Những phát biểu thể hiện lòng độ lượng của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis đã đưa ra nhiều tuyên bố đáng nhớ trong 12 năm lãnh đạo Tòa thánh Vatican, thể hiện quan điểm và sự độ lượng của ông về một số vấn đề lớn.

Giáo hoàng Francis qua đời sáng 21/4 tại Nhà thánh Marta ở Vatican, hưởng thọ 88 tuổi. Di hài của ông hôm nay được chuyển từ Nhà thánh Marta tới quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter để công chúng tới viếng trong ba ngày.

Hãng thông tấn AP nhận định lúc sinh thời, Giáo hoàng Francis có phong cách nói chuyện thân mật và vui vẻ, đôi khi tự sáng tạo ra từ mới bằng cách kết hợp tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha và tiếng Italy, ngôn ngữ mà ông sử dụng từ khi được bầu làm Giáo hoàng.

Ông đã đưa ra nhiều phát ngôn đáng nhớ trong cuộc đời của mình, trong đó có thông điệp “hãy cầu nguyện cho tôi”. Ông luôn đề cập câu này ở cuối mỗi bài phát biểu với lý do bản thân “cũng là tội nhân”, điều được đánh giá là cho thấy đức tính khiêm nhường của Giáo hoàng. Bài đăng đầu tiên trên mạng xã hội Instagram của ông cũng là thông điệp trên.





Tín đồ Công giáo cầu nguyện tại nhà thờ Buenos Aires sau khi Giáo hoàng Francis qua đời hôm 21/4. Ảnh: AFP

Tín đồ Công giáo cầu nguyện tại nhà thờ Buenos Aires sau khi Giáo hoàng Francis qua đời hôm 21/4. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis luôn bày tỏ tình yêu thương với người có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi muốn một Giáo hội nghèo dành cho người nghèo”, ông tuyên bố ba ngày sau khi nhậm chức Giáo hoàng vào tháng 3/2013, cho thấy triết lý mà bản thân muốn thực hiện trong nhiệm kỳ của mình.

Tháng 7/2013, ông tuyên bố “nếu một người đồng tính có thiện chí tìm đến Chúa, tôi là ai mà có thể phán xét họ?”. Đây được đánh giá là phát biểu mang tính bước ngoặt, thể hiện quan điểm khoan dung hơn của Vatican đối với cộng đồng LGBT.

Tình trạng bất bình đẳng trong xã hội cũng là vấn đề mà Giáo hoàng thường xuyên quan tâm.

“Việc thờ phụng con bê vàng thời cổ đại đã trở lại dưới hình thức mới và tàn nhẫn hơn, thông qua sự sùng bái tiền bạc và thống trị của nền kinh tế vô cảm, thiếu mục đích nhân văn thật sự”, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh trong Tông huấn năm 2013.

Ông cũng chú ý tới vấn đề môi trường và từng ví Trái Đất giống như “bãi rác khổng lồ” để kêu gọi sự quan tâm của mọi người.

“Trái Đất, ngôi nhà của chúng ta, đang ngày càng trông giống bãi rác khổng lồ. Ở nhiều nơi trên hành tinh, những người cao tuổi than phiền rằng các cảnh quan vốn từng rất tươi đẹp nay lại bị rác thải bao phủ”, thông điệp về môi trường hồi năm 2015 của Giáo hoàng Francis có đoạn.

Cũng trong thông điệp này, ông đã lên tiếng cho quyền lợi của các nước Nam bán cầu, thuật ngữ chỉ những quốc gia đang phát triển.

“Đất đai của người nghèo ở phương nam vẫn màu mỡ và phần lớn chưa bị ô nhiễm, nhưng hệ thống quan hệ thương mại và sở hữu có cấu trúc sai lệch đang ngăn cản họ sở hữu hàng hóa, tài nguyên dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu”, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh.

Giáo hoàng còn quan tâm tới vấn đề di cư. Khi thăm đảo Lampedusa của Italy vào tháng 7/2013, ông cho rằng thế giới đang nhắm mắt làm ngơ trước tình cảnh của người di cư, nhấn mạnh thái độ thờ ơ đó đã bị “toàn cầu hóa”.

“Chúng ta đã quen với nỗi thống khổ của người khác và cho rằng điều đó không phải chuyện của mình”, Giáo hoàng Francis cho hay.





Giáo hoàng Francis tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Vatican hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Vatican hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Trên đường từ Philippines trở về Rome vào tháng 1/2015, Giáo hoàng được phóng viên hỏi rằng ông muốn nói gì với những gia đình định có nhiều con hơn mức có thể nuôi, trong bối cảnh Giáo hội cấm biện pháp tránh thai.

“Xin lỗi vì cách dùng từ này, nhưng một số người nghĩ để trở thành tín đồ Công giáo tốt thì họ phải giống như thỏ”, ông đáp, ám chỉ khả năng sinh sản nhiều của loài vật này. “Không, làm cha mẹ thì phải có trách nhiệm. Đó là điều hết sức rõ ràng”.

Khi sinh thời, Giáo hoàng Francis đã nỗ lực cải cách Giáo hội. Trong bài phát biểu mừng vào Giáng sinh năm 2017, ông lên án các hồng y và giám mục vì đã cản trở công việc của mình, đồng thời khẳng định “thực hiện cải cách ở Rome giống như lau tượng nhân sư bằng bàn chải đánh răng”.

“Một Giáo triều không tự phê bình, không tự cập nhật và cải thiện chính mình chỉ là cơ thể đau yếu. Đây là căn bệnh của những kẻ giàu có ngu ngốc nghĩ mình sẽ sống mãi”, Giáo hoàng nói vào tháng 12/2014, đồng thời cho rằng bộ máy Vatican đang “mắc bệnh Alzheimer về tinh thần”.

Giáo hoàng Francis từng đưa ra một số tuyên bố liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tháng 2/2016, khi được đề nghị bình luận về quan điểm chống nhập cư của ông Trump, Giáo hoàng tuyên bố bất kỳ ai “muốn xây tường thay vì cầu đều không phải người Công giáo”.

Sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng hồi đầu năm, Giáo hoàng Francis cho rằng chiến dịch trục xuất quy mô lớn người nhập cư trái phép của Tổng thống Mỹ là “thảm họa” và “cuộc khủng hoảng lớn”.

Giáo hoàng đã nhiều lần thể hiện phong cách gần gũi của mình. Trong một tập phim của chương trình truyền hình Công giáo TV2000 hồi năm 2017, ông tiết lộ mình “đôi khi ngủ quên khi cầu nguyện”.

Mỗi chủ nhật sau khi chủ trì lễ cầu nguyện Angelus, Giáo hoàng Francis đều chúc đám đông “buon pranzo”, nghĩa là ăn trưa ngon miệng.

Phạm Giang (Theo AFP, AP)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *