Hà NộiTuyên bố của Tổng thống Clinton về thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam công bố tại Nhà Trắng ngày 11/7/1995 lần đầu được giới thiệu tới công chúng.
Ngày 10/7, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III trưng bày tài liệu 30 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Hơn 100 ảnh tư liệu, thư ngoại giao, biên bản hội đàm được trưng bày, chia làm ba phần: Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao; Hợp tác phát triển và Vững bước vào kỷ nguyên mới.
Nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố như các văn bản liên quan tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước; Tuyên bố của Tổng thống Clinton về việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, công bố tại Nhà Trắng ngày 11/7/1995 lưu tại Lưu trữ quốc gia Mỹ; Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 12/7/1995 về quyết định bình thường hóa quan hệ của Tổng thống Bill Clinton bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Trong bản Tuyên bố đọc trên tivi lúc 8h ngày 12/7/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người góp phần mở đường cho bình thường hóa quan hệ hai nước, có đoạn: “Tuyên bố của Tổng thống Clinton công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ muốn khép lại quá khứ chiến tranh, xây dựng mối quan hệ bình thường, hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Quyết định này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan trưng bày tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, ngày 10/7. Ảnh: Phước An
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là lúc cùng nhìn lại quá khứ chung, chia vui về những thành quả hợp tác và sẵn sàng tâm thế cho tương lai. Hành trình ba thập kỷ khiến ông xúc động khi từ vết sẹo chiến tranh, đôi bên cùng nhau vượt qua quá khứ và xây dựng tương lai dựa trên niềm tin, tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.
Tư liệu trưng bày theo Đại sứ Mỹ không đơn thuần là hình ảnh, văn bản lịch sử mà còn chứa đựng câu chuyện sâu sắc về gắn kết, sẻ chia và hòa giải. Trong 30 năm, hai bên đã xây dựng quan hệ hợp tác trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến văn hóa, giáo dục; đặc biệt khắc phục hậu quả chiến tranh và đây vẫn là khía cạnh ưu tiên thời gian tới.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ- ông Phạm Quang Vinh điểm lại chặng đường 30 năm ghi dấu quan hệ hai nước từ hai phía cuộc chiến trở thành bạn bè, Đối tác, Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược toàn diện. Những thành tựu không phải ngẫu nhiên có được mà là nỗ lực lẫn quyết tâm cao của chính phủ lẫn nhân dân hai nước. Trước hết là nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường hiểu biết, hòa giải và xây dựng lòng tin, là những lần đối thoại để vượt qua sự khác biệt và khó khăn, nhân lên tương đồng và thúc đẩy hợp tác.
“Điều đó thể hiện đặc biệt trên phương diện khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm di vật kỷ vật chiến tranh cho thân nhân gia đình hai bên”, ông nói, tin rằng chặng đường tới Việt – Mỹ sẽ có nhiều dấu mốc đặc biệt hơn.

Bên trái là bản dịch Thư ngày 27/7/1987 của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan về giải quyết vấn đề nhân đạo liên quan tìm kiếm người Mỹ mất tích và ảnh phải Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai làm việc với trợ lý Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 3/1992. Ảnh: Hoàng Phương
Trong cuộc gặp sáng cùng ngày với Cục trưởng Văn thư Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Kelly McKeague cho hay 740 quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh đã xác định được danh tính, còn 1.157 người rất khó tìm kiếm do thiếu thông tin.
Về quy trình, trước khi các đội khai quật tới hiện trường thì đội điều tra thường đi trước để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Trung tâm lưu trữ quốc gia III cung cấp nhiều thông tin quan trọng, thậm chí then chốt để phía Mỹ xác định đúng vị trí trước khi quyết định có bắt tay vào đào bới hay không.
Phía Mỹ hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận thêm sự hỗ trợ từ phía Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chạy đua với thời gian khi chiến tranh đã qua 50 năm, cựu chiến binh cả hai bên đã già, qua đời nên việc bàn giao tư liệu, thông tin phải đẩy nhanh hơn.

Đại diện các gia đình liệt sĩ nhận hồ sơ về người thân hy sinh trong chiến tranh do phía Mỹ cung cấp. Ảnh: Phước An
Ngoài trưng bày, hai bên đã bàn giao 22 bộ hồ sơ, chứng tích chiến tranh cho gia đình liệt sĩ tại Việt Nam. Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) đang lưu trữ một kho microfilm gần 3 triệu trang chụp chữ viết, hình ảnh di vật, kỷ vật của bộ đội Việt Nam trước 1975. Các cơ quan của hai nước nỗ lực tra cứu hồ sơ tài liệu lưu trữ để tìm kiếm thông tin, kỷ vật, chứng tích chiến tranh bàn giao cho gia đình.
Ngày 12/7/1995, chính phủ Việt Nam và Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Hai bên trải qua nhiều cột mốc, từ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2000, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 9/2023.
Hoàng Phương