Mỹ ‘hoãn chuyển Patriot’ cho Thụy Sĩ để giúp các nước viện trợ Ukraine

Thụy Sĩ nói Mỹ quyết định hoãn bàn giao lá chắn Patriot cho nước này, nhằm ưu tiên bù đắp khí tài cho các quốc gia viện trợ Ukraine.

Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ hôm 17/7 cho biết đã nhận thông báo từ Washington, trong đó cho biết Mỹ sẽ “sắp xếp lại ưu tiên” trong hoạt động chuyển giao tổ hợp phòng không Patriot để hỗ trợ Ukraine. “Điều này cũng ảnh hưởng tới Thụy Sĩ và chúng tôi sẽ nhận lô vũ khí muộn hơn so với kế hoạch”, cơ quan này cho hay.

Giới chức Thụy Sĩ thêm rằng Mỹ muốn chuyển hàng trước cho các nước đang viện trợ Ukraine để giúp họ nhanh chóng bù đắp lượng khí tài hao hụt. “Đức đã quyết định chuyển giao thêm hai tổ hợp Patriot trong biên chế cho Ukraine”, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói.

Thụy Sĩ hồi năm 2022 đặt mua 5 hệ thống Patriot, quá trình bàn giao dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2026-2028.

“Chưa rõ bao nhiêu tổ hợp sẽ bị ảnh hưởng và hoạt động chuyển giao tên lửa có thay đổi theo hay không. Chúng tôi chưa thể đưa ra tuyên bố nào về thời điểm chính xác cũng như các tác động khác đối với Thụy Sĩ. Thông tin đang được làm rõ”, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cho hay.

Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.





Bệ phóng của tổ hợp tên lửa Patriot được Mỹ triển khai ở Ba Lan tháng 9/2024. Ảnh: US Army

Bệ phóng của tổ hợp tên lửa Patriot được Mỹ triển khai ở Ba Lan tháng 9/2024. Ảnh: US Army

Mỹ năm ngoái hoãn chuyển giao cho Thụy Sĩ lô tên lửa PAC-3 MSE, vũ khí hiện đại nhất của tổ hợp Patriot, cũng nhằm ưu tiên hỗ trợ cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 cho biết đã đạt thỏa thuận về chuyển vũ khí gián tiếp cho Ukraine, trong đó các thành viên châu Âu của NATO sẽ mua vũ khí từ Washington để viện trợ cho Kiev. Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, bày tỏ sẵn lòng mua vũ khí của Mỹ để chuyển giao cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuần trước cho biết nước này ban đầu có 12 tổ hợp Patriot, song hiện chỉ còn 6 hệ thống trong biên chế. 3 tổ hợp đã được viện trợ cho Ukraine, hai hệ thống cho Ba Lan thuê và một khẩu đội đang bảo dưỡng.

Patriot là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó tên lửa có chi phí 690 triệu USD và các thành phần khác tốn khoảng 400 triệu USD. Các hệ thống Patriot của Ukraine được trang bị tên lửa PAC-3 MSE hiện đại nhất do Mỹ sản xuất.

Truyền thông Mỹ hồi tháng 5 dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Ukraine sở hữu ít nhất 8 tổ hợp Patriot, trong đó 6 hệ thống có khả năng hoạt động và hai tổ hợp đang sửa chữa. Ukraine đã nhiều lần ca ngợi hiệu quả của hệ thống Patriot, nhấn mạnh đây là vũ khí duy nhất đối phó được tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga.

Tuy nhiên, tỷ lệ đánh chặn của Patriot ở Ukraine đang ngày càng suy giảm do tình trạng cạn kiệt tên lửa và bệ phóng, trong khi nhiều khẩu đội cũng bị Nga tập kích và phá hủy. Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, thừa nhận Nga liên tục nâng cấp tên lửa đạn đạo Iskander-M và khiến hệ thống Patriot “không đạt hiệu quả như mong muốn”.

Phạm Giang (Theo AFP)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *