Khát vọng Tây Hồ – Khát vọng Thăng Long


(PLVN) – Hồ Tây – Tây Hồ là một mảnh hồn của Hà Nội, nơi ấy là biểu tượng, là ký ức làng lúa, làng hoa, bầy sâm cầm nhỏ, mặt gương Tây Hồ, quán cóc liêu xiêu một câu thơ… là khoảng trời mộng mơ, là thanh xuân của bao người đã đến, đã đi và ở lại với Thủ đô hơn ngàn năm tuổi.

Cuốn sách “Khát vọng Tây Hồ – Khát vọng Thăng Long” là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Vượt qua điều mong chờ của một ấn phẩm kỷ niệm thông thường, cuốn sách 300 trang đã phản ánh toàn diện đúng như tên gọi Khát vọng Tây Hồ! Khát vọng ấy bắt nguồn bởi tình yêu không chỉ của mỗi “người trong cuộc” là cư dân, là chính quyền bên hồ Dâm Đàm mà còn của mỗi cây bút của các nhà báo Hà Nội và Trung ương viết về mảnh đất trầm tích văn hóa đang bứt phá mỗi ngày ấy!

Với những bài viết tiêu biểu được tuyển chọn từ cuộc thi “Khát vọng Tây Hồ – Khát vọng Thăng Long”, bạn đọc sẽ cảm nhận và có thêm nhiều kiến thức sâu sắc, có giá trị cao về lịch sử văn hóa của vùng đất và con người Tây Hồ. Các bài viết được tuyển chọn đã tái hiện các địa danh lâu đời của vùng đất Tây Hồ, như: Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Thụy Khuê, Xuân La, Phú Thượng, Bưởi, Nhật Tân; gắn với tên tuổi của các danh nhân văn hóa như Bà Huyện Thanh Quan, thi sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà báo, nhà văn Phan Kế Bính…

Những trang viết lắng đọng cũng sẽ đưa độc giả đến với những di tích cổ xưa của Tây Hồ như: chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ, đền Voi Phục và hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm nay trong những ngôi làng trong phố.

Từ những trang viết giàu cảm xúc, độc giả cũng sẽ được ghé thăm di tích cách mạng kháng chiến Nhà bà Hai Vẽ, di tích Nhà cụ Nguyễn Thị An ở phường Phú Thượng hay tìm hiểu được những vẻ đẹp mới lạ, độc đáo của những làng nghề nổi tiếng của Tây Hồ như: làng đào Nhật Tân, quất cảnh Tây Hồ, làng nghề xôi Phú Thượng, nghề ướp trà sen Quảng An, làng giấy dó Yên Thái.

Cùng với những cổ xưa còn đó, các bài viết được tuyển chọn cũng đã khái quát một hình ảnh mới mẻ, hiện đại của Tây Hồ hôm nay với các khu đô thị mới khang trang; nhiều tuyến đường chính được mở rộng thênh thang, hiện đại; hạ tầng kinh tế, xã hội thay đổi rõ nét theo hướng hiện đại và đồng bộ. Các bài viết cũng đã đưa ra những kiến giải sâu sắc về việc kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa, du lịch và dịch vụ với việc phát huy, khai thác, bảo vệ mặt nước Hồ Tây nhằm từng bước đem lại hiệu quả cao và diện mạo mới cho vùng đất Tây Hồ.

Từ những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống, các tác giả bằng trí tuệ, tâm huyết và tình yêu với mảnh đất Tây Hồ cũng đã phản ánh kịp thời những đổi thay của Tây Hồ trong việc kịp thời nắm bắt, phát huy những lợi thế về tự nhiên và xã hội; chủ động phát triển công nghiệp văn hóa, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội… Từ đó, từng bước xây dựng quận Tây Hồ trở thành “vùng đất đáng sống”; là niềm mơ ước định cư của rất nhiều người trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cuộc thi có sự tham gia của các bạn học sinh nhỏ tuổi tới các trí thức GS. Thật xúc động, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, 94 tuổi, người cao tuổi nhất cuộc thi là vị tướng đi qua ba cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới vẫn đau đáu với sự phát triển công nghiệp văn hóa của mảnh đất Rồng bay…

Và cũng thật bất ngờ với tác phẩm đầy cảm xúc, một tản văn đẹp của bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ với tất cả tình yêu, sự đắm say: “Từ rất lâu rồi, khi nghĩ về Hà Nội, mặc định trong tôi cái tên Hồ Tây đã là “nhà”, như thế cái chạm tay của tôi với Hà Nội mới thật sự trọn vẹn… Khát khao trong tôi trỗi dậy, ước vọng trong tôi bừng cháy, niềm tin trong tôi được thắp sáng về một Tây Hồ sẽ còn bước những bước tiến vượt bậc, sẽ được tô thắm hơn bởi vẻ đẹp hội tụ linh khí của Thủ đô, kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi.

Với vị thế mới, tầm vóc mới, Hồ Tây đã và đang là điểm nhấn du lịch Thủ đô bên cạnh du lịch phố cổ và du lịch sông Hồng. Với không gian lịch sử, văn hóa Hồ Tây chứa đựng bề dày di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như một pho sử sống minh chứng cho một thời kì dựng nước và giữ nước trên vùng đất Thăng Long từ thời tiền sử đến sau này thì trong tương lai không xa, Hồ Tây sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách không chỉ trong và ngoài nước. Và với những người trẻ hay tâm hồn vẫn còn đang “trẻ” như tôi thì Hồ Tây càng ngày càng gần gũi và thân thương, là liều thuốc tâm hồn và cũng là nơi niềm vui không bao giờ kết thúc”…

Bà Trần Thị Thu Hường – UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ chia sẻ trong bài viết khép lại cuốn sách: “Cuộc thi viết “Khát vọng Tây Hồ – Khát vọng Thăng Long 2024” đã tạo ra một diễn đàn có ý nghĩa để những người yêu mến con người và mảnh đất Tây Hồ có cơ hội đồng hành, hiến kế, chia sẻ để Tây Hồ sớm khắc phục khó khăn, mạnh mẽ vươn mình. Cuộc thi cũng đã đánh dấu việc lần đầu tiên có một giải báo chí cấp quận của Hà Nội chỉ trong 11 tháng phát động đã tiếp nhận hàng ngàn bài dự thi ở các thể loại, với nhiều bài viết công phu, thu được nhiều ý tưởng hiến kế tuyệt vời để Tây Hồ vươn mình khởi sắc trong tương lai”…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *