Hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu: Sẵn sàng phục vụ mô hình chính quyền 2 cấp thông suốt, hiệu quả


Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP)

(PLVN) – Chiều 30/6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi họp trực tuyến rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số liên thông, đồng bộ để chuẩn bị cho việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn từ ngày 1/7.

Theo báo cáo của Bộ Công an, để chuẩn bị các điều kiện cho triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7/2025 ổn định, xuyên suốt, Bộ Công an đã xây dựng phương án kỹ thuật để điều chỉnh thông tin công dân, cấu trúc hệ thống, phần mềm của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước và hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Theo đó, Bộ Công an điều chỉnh bảng mã, tên gọi mới của các đơn vị để triển khai theo mô hình mới từ ngày 1/7/2025 không ảnh hưởng đến việc các Bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư phục vụ khai thác, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, công dân không phải kê khai thông tin thay đổi đơn vị hành chính mới về nơi cư trú mà lực lượng Công an cấp xã sau sáp nhập sẽ điều chỉnh thông tin cho người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với việc ngắt kết nối Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh và đồng bộ hồ sơ về Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến ngày 29/6/2025, tất cả 34/34 địa phương đã thực hiện việc đóng Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, thực hiện thêm chức năng thông báo trên màn hình điều hướng về Cổng Dịch vụ công quốc gia. 34 tỉnh, TP đều đã thực hiện kiểm thử đồng bộ thông tin hồ sơ từ Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh về Cổng Dịch vụ công quốc gia và được lưu trong cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, toàn bộ các tỉnh, TP đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong đó bao gồm: Công bố, công khai các TTHC; cấu hình các TTHC; kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin Bộ, ngành, hệ thống EMC; cấp tài khoản cho cán bộ, công chức; chữ ký số của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức; kết nối, đồng bộ, khai thác các kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trước đây; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng; công bố danh mục mã định danh cơ quan…

Tại buổi làm việc, nhiều địa phương khẳng định đã sẵn sàng hệ thống/nền tảng công nghệ thông tin, TTHC… phục vụ mô hình chính quyền 2 cấp vận hành chính thức từ ngày 1/7, bảo đảm không để ảnh hưởng đến hoạt động chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh, đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên…) đã khẩn trương, trách nhiệm chuẩn bị cho mốc thời điểm 1/7. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý có nhiều vấn đề mới, phát sinh khó lường nên không được chủ quan, lơ là.

Theo đó, người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và các lãnh đạo được giao phụ trách chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên tục, ổn định, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, an ninh mạng của các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, vận hành thông suốt, hiệu quả của chính quyền địa phương 2 cấp sau ngày 1/7, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục ngay các sự cố nếu có.

Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương rà soát, kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các quy chế, quy định; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ bố trí đủ hạ tầng và các trang thiết bị công nghệ để khai thác, sử dụng, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ổn định, thông suốt, an toàn; thành lập các tổ thường trực giám sát, ứng cứu và khắc phục các sự cố; có phương án sao lưu, dự phòng các dữ liệu lịch sử của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo đảm sẵn sàng khôi phục khi cần thiết…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *