Phạm Vũ Huyền Trang trúng tuyển nghiên cứu sinh Đại học Texas, Austin, với 6 công bố tại các hội nghị quốc tế hàng đầu về Trí tuệ nhân tạo (AI).
Nữ sinh được đài thọ toàn bộ học phí, nhận lương trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Khoa Thống kê và khoa học dữ liệu, tổng cộng khoảng 400.000 USD (hơn 10 tỷ đồng). Theo xếp hạng đại học US News, Đại học Texas ở Austin nằm trong top 30 trường tốt nhất Mỹ.
Trang trước đó tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu và AI của Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm trung bình 3.81/4. Nữ sinh cũng nhận giải “Đồ án tốt nghiệp xuất sắc” của trường Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc đại học này.

Phạm Vũ Huyền Trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trang quê Ninh Bình (trước là Nam Định), tốt nghiệp THPT năm 2020. Nữ sinh cho hay chọn theo ngành AI vì tìm hiểu và ấn tượng về khả năng ứng dụng chúng vào phân tích hình ảnh, giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và giảm tải cho hệ thống y tế.
“Mình muốn theo đuổi con đường mà những gì mình nghiên cứu tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng”, Trang nói, cho biết đăng ký vào chương trình học bằng tiếng Anh vì có sẵn chứng chỉ IELTS 7.0.
Trong năm đầu tiên ở Bách khoa Hà Nội, Trang tập trung học các môn đại cương. Bước ngoặt đến vào cuối học kỳ II khi em đăng ký tham gia Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo của trường (BKAI). Tại đây, nữ sinh được dạy cách đọc hiểu và phân tích bài báo khoa học, học máy, toán nền tảng cho AI… Niềm đam mê nghiên cứu từ đó dần hình thành.
Đến cuối năm thứ ba, Trang trở thành sinh viên nội trú của chương trình AI Residency tại Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI VinAI Research (nay là Qualcomm AI Research). Nữ sinh nhìn nhận môi trường học thuật chuyên sâu, cùng cơ hội làm việc với các chuyên gia quốc tế giúp bản thân tích lũy nền tảng vững chắc để hướng tới bậc học cao hơn.
Đến nay, Trang và nhóm bạn đã có sáu bài báo nghiên cứu được công bố tại ba hội nghị học thuật hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI và học máy là NeurIPS, ICML và ICLR. Các nghiên cứu này tập trung vào hai hướng. Hướng nghiên cứu đầu tiên xoay quanh Mô hình hỗn hợp chuyên gia (Mixture of Experts – MoE) – thành phần cốt lõi trong các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như công cụ AI DeepSeek. Nhóm của Trang tập trung giải thích vì sao MoE hoạt động tốt hoặc gặp hạn chế, đồng thời đề xuất phương pháp mới để tăng hiệu quả mô hình.
“Nhóm phải tự tìm tòi và kiểm chứng lại rất nhiều. Nhưng kết quả thực nghiệm cho thấy hướng đi này rất tiềm năng, vừa về mặt học thuật, vừa có ứng dụng thực tiễn”, Trang nói.
Hướng nghiên cứu thứ hai của nữ sinh liên quan Optimal Transport (OT) – một công cụ đo lường sự khác biệt giữa hai tệp phân phối dữ liệu, ứng dụng trong sinh ảnh hoặc xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Phương pháp này có tiềm năng ứng dụng trong y tế như phân tích hình ảnh chẩn đoán, hoặc trong tài chính khi dữ liệu biến động liên tục.
Với mong muốn phát triển con đường nghiên cứu, Huyền Trang tìm đường du học. Nữ sinh cho hay ưu tiên hàng đầu là Mỹ vì đây là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ, môi trường nghiên cứu năng động, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về AI.
Cuối năm ngoái, Trang gửi hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Texas ở Austin, với CV, thư động lực, thư giới thiệu, bảng điểm cùng các bài báo khoa học. Nữ sinh sau đó được gọi vào vòng phỏng vấn với các giáo sư rồi trúng tuyển.
Anh Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư hướng dẫn của Huyền Trang tại VinAI, đánh giá học trò là một trong những sinh viên trẻ có tiềm năng nghiên cứu tốt, luôn luôn tích cực tìm tòi, học hỏi và tiến bộ.
“Sự cẩn thận và tỉ mỉ của Trang trong quá trình lên ý tưởng, viết bài, và phản biện đã giúp cho các bài báo quốc tế của em ấy nhận được nhiều đánh giá tích cực”, anh nói.
Trang hiểu rằng con đường đến nghiên cứu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cô từng nhiều lần cảm thấy “đuối” khi xung quanh toàn những đồng nghiệp giỏi. Nhưng nhờ sự đồng hành của thầy cô, bạn bè trong cả công việc và cuộc sống, cô dần vượt qua.
“Điều may mắn nhất của mình là luôn tìm thấy những cộng đồng hỗ trợ đúng lúc, giúp bản thân tự tin hơn và định hình rõ con đường tương lai”, Trang cho hay.
Cô cũng nhìn nhận đích đến cho hành trình của mình không chỉ là những bài báo quốc tế hay học vị tiến sĩ. Điều cô khao khát hơn cả là được đồng hành cùng các lớp đàn em trên con đường nghiên cứu về AI.
“Mình muốn trở thành một người thầy – vừa truyền đạt kiến thức, vừa truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”, Trang chia sẻ.
Huyền Trang dự định sẽ mở rộng hướng nghiên cứu, ứng dụng AI vào các lĩnh vực thiết thực như y tế, đồng thời trở về làm việc ở trong nước.
Phương Anh