Việc chính quyền Zelensky tước đi tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng có thể khiến Ukraine bị các đồng minh hoài nghi, làm suy yếu động lực ủng hộ.
Sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 22/7 ký thông qua đạo luật mới thu hồi quyền tự chủ của Cục Phòng chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) và Văn phòng Công tố Chuyên trách Chống tham nhũng (SAPO), hàng trăm người đã tụ tập biểu tình ở trung tâm thủ đô Kiev, hô vang khẩu hiệu “Phủ quyết luật”.
Đây là cuộc biểu tình hiếm hoi ở Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát hồi năm 2022, cho thấy nỗi bất mãn của người dân với quyết định siết kiểm soát hệ thống chống tham nhũng.
Luật mới sẽ đặt NABU và SAPO, hai cơ quan độc lập hàng đầu về chống tham nhũng, dưới quyền lãnh đạo, kiểm soát của Tổng công tố, người do Tổng thống bổ nhiệm.
Trên mạng xã hội, nhiều người gọi đây là hành động “không thể quay đầu”, “đỉnh điểm của tham nhũng” và cảnh báo Ukraine sẽ đối mặt “thời kỳ đen tối phía trước”. Họ cho rằng động thái này đã phá bỏ một thập kỷ cải cách đầy khó khăn của Ukraine và có nguy cơ khiến vấn nạn tham nhũng tràn lan trở lại.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kiev hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Sau phong trào biểu tình EuroMaidan lật đổ cựu tổng thống Viktor Yanukovych năm 2013-2014, Ukraine đã đẩy mạnh các cải cách chống tham nhũng như một phần trong nỗ lực hội nhập châu Âu, đáp ứng các yêu cầu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).
NABU được thành lập năm 2014, thay thế Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia vốn bị xem là thất bại. Cơ quan này có nhân sự khoảng 700 người, gồm nhiều điều tra viên được đào tạo bởi FBI và EU, đóng vai trò quan trọng trong cải cách pháp luật và chính trị Ukraine.
NABU chịu trách nhiệm điều tra các vụ án tham nhũng lớn ở cấp cao, nhưng không có quyền truy tố, mà phải chuyển hồ sơ sang SAPO. Thiết chế này nhằm đảm bảo sự kiểm soát quyền lực của hai cơ quan độc lập, đồng thời giúp hai cơ quan tránh bị ảnh hưởng bởi chính trị.
Luật mới được thông qua một ngày sau khi EU và G7 bày tỏ lo ngại về việc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tiến hành hơn 70 cuộc khám xét đối với các địa điểm liên quan đến NABU, động thái bị các nhà hoạt động xã hội chỉ trích là nhằm phá hoại nỗ lực chống tham nhũng.
Theo luật này, Tổng công tố Ukraine giờ đây có quyền tiếp cận và chuyển giao hồ sơ vụ án, đưa ra chỉ thị mang tính ràng buộc đối với các nhà điều tra của NABU, cũng như đơn phương đóng các vụ án, cùng nhiều quyền hạn khác.
Một số chuyên gia lo ngại luật mới có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa Ukraine với phương Tây cũng như những hỗ trợ tài chính quan trọng của đồng minh dành cho Kiev.
“Mọi thứ giờ đây bị đảo ngược”, Svitlana Matviienko, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Lập pháp Ukraine, nói sau khi luật được thông qua. “Hôm nay, đất nước đã mất đi không chỉ các thể chế chống tham nhũng mà còn cả niềm tin vốn rất khó để xây dựng được kể từ năm 2014”.
Matviienko cảnh báo rằng quy định của luật mới gợi nhớ đến quyền lực của Tổng công tố dưới thời Yanukovych, người có thể đơn phương định đoạt kết quả của bất kỳ vụ án nào, làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống công tố.
“Tôi có thể nói quá, nhưng quyết định này có thể coi là một cuộc đảo chính. Không phải về việc thay đổi quyền lực, mà là về cách thức quyền lực vận hành. Một nhà nước lành mạnh luôn trân trọng tính độc lập của các thể chế”, nhà sử học Ukraine Yaroslav Hrytsak bình luận.
Ông lưu ý Ukraine thông qua luật kiểm soát các cơ quan chống tham nhũng đúng vào thời điểm nhạy cảm trong cuộc xung đột với Nga, khi đất nước đang rất cần hỗ trợ cả về tài chính lẫn quân sự từ các đồng minh phương Tây. “Nó thực sự nguy hiểm, gây thất vọng và không khác gì tự sát”, ông nói.
Bà Matviienko cũng đồng tình rằng luật mới của Ukraine có nguy cơ làm chậm các cuộc đàm phán gia nhập EU và đe dọa những nguồn viện trợ tài chính quan trọng cho Kiev.
“Nó đánh dấu một bước ngoặt không thể quay đầu”, chuyên gia này nói.
Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là “bước thụt lùi nghiêm trọng”. Ủy viên phụ trách mở rộng EU Marta Kos nhấn mạnh các thể chế chống tham nhũng là “thiết yếu đối với con đường gia nhập EU của Ukraine”.
Volodymyr Ariev, nghị sĩ từ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, cảnh báo các quy định mới sẽ đe dọa mọi thành tựu Ukraine từng đạt được trong nỗ lực xích lại gần hơn với châu Âu.
Theo ông, tính độc lập của NABU và SAPO là chìa khóa cho “tư cách thành viên EU nhưng nó đã bị phá vỡ”.
Petro, thượng sĩ thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 38 đang làm nhiệm vụ tại khu vực Pokrovsk, miền đông Ukraine, cho hay quyết định áp kiểm soát cơ quan chống tham nhũng có thể khiến Ukraine mất đi nguồn hỗ trợ quan trọng từ Mỹ và châu Âu, những bên từng chỉ trích nạn tham nhũng ở Ukraine.
“Hành động đó sẽ chỉ giúp một số người rút ruột các gói viện trợ mà không bị trừng phạt. Không ai ủng hộ một đất nước như vậy”, anh nói.
“Cần hiểu rằng NABU và SAPO không chỉ là những từ viết tắt, không chỉ là các cơ quan thực thi pháp luật ở Ukraine. Họ được thành lập như những cơ quan mới, độc lập, không bị vấy bẩn bởi hành vi tham nhũng cũ”, Anastasia Radina, chủ tịch ủy ban chống tham nhũng quốc hội, thành viên đảng của Tổng thống Zelensky, bình luận.
Sergey Fursa, chuyên gia tại Dragon Capital, ngân hàng đầu tư hàng đầu Ukraine, nhận định sau những gì vừa diễn ra, Kiev nên chuẩn bị đối mặt mọi kịch bản xấu.
“Chính quyền Ukraine đã vượt mọi lằn ranh đỏ, vi phạm tất cả các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ hợp tác với IMF, khuôn khổ hội nhập của EU và thậm chí vi phạm cả những điều kiện điên rồ nhất”, ông nói.
“Sau chuyện này, không gì là không thể. Nó đã tạo ra rủi ro rất lớn cho đất nước”, Fursa nhấn mạnh.
Theo nhà báo điều tra Yuriy Nikolov, NABU lâu nay luôn săn lùng các quan chức cấp cao, những người có cơ hội tham nhũng lớn nhất, và đã gặt hái một số thành công. Chỉ riêng trong năm 2023, cơ quan này đã điều tra tham nhũng liên quan 21 quan chức cấp cao, 39 lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, 16 thẩm phán, 11 nghị sĩ.
Nếu NABU bị vô hiệu hóa, hoạt động chống tham nhũng có lẽ vẫn diễn ra, nhưng chỉ ở cấp độ thấp. “Những kẻ tham nhũng cấp cao sẽ có cơ hội thoát tội”, ông nói. “Luật pháp sẽ được áp dụng một cách chọn lọc”.

Những người tham gia cuộc biểu tình phản đối luật nhằm vào các thể chế chống tham nhũng ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 22/7. Ảnh: AP
“Quốc hội đã thông qua một đạo luật làm suy yếu đáng kể tính độc lập của NABU và SAPO. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong thời đại của chúng ta. Chúng ta đang hướng tới EU và Ukraine đã xây dựng những cơ quan này suốt nhiều năm”, nhà hoạt động Ihor Lachenkov bình luận. “Nhưng khi nhắm vào những người thân cận với Tổng thống, họ ngay lập tức bị tấn công”.
Tổng thống Zelensky chưa bình luận về cáo buộc này. Ông đã ký phê chuẩn đạo luật ngay khi nó được quốc hội thông qua, trước khi dư luận Ukraine và các đồng minh của Kiev thực sự hiểu được tác động của luật mới.
“Tất cả chúng ta đều có chung một kẻ thù, đó là Nga. Việc bảo vệ nhà nước Ukraine đòi hỏi phải có một hệ thống hành pháp đủ mạnh, đảm bảo công lý thực thụ”, ông Zelensky phát biểu hôm 23/7, sau cuộc gặp với các quan chức hành pháp và chống tham nhũng hàng đầu.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Kyiv Independent, AtlanticCouncil)