Nhiều người Ukraine tin việc Tổng thống Trump nối lại viện trợ vũ khí cho nước này là bước tiến quan trọng, nhưng số khác lại nói chưa thể chắc chắn điều gì.
Ukraine ngày 8/7 hoan nghênh thông báo của Tổng thống Donald Trump về việc nối lại viện trợ quân sự cho nước này để đẩy lùi các cuộc tấn công từ Nga, sau khi Mỹ tuần trước đột ngột dừng cung cấp khí tài.
Dù lạc quan, các nghị sĩ và chuyên gia phân tích tại Kiev cho biết họ vẫn thận trọng và không mong đợi một bước ngoặt hoàn toàn trong viện trợ quân sự của Mỹ, do Tổng thống Trump đến nay vẫn hoài nghi về nỗ lực hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội đồng châu Âu tại Strasbourg, miền đông nước Pháp, ngày 25/6. Ảnh: AP
Khi chính quyền Trump tuần trước quyết định dừng cung cấp một số lô vũ khí đã được duyệt chuyển giao cho Ukraine, các quan chức ở Washington nói rằng lý do là để rà soát kho dự trữ vũ khí của Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm 7/7 cho hay những cuộc tấn công gần đây của Nga vào các thành phố, làng mạc Ukraine đã khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi thêm vũ khí.
“Chúng ta phải làm vậy. Họ phải có khả năng tự vệ”, Tổng thống Mỹ nói, thêm rằng ông không hài lòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các cuộc đàm phán ngừng bắn đang lâm vào bế tắc.
Ngày 8/7, trong cuộc họp nội các ở Nhà Trắng, ông Trump một lần nữa nói rằng ông Putin đang không thiện chí đàm phán. “Ông ấy lúc nào cũng tỏ ra tử tế nhưng hóa ra lại vô nghĩa”, Tổng thống Trump cho hay.
Theo Peter Dickinson, chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, ông Trump dường như nhận ra rằng Nga đã tìm cách “câu giờ” trong nhiều tháng qua và Tổng thống Putin không thực sự muốn chấm dứt xung đột.
Kira Rudik, lãnh đạo đảng Golos, thành viên quốc hội Ukraine, là một trong số nhiều người tin rằng sau cùng, ông Trump có lẽ đã hết kiên nhẫn với người đồng cấp Nga.
“Tổng thống Trump nói Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine. Đây là tin tốt với chúng ta và là tin xấu cho Nga”, bà nói. “Đã đến lúc phản công”.
“Lợi ích quan trọng nhất đến từ việc giảm khả năng Nga gây áp lực với các quốc gia châu Âu khác”, Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, nói. “Nó sẽ giúp Mỹ tránh được những chi phí khổng lồ trong tương lai để bảo vệ các đồng minh NATO”.
Iryna Gerashchenko, nghị sĩ Ukraine thuộc đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, hôm 7/7 viết trên mạng xã hội rằng thông báo từ Tổng thống Trump là “một tín hiệu thay đổi về mặt chính trị”.
“Cường độ tấn công ngày càng tăng của Nga và áp lực từ các đồng minh ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, đang buộc Nhà Trắng phải thay đổi”, bà nói.
Theo Oleksandr Merezhko, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Ukraine, việc Tổng thống Trump quyết định nối lại cung cấp vũ khí cho thấy Kiev vẫn thu hút được chú ý của ông chủ Nhà Trắng, ngay cả khi có ít hy vọng rõ ràng về một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột.
“Ông ấy đã nhận ra rằng không thể hy vọng Nga đàm phán nghiêm túc”, Merezhko nói. “Không thể có một lệnh ngừng bắn sớm”.
Dù vậy, một số người vẫn bày tỏ hoài nghi liệu nguồn cung vũ khí của Mỹ có thể duy trì lâu dài hay không, do họ đã có kinh nghiệm về những lần thay đổi trước đây cũng như lập trường ủng hộ không vững chắc của Tổng thống Trump đối với các phương án trừng phạt Nga.
Maksym Skrypchenko, chủ tịch Trung tâm Đối thoại Xuyên Đại Tây Dương, nhóm nghiên cứu có trụ sở ở Kiev, cho rằng dưới chính quyền Trump, Ukraine không thể phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí do Mỹ tài trợ nữa vì chính sách của Washington đang tập trung vào khu vực Trung Đông và Thái Bình Dương.
“Đấy không phải chiến lược lý tưởng mà chúng ta mong muốn”, ông nói. “Nhưng chúng ta cần thích nghi với nó. Chúng ta cần tìm một vị trí cho Ukraine trong chiến lược đó”.

Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp nội các ở Nhà Trắng ngày 8/7. Ảnh: AP
Phản ứng ban đầu từ Bộ Quốc phòng Ukraine cũng cho thấy tâm lý thận trọng. Dù bày tỏ sự cảm kích trước những hỗ trợ liên tục từ Mỹ, các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh vẫn cần làm rõ hơn các chi tiết trong tuyên bố từ Tổng thống Trump.
Họ khẳng định việc Ukraine nhận được viện trợ quân sự, đặc biệt là các hệ thống phòng không, một cách “ổn định và liên tục” là điều tối quan trọng.
Dickinson cho hay các thông tin cụ thể hơn về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine có thể được đưa ra tại Hội nghị Phục hồi Ukraine tại Rome, Italy, tuần này.
“Mọi hỗ trợ quân sự bổ sung từ Mỹ chắc chắn sẽ được hoan nghênh, nhưng nhiều người ở Kiev cũng muốn tìm kiếm thêm những tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump giờ đây đã nhận ra yêu cầu phải cứng rắn hơn với Nga”, ông nói.
Trên đường phố Kiev, người dân thể hiện rõ tâm lý e dè, thận trọng trước thông báo nối lại viện trợ quân sự từ ông Trump.
“Hôm nay ông ấy nói một đằng, nhưng ngày mai lại một nẻo”, Valentyna Minakova, 58 tuổi, cư dân ở thủ đô Ukraine, cho hay. “Chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn, tuyệt đối không”.
“Dù vậy, hãy cứ hy vọng ông ấy sẽ cho chúng ta thứ gì đó. Ít nhất là những gì chúng ta cần cho phòng không, để bảo vệ dân thường”, bà cho biết thêm.
Vira Tykhonenko, nhân viên bán lẻ 50 tuổi, cũng có chung cảm nghĩ. “Tôi đã không tin tưởng ông ấy lắm và giờ đây niềm tin càng vơi đi”, bà cho hay. “Bởi tất cả những gì ông ấy nói đều không khớp với những gì ông ấy làm”.
Egor Kyryukhin, 20 tuổi, sinh viên ở Kiev, cho rằng còn quá sớm để vui mừng với việc ông Trump tuyên bố nối lại cung cấp vũ khí tới Ukraine.
“Tôi sẽ chờ tới khi ông ấy thực sự làm điều đó”, anh nói. “Tổng thống Trump đưa ra rất nhiều tuyên bố, không cái nào giống cái nào”.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Atlantic Council, Reuters)