Ngoài duy trì dòng chảy và xử lý nước thải, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã và tăng cường hệ thống quan trắc chất lượng nước.
Tại hội thảo Hồi sinh những dòng sông chết do Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Báo Tiền Phong tổ chức ngày 10/7, nhiều ý kiến chỉ ra rằng trong số 3.450 con sông trên cả nước, nhiều sông đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, đặc biệt tại vùng trung và hạ du – nơi tập trung đông dân cư và các khu đô thị.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, cho biết sau sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp, thành phố đang rà soát và tham mưu UBND TP nâng cao trách nhiệm, ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã trong công tác bảo vệ môi trường.
Hà Nội hiện tập trung cải tạo các dòng sông nội đô. Trong hai tháng tới, thành phố sẽ khởi công trạm bơm tại cụm đầu mối Liên Mạc để trực tiếp bơm nước vào sông Nhuệ với tổng kinh phí giai đoạn một là 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai sẽ tiến hành kè sông Nhuệ từ Liên Mạc đến cầu Trắng (quận Hà Đông).
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nghiên cứu đầu tư trạm bơm tại cống Ba Xuân (Phúc Thọ) để đưa nước sông Hồng vào sông Đáy. Thành phố đã vận hành hai hệ thống xử lý nước thải lớn là Yên Sở và Yên Xá.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa
Đồng tình với các giải pháp của Hà Nội, ông Hoàng Dương Tùng – đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – cho rằng cần kết hợp giải pháp tập trung và phân tán, như lắp thêm các trạm bơm nhỏ dọc theo các con sông để bổ cập nước tại chỗ. “Giải pháp này nhanh, chi phí thấp, không cần đợi nước từ cuối nguồn bơm ngược”, ông Tùng nói.
Ông cũng đề xuất sử dụng công nghệ cảm biến giá rẻ để quan trắc chất lượng nước, dữ liệu phải được công khai trên mạng để người dân và cơ quan quản lý cùng giám sát. “Trách nhiệm bảo vệ sông không chỉ thuộc cơ quan nhà nước hay một bộ ngành nào, mà phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông nhấn mạnh.
Với mô hình chính quyền hai cấp, ông Tùng kiến nghị cần giao rõ trách nhiệm cho cấp xã. “Ở nhiều nước, họ có KPI, áp dụng hệ thống GIS để theo dõi chi tiết từng xã, phường đang phát thải gì. Các cơ sở sản xuất xả thải trên 10 m3/ngày đều phải lắp thiết bị quan trắc thông minh”, ông nói.

Nước thải ô nhiễm hòa vào dòng thủy lợi Bắc Hưng Hải, tháng 5/2024. Ảnh: Gia Chính
Chuyên gia Nguyễn Trường Duy, thuộc Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng để các dòng sông “hồi sinh”, cần triển khai đồng bộ cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, các trạm bơm điện đem lại hiệu quả tức thì nhưng không bền vững về lâu dài.
“Giải pháp căn cơ là tạo dòng chảy ổn định. Trong điều kiện hiện nay, mực nước sông hạ thấp – có nơi thấp hơn trước đây đến 10 mét – thì cần tôn đáy sông, xây đập dâng để giữ mực nước ổn định, từ đó khai thác hiệu quả các dòng sông theo hướng đa mục tiêu, ít tác động đến môi trường”, ông Duy phân tích.
Về giải pháp phi công trình, ông đề nghị xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường, đặc biệt tại các làng nghề và khu công nghiệp, đồng thời huy động thêm nguồn lực địa phương để thực hiện nhiệm vụ này.
Từ góc độ địa phương hạ nguồn, ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, cho rằng cần tái lập các cơ chế liên kết vùng. “Trước đây từng có Ủy ban sông Nhuệ – Đáy để phối hợp xử lý vấn đề chung, nhưng đến nay vẫn chưa được tái lập sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính”, ông nói.
Gia Chính