không gây hấn với ông Sharaa, Carmit Valensi, chuyên gia về quan hệ Israel – Syria tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia, Tel Aviv, nói.

Hành động đơn phương tuyên bố vùng phi quân sự ở miền nam Syria dường như là bước mở đầu, tạo tiền đề cho một thỏa hiệp sau này. Theo bà Valensi, Israel có thể chấp nhận cho lực lượng Syria quay lại một số khu vực ở tây nam Syria, miễn là ông Sharaa cam kết không tấn công Israel.

“Israel hiểu rõ phi quân sự hóa hoàn toàn trong dài hạn là mục tiêu khó đạt được. Đó là lý do đây chỉ là một phần, nói cách khác là điểm khởi đầu trong tiến trình đàm phán”, bà Valensi nói.

Như Tâm (Theo Washington Post, CNN, Al Jazeera)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *