(PLO)- Trong số 309 mẫu thịt lợn, gà được lấy để kiểm tra, có hơn 19% mẫu thịt lợn không đạt yêu cầu với các chỉ tiêu vi sinh vật.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ NN&MT) tại hội nghị phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật tổ chức ngày 23-7, trong năm 2024, Cục Thú y (nay đã hợp nhất với Cục Chăn nuôi) đã lấy 309 mẫu thịt lợn, gà để giám sát an toàn thực phẩm.
Hơn 19% mẫu không đạt yêu cầu với các chỉ tiêu vi sinh vật
Cụ thể, Cục thực hiện lấy mẫu tại 7 cơ sở giết mổ và 7 cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà ở TP.HCM và Đồng Nai.
Trong 309 mẫu này có 50 mẫu lau thân thịt lợn, 20 mẫu da cổ gà, 14 mẫu nước, 155 mẫu thịt lợn, gà; thực hiện 573 lượt mẫu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật (vi sinh vật gây ô nhiễm và gây bệnh truyền lây qua thực phẩm) và tồn dư kháng sinh, hóa chất, kim loại nặng.

Kết quả, 48/250 mẫu (chiếm 19,2%) mẫu thịt lợn tại cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu với các chỉ tiêu vi sinh vật.
2/60 mẫu (chiếm 3,33%) mẫu thịt gà tại cơ sở giết mổ và cơ sở kinh doanh không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu vi sinh vật.
Đối với chỉ tiêu tồn dư kháng sinh và chất cấm, phát hiện 1 mẫu thịt gà tồn dư Tylosin nhưng dưới mức giới hạn cho phép.
Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết hàng năm, Cục này đều tổ chức các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, trong đó có chương trình kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn và thịt gà tiêu thụ nội địa.
Từ nay đến hết năm 2025, Cục tiếp tục thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác quản lý hoạt động giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cơ sở giết mổ động vật và kiểm soát giết mổ tại một số địa phương trên cả nước. Đồng thời, triển khai các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm quốc gia đối với các sản phẩm thịt, gia cầm, trứng.
18.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động ‘chui’
Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung, bao gồm 23 cơ sở giết mổ trâu, bò; 207 cơ sở giết mổ lợn; 70 cơ sở giết mổ gia cầm… Trong đó, có 8 cơ sở giết mổ để phục vụ xuất khẩu do Cục quản lý, còn lại là cơ sở giết mổ tiêu thụ nội địa do địa phương quản lý.
Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cả nước đang có gần 25.000 cơ sở, chủ yếu là giết mổ lợn với gần 18.000 cơ sở. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có hơn 6.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 4.300 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định. Số còn lại, hơn 18.000 cơ sở, không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.

Ảnh minh hoạ: Sở NN&MT Hà Nội
Nêu ra những tồn tại, hạn chế về công tác quản lý nhà nước trong kiểm soát giết mổ, Cục Chăn nuôi và Thú y thẳng thắn thừa nhận hiện nay năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ thú y còn hạn chế. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương đang thiếu nguồn lực nên nhiều khi một nhân viên thú y phải thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ trên nhiều dây chuyền giết mổ, dẫn đến nhiều lúc chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định.
“Vụ việc liên quan đến Công ty C.P, nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở chưa thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ, đã đóng dấu kiểm soát giết mổ không đúng quy định cho thân thịt động vật có biểu hiện bệnh và chưa tuân thủ quy định về xử lý vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ” – báo cáo nêu.
Một số bất cập khác cũng được Cục đưa ra. Đó là từ ngày 1-7 triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tuy nhiên nhiều địa phương phản ánh cơ quản quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y không có nhân lực để thực hiện kiểm soát giết mổ. Và theo quy định của Luật Thú y, không thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh là khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm khi vào cơ sở giết mổ.
“Từ ngày 1-7, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn là cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nên việc xử lý đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm càng không được thực hiện triệt để.
Số lượng cơ sở giết mổ nhiều, nhưng nhân lực làm công tác kiểm soát giết mổ thiếu, nên việc thực hiện kiểm soát giết mổ chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được cấp phép, nhất là tại một số tỉnh, thành phía Bắc” – Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết.