Rầm rộ mở đường bay, tour mới phục vụ cao điểm du lịch 6 tháng cuối năm

Ngành du lịch và hàng không Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 với quyết tâm bứt phá, mở rộng thị trường và đón đầu xu hướng dịch chuyển toàn cầu. Đây là thời điểm then chốt để về đích doanh thu, lượng khách quốc tế và nội địa.

Ngành du lịch cao điểm đón khách quốc tế

Ở lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp lớn như Saigontourist, Vietluxtour, TST Tourist, Vietravel… đã công bố kế hoạch tăng trưởng mạnh trong mùa cao điểm. Riêng Saigontourist Group đặt mục tiêu phục vụ 2,3 triệu lượt khách, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024, với doanh thu kỳ vọng đạt 18.800 tỉ đồng, đóng góp ngân sách gần 4.000 tỉ đồng. Vietluxtour lên kế hoạch tung ra hơn 60 sản phẩm tour mới mang dấu ấn lịch sử – văn hóa, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lượng khách 30% trong 6 tháng cuối năm.

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 đạt 15–16 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: TT.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 đạt 15–16 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: TT.

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Saigontourist Group chia sẻ, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025 sẽ là thời điểm then chốt để công ty tăng tốc và bứt phá. Đây là giai đoạn mà du lịch thường sôi động nhất với nhiều lễ hội và sự kiện lớn.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, tăng liên kết thị trường, quảng bá thương hiệu qua các sự kiện quốc tế và ứng dụng công nghệ vào vận hành.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, TP đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng kết hợp nền tảng số 3D/360o đa ngôn ngữ. Bên cạnh chuỗi lễ hội lớn như Lễ hội Sông nước, Hò Dô… TP.HCM cũng phát triển du lịch đêm với hoạt động tham quan bảo tàng về đêm, biểu diễn nghệ thuật công cộng và chương trình giải trí kéo dài đến khuya.

Theo định hướng mới, ngành du lịch TP.HCM xác định Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL là những thị trường nội địa trọng điểm, nơi có nhóm khách hàng có mức chi tiêu cao và nhu cầu trải nghiệm đặc thù. Với quốc tế, ưu tiên tập trung vào các thị trường có đường bay thẳng, miễn thị thực và mức tăng trưởng ổn định, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, Nam Á và Trung Đông.

Theo báo cáo du lịch toàn cầu 2025 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam được xếp vào top 5 điểm đến phục hồi nhanh nhất Đông Nam Á, cùng với Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Trong khi đó, Công ty lữ hành Vietluxtour đang chuẩn bị ra mắt bộ sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn lịch sử – văn hóa Việt Nam, phản ánh sự thích nghi nhanh với các thay đổi về địa lý hành chính, hành vi tiêu dùng và chiến lược tiếp cận thị trường. Đại diện doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng 30% doanh thu và lượt khách trong hai quý cuối năm.

Với bức tranh phục hồi, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 đạt 15–16 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách nội địa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 được xem là “cơ hội vàng” để toàn ngành đồng loạt tăng tốc, về đích ngoạn mục trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

ngang-du-lich-1.jpg
Chương trình du lịch hè đưa trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khám phá các điểm đến du lịch xanh tại Cần Giờ. Ảnh: TT.

Hàng không tăng tốc, mở rộng kết nối quốc tế

Bám sát đà phục hồi của du lịch, ngành hàng không cũng đang tăng tốc mạnh mẽ. Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, các hãng bay trong nước đã vận chuyển 28 triệu lượt hành khách, gồm 9,6 triệu khách quốc tế và 18,4 triệu khách nội địa.

Nhằm tối ưu hóa doanh thu và kết nối giao thương – du lịch, các hãng hàng không đang đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế, mở thêm nhiều đường bay mới đến các địa phương giàu tiềm năng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Đà Lạt…

Vietnam Airlines hiện đang hoàn thiện kế hoạch đầu tư 50 máy bay thân hẹp thế hệ mới với tổng vốn lên tới hơn 92.000 tỉ đồng, triển khai từ năm 2030 đến 2035. Dự án hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả vận hành, tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tính đến giữa năm, Vietnam Airlines đã mở 5 đường bay quốc tế mới đến Bắc Kinh, Bangkok, Bengaluru, Hyderabad và Busan. Đồng thời khôi phục hoạt động khai thác trên 4 tuyến bay chiến lược gồm Moscow, Bali, Kuala Lumpur và Hồng Kông. Hai tuyến bay mới đến Milan (Ý) và Copenhagen (Đan Mạch) sẽ lần lượt đi vào khai thác trong tháng 7 và tháng 12 năm nay, góp phần gia tăng sự hiện diện của hàng không Việt trên bản đồ hàng không toàn cầu.

nganh-du-lich-4.jpg
Du khách làm thủ tục checkin trước khi lên chuyến bay thẳng Hà Nội – Milan vào đầu tháng 7. Ảnh: Vietnam Airlines.

Trong khi đó, Vietjet cũng không ngừng mở rộng thị phần quốc tế. Ngay từ đầu năm, hãng hàng không Vietjet đã ghi dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển với việc thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ.

Vietjet cũng vừa công bố hợp tác với hãng hàng không Qazaq Air để thành lập liên doanh “Vietjet Qazaqstan”, mở rộng hiện diện tại thị trường Kazakhstan. Đồng thời, hãng tiếp tục phát triển mạng bay đến các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Úc và mở thêm nhiều điểm đến mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân và du khách.

Không dừng lại ở đó, Vietjet còn đặt mục tiêu vươn xa hơn tới châu Âu trong thời gian tới. Các đường bay quốc tế không chỉ khởi hành từ hai trung tâm lớn là TP.HCM và Hà Nội, mà còn được đẩy mạnh từ các điểm du lịch nổi bật như Đà Nẵng, Phú Quốc… góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đà phục hồi nhanh chóng này được thúc đẩy nhờ các chính sách miễn thị thực, thị thực điện tử linh hoạt và chương trình xúc tiến du lịch mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Ấn Độ.

Đặc biệt, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại châu Âu (Đức, Pháp, Italia, Thụy Sỹ, Ba Lan, Séc); xúc tiến du lịch điện ảnh tại LHP Cannes, Pháp; quảng bá du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin ở Đức, Travex ở Malaysia; tăng cường truyền thông du lịch trên các nền tảng số… đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *