Người Gaza đổ tới các điểm phân phát viện trợ bất chấp nỗi lo nguy hiểm tính mạng, khi trong tháng qua đã có hàng trăm người bị bắn chết.
Khi nhìn thấy thi thể con trai Ahmed chi chít vết đạn nằm trong sân bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, miền nam Gaza, bà Asmahan Shaat ngã xuống đất, suy sụp vì đau đớn. Bà gào khóc, giọng nghẹn ngào vì sốc và quá đau khổ.
Asmahan vừa khóc vừa hôn lên mặt, tay và chân của con trai 23 tuổi. Người nhà và 6 người con đứng cạnh giữ bà lại, nhưng bị đẩy ra.
“Hãy để tôi ở bên con. Hãy để tôi ở bên con”, bà vừa nói vừa nức nở. “Ahmed sẽ nói chuyện lại. Cháu đã dặn tôi, ‘Mẹ ơi, con sẽ không chết đâu. Con sẽ mang cho mẹ đồ ăn từ trung tâm phân phối viện trợ ở Rafah'”.

Người phụ nữ Palestine ôm thi thể người nhà thiệt mạng trong một vụ tấn công của Israel trong tang lễ ở bệnh viện Nasser, thành phố Khan Younis, ngày 26/6. Ảnh: AFP
Ahmed rời chỗ sơ tán của gia đình ở al-Mawasi trước bình minh ngày 26/6 để đi lấy thức ăn nhưng vĩnh viễn không quay lại. Anh họ của Ahmed, Mazen Shaat, đi cùng hôm đó.
Mazen cho hay Ahmed bị bắn vào bụng khi lực lượng Israel nổ súng vào đám đông gần trung tâm phân phát viện trợ của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF), tổ chức do Israel và Mỹ điều hành, ở Rafah. Nhiều người đã thiệt mạng và bị thương.
Theo cơ quan truyền thông Gaza, chỉ trong một tháng, đã có 600 người Palestine thiệt mạng và hơn 4.200 người bị thương do hỏa lực của Israel gần các điểm phân phát viện trợ của GHF, con số này vẫn tăng lên mỗi ngày.
Các tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc lên án mô hình phân phát của GHF là quân sự hóa, nguy hiểm và không phù hợp luật pháp quốc tế. Báo Haaretz của Israel từng trích lời binh sĩ quân đội nước này về việc họ được lệnh bắn vào đám đông không vũ trang, dù không có dấu hiệu nguy hiểm.
“Con trai tôi phải chết chỉ vì đi lấy thức ăn về cho chúng tôi ư? Thế giới tự do đâu rồi? Cuộc tra tấn này sẽ kéo dài đến bao giờ?”, bà Asmahan căm phẫn nói.
Hai triệu người dân Gaza đang kiệt quệ sau 21 tháng liên tục phải sơ tán và hứng bom đạn, bị đẩy đến bờ vực nạn đói do Israel phong tỏa các cửa khẩu từ ngày 2/3 và chỉ cho phép một lượng nhỏ hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu bị kiểm soát.
Bên trong nhà xác tại Bệnh viện Nasser, không xa nơi Ahmed nằm, Shireen, 25 tuổi, phủ phục bên thi thể chồng, Khalil al-Khatib, 29 tuổi.
“Khalil, dậy đi. Con trai Ubaida của anh đang đợi bố”, cô vừa khóc vừa nói. “Sáng nay em đã nói với con: ‘Bố sẽ về sớm’. Mẹ con em không cần thức ăn, mẹ con em cần anh”.
Khalil cũng rời al-Mawasi tới điểm nhận hàng viện trợ. Cha vợ anh, Youssef al-Rumailat, cho hay Khalil luôn cẩn thận tránh xe tăng Israel và không ngờ có ngày mình bị tấn công.
“Con rể tôi là người hiền lành”, ông Youssef nói. “Nguy hiểm rình rập khắp nơi, Khalil luôn sợ mình sẽ mất mạng, nên có thời gian không dám ra ngoài tìm thức ăn cho con. Cháu ngoại tôi, Ubaida, 5 tuổi, thường xin bố bánh mì hay cơm. Mỗi lần như thế, Khalil sẽ khóc vì không thể cho con trai bánh mì, cũng không thể tìm sữa cho con út, đứa bé mới sinh được vài ngày khi chiến sự nổ ra”.
“Họ lợi dụng sự tuyệt vọng của chúng tôi”, Youssef nói. “Đối với một người đàn ông, không có gì đau đớn hơn là không thể nuôi sống gia đình. Nhưng bây giờ các điểm phân phối viện trợ chính là bẫy tử thần, sẵn sàng cướp đi sinh mạng bất kỳ ai tới gần”.

Người bị thương gần điểm phân phối hàng viện trợ của GHF được đưa vào bệnh viện Nasser ngày 2/7. Ảnh: AFP
Youssef cho hay gia đình ông cũng như nhiều người khác, đã mất hết niềm tin vào hệ thống viện trợ nhân đạo mới. “Chúng tôi không muốn hệ thống viện trợ vấy máu này. Hãy để chúng tôi quay lại hệ thống của Liên Hợp Quốc. Ít nhất chúng tôi không bị giết khi tìm thức ăn”, ông nói.
GHF thành lập vào tháng 5 nhằm cung cấp thực phẩm trực tiếp đến miền nam Gaza. Tuy nhiên, hàng hóa của tổ chức này không được chuyển qua các cơ quan nhân đạo như UNRWA, cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine mà Israel cho rằng có liên quan tới Hamas. Giới quan sát cho rằng việc này đã phá vỡ quy trình giám sát, phối hợp và không thể đảm bảo an toàn.
Israel khẳng định họ tạo điều kiện cung cấp viện trợ và chỉ tấn công vào những cá nhân khả nghi và các mối đe dọa tiềm tàng. Trong nhiều trường hợp, Israel giải thích rằng những người bị bắn đã rời khỏi tuyến đường được chỉ định, áp sát lực lượng của họ và phớt lờ phát súng cảnh cáo.
Hoạt động của UNRWA bị hạn chế nghiêm trọng, còn điểm phân phát của GHF đầy rẫy nguy hiểm, khiến những người dân Gaza vốn tuyệt vọng không còn lựa chọn nào khác ngoài mạo hiểm mạng sống để sinh tồn.
Mustafa Nabil Abu Eid, 31 tuổi, di tản từ Rafah đến al-Mawasi, trở về từ điểm phân phát hàng viện trợ ở Rafah cùng bạn Abdullah Abu Ghali, 39 tuổi. Họ mang theo vài túi mì ống, gạo và đậu lăng trong balô. Mustafa mô tả chuyến đi là “hành trình tử thần”.
“Chúng tôi đi bộ khoảng 2 km đến rìa khu vực”, anh nói. “Sau đó chúng tôi chờ đợi, đôi khi hàng tiếng đồng hồ, đến khi xe tăng rút lui. Khi xe rời đi, chúng tôi chạy qua khu đất trống, luôn nghĩ không biết mình sẽ nhận được thức ăn hay bị bắn chết”.
Người ta thường hỏi tại sao biết rõ là nguy hiểm nhưng anh vẫn đi.
“Không có lựa chọn nào khác. Nếu ở trong lều, chúng tôi sẽ chết vì đói, vì bệnh tật, vì bom đạn. Nếu đi, chúng tôi có thể chết, nhưng cũng có thể mang thứ gì đó về nuôi con”, anh nói.
Mustafa có 5 người con. Con gái lớn nhất của anh, Saba, 10 tuổi. Con út là cặp song sinh Hoor và Noor vừa tròn ba tuổi. “Chúng khóc vì đói. Tôi không chịu nổi. Chúng tôi tìm kiếm sự sống bằng cách đi qua cái chết”, anh bày tỏ.
Các cơ quan viện trợ cảnh báo nạn đói xuất hiện ở một số khu vực của Gaza. Báo cáo của sáng kiến toàn cầu Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) hồi tháng 6 cho biết toàn bộ dân số Gaza đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng với hơn một triệu người có nguy cơ chết đói. Trẻ em đang chết dần vì suy dinh dưỡng và mất nước.

Một người bị thương tại điểm nhận hàng viện trợ cố vác theo bao bột mì đến bệnh viện Nasser để băng bó vết thương, ngày 2/7. Ảnh: AFP
Tấn công có chủ đích vào dân thường tại các điểm viện trợ có thể cấu thành tội ác chiến tranh, theo các chuyên gia luật quốc tế và các tổ chức theo dõi nhân quyền. Theo luật nhân đạo quốc tế, các bên tham gia xung đột phải đảm bảo công tác bảo vệ dân thường và hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo không bị cản trở.
“Các cuộc tấn công có chủ ý vào dân thường và các mục tiêu dân sự, bao gồm nhân viên viện trợ và các điểm phân phát, đều bị nghiêm cấm”, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 tuyên bố.
Nhưng đối với các gia đình như nhà Shaat và nhà Khatib, “luật pháp dường như vô nghĩa”. Asmahan hy vọng cái chết của con trai sẽ không bị lãng quên.
“Con tôi chỉ muốn nuôi sống gia đình”, bà nói. “Con tôi không làm gì sai. Họ giết con tôi như thể mạng sống của cháu vô giá trị. Hãy nói với thế giới: Chúng tôi không phải là những con số. Chúng tôi là con người và chúng tôi đang chết đói”.
Hồng Hạnh (Theo Aljazeera, Haaretz)