Giới chuyên gia nhận định Mỹ đã chuyển bom B61-12 đến căn cứ Lakenheath, đánh dấu lần đầu bố trí vũ khí hạt nhân tại Anh từ năm 2008.
Tờ Guardian hôm 22/7 dẫn lời Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân (CND) và một số chuyên gia nhận định nhiều khả năng Mỹ đã triển khai một số bom hạt nhân chiến thuật B61-12 đến căn cứ không quân Lakenheath tại hạt Suffolk, miền đông Anh, vào tuần trước.
William Alberque, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát Vũ khí, Giải trừ Quân bị và Không phổ biến Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của NATO, khẳng định “có bằng chứng rõ ràng” để kết luận điều này.
Dữ liệu theo dõi hàng không dân sự cho thấy một vận tải cơ C-17 cất cánh từ căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico của Mỹ hôm 16/7 và hạ cánh xuống Lakenheath vào hôm sau. Chuyến bay được thực hiện bởi Không đoàn Vận tải số 62, đơn vị duy nhất của không quân Mỹ được phép vận chuyển vũ khí hạt nhân.

Tiêm kích F-35 Mỹ thả bom B61-12 trong cuộc thử nghiệm năm 2021. Ảnh: JPO
Căn cứ Kirtland là trụ sở của Trung tâm Vũ khí Hạt nhân trực thuộc không quân Mỹ, đồng thời là kho lưu trữ vũ khí nguyên tử chủ chốt với khoảng 2.500 đầu đạn đang được cất giữ.
Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định động thái trên đồng nghĩa số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại châu Âu đã lần đầu tăng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, từ xấp xỉ 100 bom lên 125-130 quả. “Điều đó cũng cho thấy NATO đã thay đổi chính sách không sử dụng vũ khí nguyên tử để phản ứng lại các hành động của Nga”, ông nói.
Nga đã nhiều lần phát thông điệp hạt nhân để răn đe phương Tây kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát đầu năm 2022.
Khi được đề nghị bình luận, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh nhắc lại chính sách lâu nay của London và NATO là “không xác nhận, cũng không phủ nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại một địa điểm cụ thể”. Một quan chức Mỹ nói Washington không bình luận về “trạng thái hoặc vị trí đặt khí tài chiến lược”.
Nếu thông tin được xác thực, đây sẽ là lần đầu Mỹ triển khai vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ Anh sau 17 năm. Washington đã rút hết vũ khí hạt nhân khỏi đây từ năm 2008, trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với Moskva.
Thông tin xuất hiện gần một tháng sau khi giới chức Anh thông báo sẽ mua 12 tiêm kích tàng hình F-35A có khả năng mang bom hạt nhân chiến thuật B-61, trong khuôn khổ kế hoạch mở rộng năng lực răn đe hạt nhân “lớn nhất trong một thế hệ”.
Quyết định sẽ giúp không quân Anh lần đầu sở hữu năng lực sử dụng vũ khí nguyên tử sau hàng chục năm. Dù vậy, sẽ phải mất thêm nhiều năm trước khi thương vụ trên được hoàn thành.
Châu Âu đã đẩy mạnh nỗ lực tái vũ trang nhằm đối phó mối đe dọa an ninh sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước, các nước thành viên NATO cam kết tới năm 2035 sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm lên tương đương 5% GDP, trong đó 3,5% là dành cho nhu cầu phòng thủ cốt lõi.
Phạm Giang (Theo Guardian, Newsweek)