Ngày 23-7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động sáu tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những tháng cuối năm 2025.
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2025, kinh tế TP.HCM tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt mức tăng xấp xỉ 7,4% so với cùng kỳ.
Sự phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp lớn cho tăng trưởng và giải quyết việc làm của thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM đã triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp với nhiều bước tiến rõ rệt, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM đang đặc biệt quan tâm đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Điều này đặt ra bài toán cho doanh nghiệp phải cân nhắc tái cấu trúc thị trường, vừa tìm kiếm thị trường mới, vừa tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Một vấn đề khác phát sinh từ việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp là sự thay đổi tên các đơn vị hành chính, trong khi tên cũ đã được in trên bao bì hàng hóa.
Do đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và tránh lãng phí, HUBA kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng xem xét, ban hành chủ trương cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thông tin địa chỉ cũ trong các hoạt động xuất nhập khẩu, khai báo thuế, hồ sơ giao dịch… đến hết năm 2025.

Kiến nghị minh bạch hóa “hàng thuần Việt”
Theo ông Hòa, trong sáu tháng cuối năm, HUBA sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với những diễn biến mới, đặc biệt là khi có thông tin chính thức về chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
“Trong chính sách thuế này, chúng tôi nhận thấy vấn đề nổi cộm là ‘hàng trung chuyển’. Do đó, HUBA kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng có giải pháp tách luồng và xác định rõ những mặt hàng nào là “hàng thuần Việt”. Nếu chúng ta không chủ động minh bạch nguồn gốc, hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh”- ông Hòa nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng các sản phẩm “hàng thuần Việt” rõ ràng như nông sản (tiêu, cà phê…), vốn là những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới, thì không thể bị xem là hàng trung chuyển. Tương tự, các sản phẩm trái cây hay thủy hải sản cần được đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
Ngay cả với các ngành hàng phải nhập khẩu nguyên liệu như ngành gỗ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ và các nước khác, sau đó chế biến và xuất khẩu ngược lại sang Mỹ thì sản phẩm đó không nên bị coi là hàng trung chuyển vì đã có quá trình tạo ra giá trị gia tăng.
Vì vậy, HUBA sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để có biện pháp hữu hiệu trong quá trình phân loại nhằm minh bạch hóa “hàng thuần Việt”. Qua đó, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội về thuế, đồng thời khai phá các thị trường mới, thị trường ngách, tránh “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Mặt khác, hiệp hội nhận thấy một cơ hội mới nếu doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tốt chuỗi cung ứng cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, da giày… thì sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn.

Ngoài ra, hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai đến doanh nghiệp việc tận dụng các chính sách từ “bộ tứ Nghị quyết” (57-NQ/TW, 59-NQ/TW, 66-NQ/TW, 68-NQ/TW), đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP.HCM và Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố về hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư ưu tiên.
Do đó, HUBA kiến nghị thành phố mở rộng chính sách này cho cả doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ) và Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ), đồng thời bổ sung các lĩnh vực mới chưa được đề cập trong Nghị quyết 09 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực đầu tư.
“Chẳng hạn, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, cần có sự đầu tư vào hệ thống trạm sạc. Muốn vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. HUBA sẽ kiến nghị đưa hạng mục này vào chương trình ưu đãi lãi suất”- ông Hòa nêu ví dụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Văn Út, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM ghi nhận những đóng góp tích cực của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM trong thời gian qua, khẳng định vai trò là tổ chức đại diện uy tín cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Thành phố kỳ vọng trong thời gian tới, HUBA sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, sớm ổn định và hoạt động hiệu quả. Đồng thời tiếp tục góp ý, hiến kế giúp chính quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng, quy hoạch, đất đai và môi trường.
Thành lập 5 Hội Doanh nghiệp khu vực
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HUBA, cho biết sau khi các đơn vị hành chính cấp quận, huyện được sắp xếp lại, các Hội doanh nghiệp cấp quận, huyện tương ứng cũng chấm dứt tư cách pháp nhân và hoạt động độc lập kể từ ngày 30-6.
Đến nay, hiệp hội đã ban hành quyết định thành lập 5 Hội Doanh nghiệp Khu vực gồm: Tây Sài Gòn, Đông Sài Gòn, Trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn, và Tây Bắc Sài Gòn, trên cơ sở hợp nhất các Hội Doanh nghiệp quận, huyện cũ.
Thời gian tới, HUBA sẽ tiếp nhận và hợp nhất hai tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương (cũ) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ) theo chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trên cơ sở đó, hiệp hội sẽ kiện toàn nhân sự và bộ máy tổ chức để phù hợp với mô hình mới.