Phát triển nhân lực chip bán dẫn theo hướng ‘đi để trở về’

Tư duy phát triển nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam là “đi để trở về”, tức đào tạo trong nước rồi đưa ra nước ngoài học, làm việc một thời gian rồi quay về, theo lãnh đạo NIC.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nêu ý kiến trên tại hội thảo “Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu”, do Viện đào tạo Đại học quốc tế, Tập đoàn FPT, tổ chức ngày 19/4.

Theo ông Thịnh, bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp cực kỳ đặc biệt, là ngành lõi nhất của công nghệ thông tin. Tại Mỹ, theo đạo luật CHIPS, đây không đơn thuần là một ngành kinh tế mà còn được coi là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

“Việt Nam được xác định có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành chip bán dẫn từ cách đây vài năm. Vì vậy, tất yếu chúng ta phải phát triển ngành này”, ông Thịnh nói. “Việc đầu tiên phải làm là tập trung phát triển nguồn nhân lực”.





Ông Đỗ Tiến Thịnh trình bày ở hội thảo ngày 19/4. Ảnh: Thanh Thanh

Ông Đỗ Tiến Thịnh tại hội thảo ngày 19/4. Ảnh: Thanh Thanh

Ngành chip bán dẫn chia thành ba khâu: thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử. Chiến lược quốc gia của Việt Nam là tập trung vào khâu thiết kế.

Ông Thịnh cho biết NIC đã báo cáo Chính phủ rằng phần lớn nhân lực thiết kế chip bán dẫn của Việt Nam phải ra thị trường quốc tế. Vì vậy, tư duy phát triển nhân lực ngành này là “đi để trở về”.

“Chúng tôi ủng hộ các trường đại học đào tạo sinh viên trong nước, sau đó gửi ra nước ngoài học tập và làm việc một thời gian rồi trở về để phát triển ngành chip”, ông Thịnh nói.

Ông lấy ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Giao thông Dương Minh (Đài Loan) có chương trình hợp tác để sinh viên sang Đài Loan học bậc thạc sĩ, được các tập đoàn cấp học bổng, sau đó làm việc hai năm cho họ rồi mới quay trở lại Việt Nam.

Hay đầu tháng 1, Đại học FPT và Đại học Á Châu – trường top 6 tại Đài Loan và trong top 500 thế giới (theo THE) thỏa thuận đào tạo chương trình Sản xuất bán dẫn, với hai năm đầu tại Việt Nam và hai năm cuối tại Đài Loan.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng trường đại học cần hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo.

Ông Nguyễn Vinh Quang, CEO FPT Semiconductor, tập đoàn FPT, cho biết hiện nay, các công ty chip bán dẫn thường phải đào tạo lại nhân sự mới tuyển dụng trong 6 tháng đến một năm. Lý do là Việt Nam chưa có lứa sinh viên nào tốt nghiệp chương trình chuyên sâu về bán dẫn, hầu hết chỉ học về điện tử. Trong khi đó, chương trình đào tạo ngành điện tử cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành này.

Khi hợp tác, doanh nghiệp sẽ đưa chương trình nâng cao kỹ năng vào giảng dạy, cho sinh viên năm cuối tham gia vào các dự án thực tế để ra trường không mất nhiều thời gian đào tạo lại nữa.





Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT phát biểu tại hội thảo ngày 19/4. Ảnh: BTC

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT phát biểu tại hội thảo ngày 19/4. Ảnh: BTC

Ngành bán dẫn toàn cầu đạt 620 tỷ USD vào năm 2023 và dự đoán đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, riêng Tập đoàn FPT cần 7.000. Nhưng theo tính toán của doanh nghiệp này, Việt Nam hiện mới có 5.000 nhân sự.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT, nhấn mạnh đào tạo nhân lực ngành bán dẫn phải có chất lượng rất cao.

“Thiết kế chip bán dẫn cần rất nhiều kiến thức về khoa học cơ bản. Người trẻ Việt Nam có sở trường về Toán, Lý, Hoá. Vì vậy, tôi tin rất nhanh thôi chúng ta sẽ đào tạo ra được thế hệ kỹ sư rất tài năng”, ông Tú nói.

Về phía sinh viên, ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh ngành này rất khó nhưng cũng đem lại cơ hội lớn. Như về lương, nếu so sánh với ngành Công nghệ thông tin, mức lương đi làm sau ba năm tốt nghiệp không chênh lệch nhiều nhưng với kinh nghiệm 10 năm, câu chuyện sẽ rất khác. Vì vậy, ông khuyên sinh viên khi theo đuổi ngành này cần có ý chí, sự kiên trì, bên cạnh đam mê.

“Các bạn yên tâm nếu theo được ngành, thành quả rất ngọt ngào”, ông Thịnh nói.

Dương Tâm


Góp ý kiến tạo

Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

Gửi góp ý



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *