Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào rượu, bia tăng đến 90% vào năm 2031

(PLO)- Tinh thần chung của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt 2025 là mở rộng đối tượng, điều chỉnh mạnh thuế suất đánh vào nhiêu mặt hàng trong đó có rượu, bia

Tại buổi công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới được Quốc hội thông qua hồi tháng 6-2025 vào sáng 11-7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã thông tin về các luật điều chỉnh các quy định trong lĩnh vực tài chính.

Tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt

Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thứ trưởng Cận cho hay: Luật có hiệu lực từ 1-1-2026 và mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là nhằm hoàn thiện chính sách thuế tiêu thu đặc biệt, mở rộng cơ sở thu, khắc phục vướng mắc trong thực thi, điều tiết tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, đồng thời phù hợp cam kết quốc tế.

Luật đã bổ sung đối tượng chịu thuế là nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100 ml; điều chỉnh lại ngưỡng công suất điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 24.000–90.000 BTU; sửa mô tả nhiều mặt hàng chịu thuế như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay.

Đặc biệt, luật quy định cụ thể về thuế suất đối với các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong biên độ thời gian từ 2027 đến 2031.

Cụ thể: thuốc lá, xì gà, thuốc lá sợi được giữ nguyên mức thuế suất 75%, đồng thời bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần theo lộ trình. Đối với rượu, bia thuế suất tăng dần 5% mỗi năm, và đạt mức 90% vào năm 2031. Nước ngọt có đường: áp dụng thuế suất 8% năm 2027 và 10% vào năm 2028.

Xe bán tải, VAN: Tăng thuế suất 3%/năm trong 3 năm từ 2027.

luat-thue-tieu-thu-dac-biet_le-tien-can.jpg
Thứ trưởng Lê Tiến Cận thông tin về các luật trong lĩnh vực tài chính. Ảnh: ĐỨC TUÂN

Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng nhiều ưu đãi

Đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Tiến Cận cho hay, luật này áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2025.

Luật này được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về người nộp thuế, bổ sung đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số tại Việt Nam. Luật cũng làm rõ các khoản thu nhập chịu thuế, miễn thuế, bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, trợ cấp đầu tư, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, luật này đã quy định mức thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên quy mô doanh thu. Theo đó, luật đã bổ sung hai mức thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỉ/năm và mức thuế suất 17% cho các doanh nghiệp có doanh thu từ trên 3 tỉ đến 50 tỉ/năm.

Cùng với đó, luật quy định rõ khung ưu đãi thuế theo ngành, địa bàn và hoạt động đặc thù, đồng thời lược bỏ các ưu đãi không còn phù hợp. Bổ sung ưu đãi mới với các ngành công nghệ số trọng điểm, chip bán dẫn, ô tô, an toàn thông tin, trung tâm dữ liệu, sản phẩm công nghiệp nền tảng…

Đáng chú ý, luật đã quy định tăng mức trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ từ 10% lên 20%, bổ sung quy định loại trừ ưu đãi đối với một số ngành kinh doanh đặc biệt.

Sửa đổi nguyên tắc phân chia ngân sách

Đối với Luật Ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Lê Tiến Cận nói luật này được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn 2026–2030, thúc đẩy phân cấp, tăng tính chủ động cho địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Một trong những điểm đáng chú ý là luật đã quy định nâng mức dự phòng tài chính lên 5%, quy định rõ phạm vi chi từ dự phòng quốc gia; cho phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, với thời hạn hoàn trả cụ thể.

Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp; cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục; bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chi tiết và sử dụng dự phòng ngân sách trung ương.

Đặc biệt, Luật đã phân định rõ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, ngân sách địa phương hưởng 100% và các khoản thu phân chia.

Trong đó các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương gồm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được quy định cụ thể tỷ lệ; thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường thì do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với ngân sách địa phương, Luật giao HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp xã phù hợp thực tế tại địa phương.

Luật cũng bỏ quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương để linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *