(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu sửa Luật Doanh nghiệp phải có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, để kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng nhất” như khẳng định của Nghị quyết Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chiều 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Đây được cho là một dự luật vừa nhằm thể chế hóa các Nghị quyết, quan điểm mới đây của Trung ương, Bộ Chính trị về kinh tế, về doanh nghiệp, vừa phòng ngừa nguy cơ Việt Nam lọt vào danh sách đen của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền – FATF.
Chuyển mạnh sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày nêu: Ngoài các căn cứ chính trị là các Nghị quyết 27, 57 của Trung ương, thực tiễn khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải, việc FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tăng cường (danh sách xám) về phòng, chống rửa tiền (PCRT) là những cơ sở để sửa luật.
Đặc biệt, FATF khuyến nghị Việt Nam phải khắc phục các vấn đề để được đưa ra khỏi danh sách, trong đó nhấn mạnh “xây dựng cơ chế lưu giữ và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Các thủ tục về gia nhập thị trường đã kế thừa và phát huy các cải cách của các luật trước đó. Các quy định về quản trị doanh nghiệp cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ các thông lệ tiên tiến nhưng đến nay vẫn có một số vướng mắc.

“Để xử lý các vướng mắc, bất cập này và tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 nội dung”, Bộ trưởng Thắng cho biết.
Trong các nội dung sửa đổi, có nội dung quan trọng về tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định về “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công khai minh bạch thông tin, tạo sự an toàn cho người dân, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.
Để đáp ứng cam kết quốc tế về PCRT, dự luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Cần hợp lý và gắn với quản lý nhà nước về kinh doanh
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Phan Văn Mãi cho hay đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đều nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Với việc sửa đổi các quy định để đáp ứng các yêu cầu về PCRT theo khuyến nghị của FATF, cơ quan thẩm tra thống nhất bổ sung các quy định và lưu ý: “Cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định ở mức độ hợp lý và bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Chẳng hạn về cần thống nhất khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” tại Luật PCTR và dự luật này vừa đáp ứng yêu cầu tại khuyến nghị của FATF vừa tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp phải cung cấp thông tin theo các yêu cầu khác nhau.

Đồng thời, cần rà soát các quy định về trách nhiệm thu nhập, lưu trữ, cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bảo đảm hợp lý, khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp.
Phó Tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Đậu Anh Tuấn dù còn một số băn khoăn, như quy định về thời điểm hoàn tất góp vốn bằng tài sản vẫn đánh giá dự luật này vẫn kế thừa các điểm cải cách của các Luật Doanh nghiệp trước đây.
Ông Tuấn cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” cần được thống nhất với Luật PCRT, chứ không nên mở rộng như trong dự luật. Việc tuân thủ các khuyến nghị của FATF có thể phát sinh chi phí tuân thủ, nhưng chi phí này không lớn so với “chi phí phải đánh đổi” nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách đen của FATF.
“Đây cũng là trách nhiệm công khai của doanh nghiệp, nhưng quy định về quá trình công khai chắc cũng có lúng túng”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, trong các quy định thì có quy định về lưu giữ thông tin 5 năm. Ông Tuấn giả định nếu một doanh nghiệp phá sản thì trách nhiệm lưu giữ thông tin 5 năm cần xem xét tính khả thi. Ông Tuấn đề nghị nên gắn trách nhiệm lưu giữ thông tin 5 năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cần khuyến khích để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu sửa Luật Doanh nghiệp phải có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, để kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng nhất” như khẳng định của Nghị quyết Trung ương và của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Cần đảm bảo minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, tiếp cận thị trường, thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh…”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói và yêu cầu các quy định trong dự luật này phải đồng bộ với các luật liên quan.

Ông cho biết kỳ họp Quốc hội thứ 9 tới đây sẽ xem xét nhiều dự án luật theo phương thức “một luật sửa nhiều luật”, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống luật pháp.
“Chúng ta làm luật rất công phu nhưng khi thực hiện được vài tháng lại phải sửa đổi, bổ sung. Có luật chưa thực hiện nhưng lại nói khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện để đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.