Giải bài toán xây dựng, đào tạo và giữ chân nhân lực tại chỗ là hướng đi chiến lược để Gia Lai và khu vực bứt phá trong thời đại mới, theo các chuyên gia.
Trong hội thảo “Hiểu đúng – Quyết định đúng” do trường Đại học FPT tổ chức, đại diện cơ quan nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp đã thảo luận về việc kiến tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho thời đại mới.
Với chủ đề “Chuẩn bị nhân lực thời AI – Cơ hội bứt phá cho Gia Lai và khu vực”, chương trình thu hút hơn 600 phụ huynh và học sinh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Tại đây, người tham gia có thể tìm hiểu về sự phát triển của làn sóng trí tuệ nhân tạo, nhu cầu nguồn nhân lực, các định hướng để giới trẻ “vượt sóng” công nghệ, làm chủ và dẫn đầu kỷ nguyên số.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Nam – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, phụ huynh và học sinh có xu hướng tập trung vào những trường đại học ở đô thị lớn, bỏ qua cơ hội ngay tại địa phương.
“Mỗi năm chỉ khoảng 65% học sinh tốt nghiệp theo học đại học, cao đẳng. Gần 90% trong số đó học ở các thành phố lớn, chỉ 10% chọn học tại địa phương hoặc khu vực gần”, ông nói.

Ông Phạm Văn Nam – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: FPTU
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, sinh viên theo học ngay tại địa phương sẽ tận dụng được các lợi thế như tiết kiệm 30 – 50% chi phí sinh hoạt, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Đồng thời, các bạn hiểu rõ hơn môi trường làm việc trong tương lai, dễ dàng kết nối với doanh nghiệp trong vùng hoặc các doanh nghiệp quốc tế đặt trụ sở tại địa phương.
Ông Trần Tuấn Anh – Phó giám đốc trường Đại học FPT cơ sở TP HCM, Trưởng ban Đào tạo trường Đại học FPT cơ sở TP HCM và Quy Nhơn cũng chia sẻ, đơn vị cam kết đồng hành cùng Gia Lai trong hành trình đào tạo nguồn nhân lực số. Trường triển khai nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng học bổng toàn phần, học phí thấp hơn so với các thành phố lớn và đặc biệt là chương trình cho vay tín dụng giáo dục không lãi suất cho tới khi sinh viên ra trường.
Bên cạnh đó, trường Đại học FPT đầu tư hệ thống ký túc xá hiện đại đạt chuẩn quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên trường để sinh viên có trải nghiệm học tập và sinh hoạt phong phú. Đồng thời, đơn vị kết nối các doanh nghiệp địa phương, đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo tại Quy Nhơn cũ, tạo không gian khởi nghiệp và nghiên cứu cho học sinh.
Trong khuôn khổ hội thảo còn có tọa đàm trực tiếp “Vượt sóng AI: Kiến tạo nhân lực số từ Gia Lai – đến khu vực – ra toàn cầu”, với sự tham gia của các chuyên gia, gồm: Tiến sĩ Trần Ngọc Tuấn – Phó hiệu trưởng trường Đại học FPT, Tiến sĩ Đinh Tiến Dũng – Giám đốc FPT Automotive miền Trung, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc điều hành Pencil Group và MC Khánh Vy – gương mặt truyền cảm hứng với giới trẻ.

Các diễn giả tại toạ đàm. Ảnh: FPTU
Khi bàn về chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên số, các diễn giả nhấn mạnh vai trò của lực lượng trẻ và mô hình đào tạo tại chỗ. Trong thời đại 5.0 và trí tuệ nhân tạo, người trẻ không nhất thiết phải rời quê hương để tìm cơ hội lập nghiệp, bởi có thể làm việc trong môi trường toàn cầu nếu được trang bị đúng và đủ ngay tại địa phương.
Theo ông Đinh Tiến Dũng – Giám đốc FPT Automotive miền Trung, Tập đoàn FPT, cơ hội toàn cầu hóa không còn phụ thuộc vào vị trí địa lý. Đơn vị có gần 4.500 nhân sự trên toàn cầu, trong đó hơn 600 người đang làm việc tại miền Trung Việt Nam. Hằng ngày, đội ngũ nhân viên FPT Automotive làm việc với nhiều đối tác trên khắp thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
“Nhiều người miền Trung đang làm công việc toàn cầu ngay tại quê hương của mình, thậm chí trong đó có rất nhiều nhân sự xuất sắc”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trường Đại học FPT đã xây dựng chương trình đào tạo giúp sinh viên tiếp cận môi trường toàn cầu ngay tại quê hương. Tiến sĩ Trần Ngọc Tuấn cho biết, sinh viên có cơ hội tham gia kỳ thực tập tại các doanh nghiệp lớn, học tại nước ngoài hoặc thậm chí lựa chọn chuyển đổi địa điểm học giữa các cơ sở của trường Đại học FPT trên toàn quốc (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn) trong khi vẫn theo một chuẩn chất lượng đồng nhất.
Ngoài đề cao những trải nghiệm chất lượng dành cho sinh viên, trường chú trọng đào tạo công nghệ và cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho sinh viên mọi chuyên ngành. Tư duy phản biện, khả năng tự học và tiếp cận công cụ là chìa khóa để người trẻ tạo lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Với hệ thống cơ sở trải dài trên toàn quốc, trường Đại học FPT đưa mô hình giáo dục tiên tiến về các địa phương, hướng tới xây dựng một thế hệ trẻ đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu, không bị giới hạn bởi địa lý. Điều này cũng góp phần mở rộng cơ hội học tập và hội nhập cho mọi bạn trẻ trên cả nước.

Học sinh THPT đặt câu hỏi cho các diễn giả để được định hướng nghề nghiệp. Ảnh: FPTU
Ngoài bàn luận về việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, hội thảo “Hiểu đúng – Quyết định đúng” còn đào sâu các chủ đề về chọn ngành, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng thích ứng với thế giới việc làm đang biến đổi mạnh mẽ bởi AI. Đây là không gian để phụ huynh, học sinh đối thoại trực tiếp với các diễn giả, cùng tháo gỡ băn khoăn về ngành học, định hướng nghề nghiệp và kỹ năng cần có để thích ứng trong thời đại mới.
Nhật Lệ