Tại nghị quyết số 191 ban hành mới đây, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa trên việc đánh giá các tiêu chí và yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cố định như hiện nay bị xem là lạc hậu, đang “bóp nghẹt” đời sống người lao động tại các đô thị. Vì vậy, tính giảm trừ theo đặc thù vùng, miền hoặc chi phí thực tế có hóa đơn được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt này, đảm bảo công bằng và nuôi dưỡng nguồn thu.
Chi phí thực tế ‘vượt rào’ mức giảm trừ gia cảnh
“Tổng thu nhập mỗi tháng của tôi là 38 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc, tôi được giảm trừ cho bản thân 11 triệu và cho một con nhỏ 4,4 triệu. Tính ra, mỗi tháng tôi vẫn phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân. Thoạt nghe thì hợp lý, nhưng số tiền đó với gia đình tôi ở TP.HCM là cả một vấn đề” – anh Hoàng Minh, một kỹ sư phần mềm tại TP.HCM, chia sẻ.
Anh Minh nhẩm tính, riêng tiền thuê một căn hộ chung cư nhỏ đã ngốn 10 triệu đồng/tháng. Chi phí gửi con ở trường tư gần nhà thêm 7 triệu đồng. Tiền ăn uống, điện nước, xăng xe, hiếu hỉ… tiết kiệm lắm cũng hơn 15 triệu đồng. Tổng chi phí cứng đã vượt 32 triệu đồng, chưa kể các khoản phát sinh.

“Mức giảm trừ 15,4 triệu đồng cho cả hai cha con không phản ánh đúng một phần ba chi phí thực tế mà gia đình tôi phải gánh. Nếu được nâng mức giảm trừ lên khoảng 25 triệu đồng/tháng thôi, tôi sẽ tiết kiệm được hơn 1,4 triệu đồng tiền thuế. Số tiền đó đủ để đóng tiền điện nước, hoặc mua thêm các đồ dùng cho con” – anh Minh nói.
Câu chuyện của anh Minh không phải là cá biệt. Nỗi bức xúc còn lớn hơn với những gia đình có con đang tuổi ăn học. Chị Thu Lan (TP.HCM) có hai con học cấp 1 và cấp 2 tại trường công theo hệ tích hợp.
“Chỉ riêng tiền học phí, bán trú và chương trình tích hợp của hai cháu đã gần 10 triệu đồng/tháng. Thêm tiền học thêm tiếng Anh ở trung tâm cũng mất 5 triệu đồng. Tổng cộng 15 triệu đồng tiền học, tôi có đủ hóa đơn, chứng từ của nhà trường, trung tâm. Thế nhưng khi tính thuế, tôi chỉ được trừ 8,8 triệu đồng cho hai con. Bất hợp lý nằm ở chỗ đó” – chị Lan trăn trở.
Chị Lan cho rằng, chi phí ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đắt đỏ hơn nhiều so với các tỉnh thành khác. Một tô phở, một ly cà phê ở trung tâm thành phố có giá gần gấp đôi ở ngoại thành hay các tỉnh lân cận. Giá nhà đất thì chênh lệch hàng chục lần. Việc áp một mức trừ cào bằng trên cả nước đã tạo ra sự bất công lớn cho người lao động đô thị.

Trong bối cảnh mới, khi ngành thuế đang quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho từng hộ kinh doanh và tiến tới xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026, cơ sở hạ tầng để minh bạch hóa chi tiêu đã sẵn sàng. Đây là thời điểm chín muồi để thay đổi tư duy quản lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cơ quan thuế cần mạnh dạn chấp nhận cho người làm công ăn lương được khấu trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ phục vụ trực tiếp cho đời sống khi có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Các khoản chi thiết yếu như học phí cho con, viện phí, tiền lãi vay mua căn nhà đầu tiên… cần được xem xét đưa vào danh mục giảm trừ để chính sách thuế thực sự đi vào cuộc sống.
‘Neo’ giảm trừ vào lương tối thiểu vùng để tự động cập nhật
Trước những bất cập kéo dài, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 191/2025 liên quan đến việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền được xem là một định hướng đột phá. Các chuyên gia cho rằng đây là chìa khóa để tạo ra một chính sách thuế công bằng và bền vững.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo vùng, miền là một định hướng rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam, nơi đã có sự phân hóa lớn về thu nhập và chi phí sống. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải xác định được cơ sở tính toán khoa học. Việc chỉ dựa vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như luật hiện hành là không còn chính xác, vì rổ hàng hóa CPI quá rộng và không phản ánh đúng giỏ chi tiêu của người lao động”.
Theo TS Nghĩa, thay vì dùng một chỉ số vĩ mô thiếu tính đại diện, chúng ta nên “neo” mức giảm trừ vào các chỉ số đã có sẵn sự phân biệt vùng miền và được cập nhật thường xuyên, chẳng hạn như lương tối thiểu vùng.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), đưa ra một đề xuất cụ thể: Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế nên được tính bằng 4 lần mức lương tối thiểu vùng, và người phụ thuộc bằng 2 lần.
“Nếu áp dụng công thức này, người lao động tại TP.HCM và Hà Nội (vùng I, lương tối thiểu 4,96 triệu đồng/tháng) sẽ được giảm trừ cho bản thân gần 20 triệu đồng/tháng. Mức này hợp lý và sát với mức sống thực tế hơn nhiều. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng hằng năm, mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ tự động tăng theo, không còn độ trễ chính sách hay phải chờ đợi mòn mỏi như hiện nay” – Luật sư Nghĩa lập luận.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách hợp lý không chỉ mang ý nghĩa an sinh, giảm gánh nặng cho người dân, mà còn là một “cú hích” cho cả nền kinh tế. Khi người lao động có thêm thu nhập khả dụng, họ sẽ tăng chi tiêu, mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Điều này giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, Nhà nước sẽ thu lại được nguồn thu thông qua thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đây là một vòng tuần hoàn tích cực, giúp nuôi dưỡng nguồn thu một cách bền vững thay vì tận thu từ những người làm công ăn lương.

Hàng triệu người lao động đang chờ đợi một sự thay đổi thực chất trong kỳ sửa đổi Luật Thuế TNCN sắp tới, một chính sách không chỉ để thu ngân sách, mà còn để kiến tạo sự công bằng và thúc đẩy xã hội phát triển.
Sửa Luật Thuế TNCN: Hướng tới giảm trừ gia cảnh công bằng, linh hoạt
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 191/2025, dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện để trình trong tháng 7-2025. Điểm đột phá lớn nhất của dự thảo lần này là đề xuất xóa bỏ mức giảm trừ gia cảnh cố định trên toàn quốc để thay bằng một chính sách linh hoạt, công bằng hơn.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh có thể được áp dụng khác nhau theo từng vùng, miền để phản ánh đúng chênh lệch chi phí sinh hoạt. Một phương án khả thi được nhiều chuyên gia ủng hộ là “neo” mức giảm trừ vào lương tối thiểu vùng theo một hệ số nhân cố định, giúp chính sách tự động cập nhật khi lương thay đổi. Bên cạnh đó, dự luật cũng mở ra hướng cho phép người nộp thuế được khấu trừ các chi phí thực tế có hóa đơn hợp lệ như học phí, viện phí hay lãi vay mua nhà ở đầu tiên.
Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua một nghị quyết riêng về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong kỳ họp tháng 10 tới, mang lại tin vui sớm cho hàng triệu người lao động.