(PLO)- Nhiều người dân bất ngờ khi phải đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất, tiền sử dụng đất thu bằng 50% khoản chênh lệch giữa tiền sử dụng đất theo giá đất ở và theo giá đất nông nghiệp.
Vào tháng 6-2025, người dân tại TP Vinh (Nghệ An) và Ba Vì (Hà Nội) phản ánh gặp khó khăn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở do mức thu tiền sử dụng đất quá cao, khiến nhiều người dân không đủ khả năng đóng tiền chuyển đổi đất.
Cụ thể, một người dân ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì (nay là xã Ba Vì, Hà Nội) đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi hơn 210m2 đất trồng cây lâu năm thành đất ở. Tuy nhiên, số tiền sử dụng đất quá cao, người dân không đủ khả năng đóng, buộc chính quyền phải thu hồi và hủy quyết định đã cho phép chuyển đổi.
Hay tại Nghệ An, một gia đình trú tại phường Hưng Lộc, TP Vinh, nay là phường Vinh Lộc (Nghệ An) đã vô cùng hoang mang khi chuyển đổi 300m2 đất vườn nằm cạnh khu nghĩa trang sang đất ở phải nộp tiền sử dụng đất gần 4,5 tỉ đồng. Gia đình không phản đối việc đóng thuế nhưng cho rằng, với số tiền đó “cả đời họ cũng không có”.

Thông tin lý giải cho người khi tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tăng quá cao, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo, đánh giá việc thu tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.
Theo bà Thoa, từ Luật Đất đai năm 2013 đến Luật Đất đai năm 2024 quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đều không có sự phân biệt.
Với đất cha ông để lại trước đây, nhà ở quê có giấy tờ hay không có giấy tờ, đất lấn chiếm, đất cấp trái thẩm quyền, Luật Đất đai 2024 đều quy định rõ trường hợp nào thì thu hồi, trường hợp nào cho nộp tiền sử dụng đất với diện tích ngoài định mức.
Tại Nghị định 103 của Chính phủ cũng có quy định về nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bà Thoa cho biết khi xây dựng Nghị định, Bộ đã thiết kế và Chính phủ đã thông qua việc giảm 50% tiền thuê đất so với mức quy định tại Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 sau đó đã bỏ khung giá đất, giao địa phương ban hành bảng giá đất để tiệm cận hơn với giá thị trường.
“Chúng tôi đã lường trước khả năng bảng giá đất sẽ tăng, trong khi đó, nghĩa vụ tài chính vẫn được tính theo giá trong bảng giá đất”, bà Thoa nói và cho biết sau khi tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ sẽ đánh giá toàn diện và phối hợp với Bộ NN&MT để rà soát, kiến nghị sửa đổi quy định trong luật.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý công sản, trước mắt, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó, Bộ đề xuất bổ sung khoản 6 vào Điều 52 nhằm xử lý các trường hợp chuyển tiếp.
Cụ thể, khoản bổ sung này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở (trước đây được xác định là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở) sang đất ở.
Bộ Tài chính đề xuất, tiền sử dụng đất nên được thu bằng 50% khoản chênh lệch giữa tiền sử dụng đất theo giá đất ở và theo giá đất nông nghiệp, tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
“Chúng tôi đang hoàn thiện dự thảo nghị định để xin ý kiến Bộ Tư pháp”, bà Thoa nói.
Theo Luật Đất đai 2024, với đất nông nghiệp, ruộng vườn trước đây dùng để trồng cây, nay theo quy hoạch khu vực có thể chuyển thành đất ở, các hộ có nhu cầu chuyển đổi mục đích, thì tại Điều 156 đã quy định người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất của 2 loại đất trước và sau khi chuyển đổi.
Còn tại Điều 159 của Luật Đất đai 2024 quy định mức thu sẽ tính theo bảng giá đất mới.