Một con sếu đầu đỏ đưa từ Thái Lan về Tràm Chim đã chết

Đồng ThápMột trong sáu sếu đầu đỏ được chuyển giao từ Thái Lan hồi tháng 4 đã chết sau 12 ngày về Vườn quốc gia Tràm Chim, do không thích nghi với môi trường mới.

“Trong thời gian nuôi cách ly, con sếu này ít vận động, ăn uống kém hơn nhiều so với các con còn lại”, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, chiều 18/7.

Kết quả giải phẫu cho thấy sếu chết không bị chấn thương, viêm nhiễm, ký sinh trùng nội tạng hay dị vật đường tiêu hóa. Nguyên nhân được xác định là suy nhược cơ thể dẫn đến giảm sức đề kháng và khả năng thích nghi.

Sáu sếu đầu đỏ gồm ba con trống và ba con mái, đều 7 tháng tuổi, được đưa về trong khuôn khổ đề án bảo tồn sếu đầu đỏ do tỉnh Đồng Tháp triển khai từ năm 2022. Đề án kéo dài 10 năm, dự kiến tiếp nhận 60 con từ Thái Lan, tự nhân giống thêm 40 con. Trong số 100 con được thả về tự nhiên, tỉnh kỳ vọng ít nhất 50% sống sót và hình thành đàn.





6 sếu đầu đỏ khi cách ly ở Thảo Cầm Viên. Ảnh:Cổng thông tin Đồng Tháp

6 sếu đầu đỏ được đưa về từ Thái Lan khi cách ly ở Thảo Cầm Viên. Ảnh: Cổng thông tin Đồng Tháp

Tổng kinh phí thực hiện đề án là 185 tỷ, riêng việc chuyển giao, nuôi dưỡng, thả tự nhiên và nhân giống, ước tính khoảng 55 tỷ đồng.

Hiện năm cá thể còn lại vẫn khỏe mạnh và thích nghi tốt tại khu cách ly trong Vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo Tiến sĩ Trần Triết, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, thành viên Hội Sếu Quốc tế, đây là lần đầu tiên việc vận chuyển sếu trưởng thành giữa hai quốc gia được thực hiện nhằm mục tiêu bảo tồn.

“Trước đây, việc di chuyển sếu thường chỉ áp dụng với trứng hoặc quãng đường ngắn trong nội địa”, ông Triết nói và cho biết thêm, việc đưa sếu từ Thái Lan về Việt Nam kéo dài hơn 16 giờ, qua cả đường bộ và hàng không trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khiến sếu bị căng thẳng, không ăn uống trong suốt thời gian vận chuyển.

Bác sĩ Diana Boom, Trưởng bộ phận thú y của Hội Sếu Quốc tế, nhận định việc vận chuyển chim lớn như sếu luôn tiềm ẩn rủi ro cao. “Gãy chân, cánh hay chấn thương vùng cổ là những tai nạn dễ xảy ra, nên phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho các tình huống xấu”, bà nói.

Sếu đầu đỏ là loài chim có phần đầu và cổ trụi lông, màu đỏ đặc trưng, lông cánh và đuôi xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh rộng 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sau ba năm tuổi, sếu bắt cặp sinh sản và thường chỉ đẻ một lứa mỗi năm, do mất một năm nuôi con.

Theo Hội Sếu Quốc tế, hiện thế giới còn khoảng 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con sinh sống tại Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Tại Đông Dương, chúng chủ yếu sống ở Việt Nam và Campuchia, số lượng đã giảm mạnh từ khoảng 850 con năm 2014 xuống còn khoảng 160 con hiện nay.

Tại Thái Lan, sếu đầu đỏ từng tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2011, nước này khởi động chương trình nhân giống. Đến năm 2020, khoảng 100 cá thể đã có khả năng sinh sản trong môi trường tự nhiên.

Ngọc Tài





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *