Tàu hỏa tắt điều hòa 3 tiếng, khách đập vỡ cửa sổ

Trung QuốcKhông chịu nổi cái nóng trong toa tàu mắc kẹt 3 tiếng vì trật bánh ở tỉnh Chiết Giang, nam hành khách lấy búa đập vỡ cửa sổ.

Chuyến tàu khách số hiệu K1373 va chạm với tàu chở hàng lúc tối 2/7, khiến tàu phải dừng lại trên đường tới thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Tàu tắt điều hòa để sửa chữa, hành khách lẫn nhân viên đều nóng toát mồ hôi.

“Bí quá, anh mở cửa toa tàu được không?”, một người đề nghị, nhưng bị nhân viên bác bỏ.

Mắc kẹt 3 tiếng trên tàu không điều hòa, khách đập vỡ cửa sổ

Hành khách đập vỡ cửa sổ trên tàu K1373 tối 2/7. Video: The Paper

Nhiệt độ trong toa lúc 21h khoảng 31 độ C, một nữ hành khách 50 tuổi choáng váng vì nóng nhưng nhân viên từ chối đề nghị mở cửa toa tàu. Họ chỉ phát nước khoáng miễn phí cho người già và trẻ nhỏ.

Đến 22h, một nam hành khách ở toa tàu số 3 lấy búa đập vỡ cửa sổ để thông gió. Nhân viên trên tàu can ngăn nhưng hành khách này vẫn tiếp tục đập cửa sổ giữa tiếng hoan hô của mọi người.

“Anh hùng, anh hùng”, một người hô to khen ngợi.

“Cửa sổ vừa vỡ, không khí tươi ùa vào, nhiệt độ trên toa giảm đáng kể”, một người khác cho hay.

Điều hòa mở lại lúc 23h11. Sau khi tàu đến ga Kim Hoa, cảnh sát đường sắt đã khiển trách, phê bình người đập cửa sổ. Nhân viên tàu sửa lại cửa sổ bị vỡ. Công ty vận hành đường sắt Trung Quốc ngày 5/7 ra thông cáo về sự việc, khiến câu chuyện một lần nữa trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.

“Trong hoàn cảnh này, có nên đập vỡ cửa sổ hay không?”, “Nếu trường hợp tương tự xảy ra, liệu có quy trình ứng phó nào khoa học, chuyên nghiệp và nhân đạo hơn hay không?”, “Nhiệt độ trong toa lên đến bao nhiêu độ thì được quyền đập vỡ cửa sổ”, là một số chủ đề được thảo luận.





Cửa sổ tàu hỏa bị đập vỡ. Ảnh:

Cửa sổ tàu hỏa bị đập vỡ. Ảnh: The Paper

Lâm Phi Nhiên, luật sư công ty luật Kinh Đô ở Bắc Kinh, ngày 6/7 cho rằng nhân viên đường sắt không sai khi cố gắng duy trì trật tự trong phạm vi thẩm quyền, nhưng khi nhiệt độ trong toa tàu quá cao, khả năng phối hợp ứng phó còn hạn chế, cần cân nhắc sửa đổi Quy định cứu hộ cứu nạn khẩn cấp tai nạn giao thông đường sắt.

“Hành vi đập vỡ cửa sổ có thể coi là sơ tán khẩn cấp, không cần chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, cần xem xét liệu đập cửa sổ có phải là lựa chọn tốt nhất để giải quyết sự cố hay không, thay vì khuyến khích đập cửa sổ”, ông Lâm nói.

Hồng Hạnh (Theo Paper/Xinhua)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *