Người dân làm thủ tục tăng đột biến ngày đầu sáp nhập tỉnh, thành

Ngày đầu thực hiện chính quyền hai cấp sau sáp nhập, lượng hồ sơ, thủ tục ở phường, xã trên cả nước tăng đột biến, có nơi người dân phải chờ lâu khi giải quyết.

Sáng 1/7, tại Trung tâm hành chính công ở trụ sở UBND xã Bà Điểm, TP HCM, hàng chục người dân ngồi kín ba hàng ghế chờ đến lượt làm thủ tục. Tại lối vào, một chuyên viên trực máy tính hướng dẫn người dân bốc số theo từng lĩnh vực.

Văn phòng rộng 150 m2, vừa cải tạo từ trụ sở xã cũ, bố trí 12 quầy xử lý các lĩnh vực: đất đai, hộ tịch, nông nghiệp – môi trường, kinh tế – hạ tầng – đô thị, nội chính, đăng ký hộ kinh doanh, bảo trợ xã hội… Xã Bà Điểm mới được hình thành từ việc sáp nhập ba xã Trung Chánh, Bà Điểm và Xuân Thới Thượng, rộng 27,36 km2 với hơn 204.000 dân – đứng thứ tư toàn thành phố.





Rất đông người dân đến Trung tâm hành chính công xã Bà Điểm để làm thủ tục trong ngày đầu sáp nhập, thực hiện chính quyền hai cấp. Ảnh: Đình Văn

Rất đông người dân đến Trung tâm hành chính công xã Bà Điểm để làm thủ tục trong ngày đầu sáp nhập, thực hiện chính quyền hai cấp. Ảnh: Đình Văn

Cầm số thứ tự 3024, bà Thanh Thảo (55 tuổi) cho biết chờ hơn 20 phút vẫn chưa tới lượt vì quầy đất đai đông người. “Trước tôi phải đi lên huyện rồi tới các phòng chuyên môn, nay chỉ cần lên xã là làm được. Tuy nhiên, ngày đầu đông người quá nên chờ hơi lâu”, bà nói và đề xuất mở thêm quầy ở các lĩnh vực có nhu cầu cao.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó giám đốc trung tâm hành chính xã Bà Điểm, cho biết buổi sáng đầu tiên vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, xã tiếp nhận lượng hồ sơ gấp ba lần bình thường. Để phục vụ người dân, đơn vị bố trí 16 cán bộ, chuyên viên tiếp nhận hồ sơ, cùng hai lãnh đạo và ba nhân viên không chuyên trách. Toàn bộ nhân sự được tập huấn và vận hành thử năm lần trước đó.

Tuy nhiên, trong ngày đầu, do quy trình mới và số lượng hồ sơ tăng, cán bộ còn lúng túng, thời gian xử lý kéo dài. Ngoài ra, người dân vẫn nhầm lẫn giữa các loại thủ tục thuộc thẩm quyền xã và văn phòng cấp huyện, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai.

Theo ông Hậu, để nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian tới xã sẽ bổ sung thêm ba quầy phục vụ các lĩnh vực bảo hiểm, bưu điện và trang bị máy tính bảng tại quầy để người dân đánh giá chất lượng phục vụ, góp ý trực tiếp.





Ông Phạm Văn Thành, 73 tuổi, đến xã Bà Điểm làm thủ tục đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó được cán bộ viết giấy hướng dẫn đến địa chỉ văn phòng đất đai để thực hiện. Ảnh: Đình Văn

Ông Phạm Văn Thành, 73 tuổi, đến xã Bà Điểm làm thủ tục đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó được cán bộ viết giấy hướng dẫn đến địa chỉ văn phòng đất đai để thực hiện. Ảnh: Đình Văn

Sau sắp xếp, từ 1/7 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước từ hơn 10.000 còn hơn 3.300, giảm khoảng 67%. TP HCM khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu từ 341 xã, phường còn 168 đơn vị, giảm hơn 50%, diện tích thành phố mới rộng 6.700 km2 với gần 14 triệu dân – đứng đầu cả nước. Việc tổ chức mô hình chính quyền hai cấp giúp người dân làm thủ tục ngay tại phường, xã thay vì phải đi lên cấp quận, huyện như trước.

Tại buổi làm việc sáng cùng ngày với phường Dĩ An – nơi có số dân gần 228.000 người, đông nhất TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được đánh giá cao nỗ lực triển khai mô hình mới. Ông cũng lưu ý các xã, phường nếu gặp khó khăn về nhân sự, công nghệ, cần chủ động đề xuất giải pháp để đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, phục vụ tốt người dân.

Hà Nội là một trong 11 địa phương không sáp nhập cấp tỉnh, nhưng sau khi bỏ chính quyền cấp huyện và sắp xếp lại cấp xã từ 526 còn 126 đơn vị, khối lượng công việc của bộ máy cơ sở tăng mạnh nhằm phục vụ gần 9 triệu dân.

Tại trụ sở UBND phường Đống Đa (phố Hoàng Cầu) sáng nay có hơn 140 cán bộ, công chức đến từ sớm. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nguyễn Ngọc Việt yêu cầu cán bộ thay đổi tư duy, bỏ tâm lý “phường tôi – phường anh”, lấy việc phục vụ nhân dân làm trung tâm. “Thời cắp ô đi làm đã qua. Bây giờ là hành chính phục vụ, là kiến tạo”, ông nói và kết thúc phát biểu bằng một bài thơ do AI sáng tác để khuyến khích đổi mới.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính đặt ở tầng 1, cán bộ hướng dẫn người dân lấy số thứ tự, bố trí ghế ngồi, tài liệu pháp luật và sinh viên tình nguyện hỗ trợ thao tác máy tính cho người lớn tuổi. Khoảng 10 chuyên viên tiếp nhận hồ sơ qua quầy giao dịch.





Trung tâm hành chính công của phường Đống Đa trong ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: Việt An

Trung tâm hành chính công của phường Đống Đa ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp. Ảnh: Việt An

Chị Trần Thị Kim Thoa, chuyên viên tại trung tâm, cho biết sau sáp nhập, khối lượng công việc tăng gấp 5-6 lần. Mọi thứ còn mới, nhưng các nhân viên đang dần làm quen. Lượng người đến làm cũng đông hơn trước.

Ngay sáng đầu tiên, hàng chục lượt người tới làm các thủ tục đất đai, hưu trí, đăng ký kinh doanh… Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Láng) cho hay chỉ mất 30 phút để hoàn tất đăng ký hộ kinh doanh. “Tôi bất ngờ vì ngày đầu mà làm việc rất trôi chảy, cán bộ hướng dẫn tận tình”, chị nói.

Tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì cũ) – xã đảo duy nhất, cách trung tâm Thủ đô hơn 60 km, ông Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, cho biết sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức ở địa phương tăng lên khoảng 60 người, gấp ba lần trước. Nhiều cán bộ được điều động từ các huyện khác, cách nơi làm việc 30–80 km nhưng chưa có nhà công vụ để ở lại.

Theo lãnh đạo xã, dù còn nhiều khó khăn nhưng tất cả phòng, ban chuyên môn đã được bố trí đầy đủ nhân sự. Trong điều kiện hạ tầng thiếu thốn, cán bộ xã đã linh hoạt tìm cách khắc phục khó khăn với tinh thần “làm thật, hiệu quả thật” được quán triệt ngay từ những ngày đầu ở xã đảo.

Sau sắp xếp, Đà Nẵng có 23 phường, 70 xã và một đặc khu Hoàng Sa, diện tích hơn 11.800 km2, dân số khoảng 3 triệu. Sáp nhập từ 5 phường, dân số hơn 130.000 người – gấp gần 10 lần so với trước, nên sáng nay Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu, số 15 Lê Hồng Phong ghi nhận số người đến làm thủ tục tăng cao.

Để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ, trung tâm tăng từ 7 lên 14 ô tiếp nhận thủ tục hành chính so với trước đây; bố trí thêm hai bàn hướng dẫn người dân làm thủ tục và hỗ trợ thao tác trực tuyến. Một số cán bộ phường và cán bộ quận trước đây được sắp xếp làm việc cạnh nhau để phối hợp giải quyết hồ sơ hiệu quả.





Ông Đinh Đức Duy được chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu hỗ trợ, trao đổi thông tin khi làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Đinh Đức Duy được chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu hỗ trợ, trao đổi thông tin khi làm thủ tục. Ảnh: Nguyễn Đông

Chủ tịch UBND phường Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết phường chủ động bố trí nhân lực, trang thiết bị để bảo đảm phục vụ người dân kịp thời, không để xảy ra tình trạng ách tắc, dù số lượng công dân của phường mới đến làm thủ tục đông hơn dự kiến.

“Chúng tôi phải bổ sung thêm ghế ngồi chờ, triển khai phương án B để đảm bảo chỗ ngồi và hỗ trợ người dân lấy số thứ tự”, ông nói, cho biết việc giải quyết hồ sơ cơ bản diễn ra thông suốt trong sáng đầu tiên hoạt động. Người dân đến liên hệ chủ yếu ở hai nhóm thủ tục: chứng thực, khai tử, tư pháp hộ tịch; giấy phép xây dựng, hồ sơ đất đai.

Quản lý hơn 160.000 dân, ông Trần Xuân Tây, Chủ tịch UBND phường Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết sáng nay phường bố trí 15 ô làm việc với 15 cán bộ, chưa kể đến đội ngũ chuyên môn từ các phòng ban. Trước khi vận hành ngày hôm nay, phương đã lên kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị, tranh thủ hai ngày cuối tuần để sắp xếp cơ sở vật chất.

Theo ông Tây, sáng nay dù đông người nhưng mọi vướng mắc của người dân đều được các cán bộ đáp ứng nhanh chóng. Trở ngại về phần mềm bị quá tải cũng được đơn vị bố trí người xử lý kịp thời. Dù áp lực, các cán bộ vẫn niềm nở hỗ trợ người dân, nỗ lực xử lý những hồ sơ tồn đọng song hành với giải quyết các vấn đề phát sinh.

>> Ảnh ngày đầu vận hành phường, xã TP HCM

Nhóm phóng viên





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *