Giáo hoàng mới được bầu thế nào

Vatican sẽ tổ chức Mật nghị Hồng y, quy trình có thể kéo dài nhiều ngày, để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis trong tuần này.

Tòa thánh Vatican thông báo sẽ tổ chức Mật nghị Hồng y vào ngày 7/5 để chọn ra người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, sau khi ông qua đời hôm 21/4. Hồng y đoàn sẽ triệu tập tất cả Hồng y đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu, với các điều kiện là nam, dưới 80 tuổi, là Hồng y vào thời điểm Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức.

Chỉ một số Hồng y làm việc tại Vatican, hầu hết những người khác làm việc tại các giáo phận hoặc tổng giáo phận trên khắp thế giới. Họ phải đến Rome để tham dự cuộc bầu chọn, ngoại trừ trường hợp sức khỏe không cho phép.

Mật nghị Hồng y thường bắt đầu 15-20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức. Khoảng thời gian này được quy định từ năm 1922 nhằm bảo đảm Hồng y trên khắp thế giới có đủ thời gian di chuyển đến Vatican.





Giáo hoàng Francis vẫy tay với các tín đồ từ ban công Bệnh viện Đa khoa Gemelli, Rome, Italy ngày 23/3. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis vẫy tay với các tín đồ từ ban công Bệnh viện Đa khoa Gemelli, Rome, Italy ngày 23/3. Ảnh: AFP

Mật nghị Hồng y về lý thuyết giới hạn 120 người tham gia, nhưng mức trần này thường được bỏ qua. Thế giới hiện có 252 Hồng y, trong đó 135 người thỏa mãn điều kiện bỏ phiếu. Vatican ngày 29/4 thông báo hai Hồng y xin vắng mặt vì lý do sức khỏe, đồng nghĩa sẽ có 133 người tham gia mật nghị.

Những người trên 80 tuổi không thể bỏ phiếu nhưng được phép tham gia các cuộc họp sơ bộ trước mật nghị để thảo luận về những vấn đề của giáo hội.

Tại cuộc họp chuẩn bị cho quá trình tìm người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI năm 2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio nhấn mạnh giáo hội phải đến với “những vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà còn theo nghĩa hiện sinh”, tìm đến những người đau khổ. Phát biểu này phần nào giúp ông được chọn và trở thành Giáo hoàng Francis.

Ngày tổ chức Mật nghị Hồng y 7/5 bắt đầu bằng thánh lễ đặc biệt ở Vương cung Thánh đường Thánh Peter lúc 10h. Vào 16h30, các Hồng y tập trung tại Nhà nguyện Pauline để cầu nguyện, sau đó họ đi bộ sang Nhà nguyện Sistine gần đó để tuyên thệ giữ bí mật. Họ mặc trang phục khác nhau, tùy theo việc đến từ nhà thờ Latin hay phương Đông, đeo thẻ cử tri ở cổ. Quá trình bỏ phiếu bắt đầu sau cánh cửa khép kín tại Nhà nguyện Sistine vào buổi tối.





Nhân viên cứu hỏa lắp ống khói trên Nhà nguyện Sistine ở Vatican ngày 2/5. Ảnh: Reuters

Nhân viên cứu hỏa lắp ống khói trên Nhà nguyện Sistine ở Vatican ngày 2/5. Ảnh: Reuters

Khi các lá phiếu được phát ra, các Hồng y sẽ viết tên người họ lựa chọn vào đó và gấp nó lại hai lần. Sau đó, từng người một, theo thứ tự thâm niên, bước đến một ban thờ và trang trọng đặt lá phiếu vào một chiếc bình.

Theo truyền thông, Hồng y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Vatican, nằm trong số các Hồng y có khả năng cao kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

Các Hồng y sẽ nghỉ lại Nhà thánh Marta, nhà khách chính thức của Vatican, cho đến khi mật nghị kết thúc. Họ không được đọc báo, nghe đài hay xem tivi, không sử dụng điện thoại thông minh hay truy cập Internet. Người vi phạm sẽ bị khai trừ ngay lập tức.

Mọi liên hệ với bên ngoài chỉ được phép thực hiện “trong trường hợp nghiêm trọng và khẩn cấp”, cần được một hội đồng gồm 4 thành viên chấp thuận. Hồng y bị ốm được phép bỏ phiếu từ giường bệnh trong Vatican. Các bác sĩ, trợ lý và nhân viên tạp vụ được phép vào mật nghị tùy thời điểm.

Việc bỏ phiếu diễn ra bí mật nhưng việc kiểm phiếu diễn ra công khai. Ba Hồng y phụ trách kiểm phiếu sẽ đọc lớn các lá phiếu và ghi chép lại. Một Hồng y cần đạt được hai phần ba số phiếu để trở thành tân Giáo hoàng.





Khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine, báo hiệu các Hồng y đã chọn được Giáo hoàng mới tại mật nghị tại Vatican ngày 13/3/2013. Ảnh: AFP

Khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine, báo hiệu các Hồng y đã chọn được Giáo hoàng mới tại mật nghị ở Vatican ngày 13/3/2013. Ảnh: AFP

Các lá phiếu sau khi được kiểm đều sẽ được đưa vào lò đốt. Nếu không có ai chiến thắng, các hóa chất gồm kali perchlorat, anthracene (thành phần của hắc ín than đá) và lưu huỳnh được đưa vào lò để tạo ra khói đen. Dựa vào đó, những người đang chờ đợi ở Quảng trường Thánh Peter biết rằng mật nghị chưa tìm được Giáo hoàng mới.

Nếu một Giáo hoàng được bầu ra, các lá phiếu sẽ được trộn với kali clorat, lactose và nhựa chloroform nhằm tạo ra khói trắng, ra hiệu cho thế giới bên ngoài biết rằng mật nghị đã nhất trí bầu ra Giáo hoàng mới.

Chỉ có một vòng bỏ phiếu được tổ chức trong ngày đầu tiên. Nếu không có người chiến thắng, quá trình bỏ phiếu sẽ được lặp lại trong ngày thứ hai và thứ ba, tối đa 4 lần trong một ngày. Sau mỗi lần bỏ phiếu bất thành, các lá phiếu đều được gom đốt.

Đến cuối ngày thứ ba, nếu vẫn không tìm ra được Giáo hoàng mới, Hồng y đoàn sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện, thảo luận và lắng nghe những lời nhắc nhở từ một Hồng y cấp cao.

Cuộc bỏ phiếu tiếp diễn và nếu không bầu được tân Giáo hoàng trong 7 vòng, mật nghị lại tạm nghỉ. Quy trình này lặp lại. Sau 33 vòng, nếu không ai hội đủ số phiếu, Hồng y đoàn sẽ tổ chức bỏ phiếu với hai ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất, theo quy định do Giáo hoàng Benedict XVI đưa ra. Hai ứng viên hàng đầu không tham gia bỏ phiếu.

Thời gian trung bình của 10 mật nghị gần nhất là ba ngày. Năm 2013, Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng tại ngày thứ hai, sau 5 vòng bỏ phiếu.





Trưởng Hồng y đoàn Jean-Louis Tauran (giữa) thông báo mật nghị đã bầu được tân Giáo hoàng từ ban công Vương cung Thánh đường St. Peter, Vatican ngày 13/3/2013. Ảnh: AFP

Hồng y Trưởng đẳng Phó tế Jean-Louis Tauran (giữa) thông báo mật nghị đã bầu được tân Giáo hoàng từ ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter, Vatican ngày 13/3/2013. Ảnh: AFP

Khi một Hồng y được chọn, ông sẽ được Hồng y Trưởng đẳng Phó tế hỏi xem có đồng ý trở thành Giáo hoàng hay không, nếu có, ông muốn được gọi tên là gì. Tên Giáo hoàng thường được chọn để thể hiện sự tôn kính đối với người tiền nhiệm, đồng thời cho thấy định hướng và cách tiếp cận nhiệm vụ của Giáo hoàng mới. Các lựa chọn thường thấy là John, Gregory, Benedict, Clement, Innocent, Leo và Pius. Giáo hoàng Francis là người đầu tiên chọn cái tên này để vinh danh Thánh Francis thành Assisi.

Người được chọn sẽ về Phòng Nước mắt để mặc Phẩm phục Giáo hoàng, với ba kích cỡ được chuẩn bị sẵn. Tên gọi “Phòng Nước mắt” xuất phát từ ý nghĩa biểu tượng: nhiều tân Giáo hoàng đã xúc động rơi nước mắt tại đây, do trách nhiệm to lớn mà họ sắp đảm nhận.

Hồng y Trưởng đẳng Phó tế tiếp đó bước ra ban công chính của Tòa thánh Vatican và tuyên bố với thế giới Habemus Papam! – “Chúng ta có Giáo hoàng mới”.

Tân Giáo hoàng sau đó xuất hiện trên ban công, gửi lời chào và cầu nguyện đến các con chiên. Ông sẽ chủ trì một thánh lễ tập thể vài ngày sau đó để đánh dấu bắt đầu triều đại của mình.

Như Tâm (Theo AP, AFP, Reuters)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *