Giá vé máy bay hè tăng nhẹ, du khách thận trọng chi tiêu

Giữa mùa cao điểm du lịch hè 2025, giá vé máy bay trong nước và quốc tế ghi nhận xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên, nhiều chương trình khuyến mãi vẫn giúp du khách tiết kiệm được chi phí cho hành trình của mình.

Giá vé máy bay tăng nhẹ đầu tháng 7

Khảo sát từ các nền tảng đặt vé trực tuyến cho thấy giá vé máy bay nội địa và quốc tế trong những ngày đầu tháng 7 bắt đầu nhích lên, phản ánh rõ sức nóng của mùa du lịch cao điểm. Trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng mạnh, các hãng hàng không cũng đã điều chỉnh mức giá linh hoạt theo cung – cầu.

Với đường bay nội địa, các chặng trục chính như TP.HCM – Hà Nội, Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Phú Quốc ghi nhận mức giá phổ biến từ 1,1 – 2,2 triệu đồng/chiều (đã bao gồm thuế, phí). Giá vé khứ hồi dao động từ 2,6 – 4 triệu đồng, tăng khoảng 5 – 10% so với tháng 6.

Cụ thể, chặng Hà Nội – TP.HCM có giá thấp nhất từ 890.000 đồng/chiều với Vietjet Air (chưa bao gồm thuế phí), trong khi Vietnam Airlines niêm yết từ 1,98 triệu đồng/chiều. Tuyến TP.HCM – Nha Trang dao động trong khoảng 1,12 – 1,5 triệu đồng, phù hợp với du khách chọn kỳ nghỉ biển ngắn ngày.

Đáng chú ý, tuyến Hà Nội – Phú Quốc trong giai đoạn cao điểm từ ngày 15 đến 20-7 có giá tăng mạnh: Vietnam Airlines công bố mức 3,3 – 4,5 triệu đồng/chặng, tương đương 7 – 8 triệu đồng/khứ hồi; Vietjet Air có giá mềm hơn nhưng khứ hồi cũng từ 5 – 6 triệu đồng.

Giá vé máy bay dịp hè tăng nhẹ do nhu cầu du lịch tăng cao.
Giá vé máy bay dịp hè tăng nhẹ do nhu cầu du lịch tăng cao.

Với đường bay quốc tế, các tuyến gần như TP.HCM – Bangkok hay Hà Nội – Singapore vẫn giữ mức hợp lý từ 1,6 – 2,5 triệu đồng/chiều. Tuy nhiên, các tuyến dài tăng nhẹ: Hà Nội – Seoul hiện có giá từ 4,5 – 6,1 triệu đồng/khứ hồi, tăng 8% so với tháng trước; đường bay TP.HCM – San Francisco của Vietnam Airlines lên tới 22 – 28 triệu đồng/khứ hồi, tùy thời điểm và hạng ghế.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay nội địa dự kiến đạt gần 68.558 chuyến trong hè 2025, tương đương 745 chuyến mỗi ngày và cung cấp xấp xỉ 14 triệu ghế. Con số này cao hơn tới 21% về chuyến bay và 18% về số ghế so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá vé tăng, theo các chuyên gia, du khách vẫn có nhiều lựa chọn tiết kiệm nếu đặt vé sớm từ 3 – 4 tuần trước ngày khởi hành, ưu tiên giữa tuần hoặc các khung giờ thấp điểm.

Chị Nguyễn Hồng Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Giá vé hè tăng là điều thường thấy. Năm nay có cao hơn chút nhưng vẫn trong khả năng chấp nhận được. Quan trọng là bay đúng giờ, dịch vụ ổn thì tôi sẵn sàng chi trả.”

Còn anh Phạm Văn Tùng, một nhân viên văn phòng vừa đặt tour cho cả gia đình đi Đà Nẵng cho biết: “Tôi chấp nhận giá vé cao hơn một chút miễn là đặt sớm thì vẫn được giá ổn. Đợt này tôi chọn tour trọn gói để tiết kiệm thời gian và hạn chế rủi ro về giá vé máy bay tăng sát ngày”.

Nhiều du khách chọn hành trình tour trọn gói trong dịp hè 2025.
Nhiều du khách chọn hành trình tour trọn gói trong dịp hè 2025.

Theo đại diện Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, lượng khách nội địa trong hè 2025 dự kiến tăng 15 – 20% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sức mua hồi phục mạnh mẽ và nhu cầu du lịch của người dân tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Hàng không tăng tải, tuân thủ giá trần

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong mùa du lịch hè 2025, các hãng hàng không lớn tại Việt Nam đồng loạt tăng tải và tung nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Theo Vietnam Airlines, hãng sẽ khai thác hơn 43.000 chuyến bay trong dịp cao điểm hè năm nay, tương ứng gần 9 triệu ghế, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng mạng bay nội địa được ưu tiên với hơn 6,3 triệu ghế, tăng mạnh tới 28% so với thường lệ.

Các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với loạt điểm đến du lịch hút khách như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Thanh Hóa… sẽ được tập trung tăng tải nhằm phục vụ nhu cầu bùng nổ trong mùa cao điểm.

Không kém cạnh, Vietjet Air cho biết sẽ bổ sung hơn 600.000 ghế trên toàn mạng bay kết nối hơn 145 đường bay trong và ngoài nước. Bên cạnh các chặng nội địa truyền thống, Vietjet cũng tăng cường khai thác các tuyến quốc tế đến Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt, ngày 7-7, Vietjet sẽ tung chương trình giảm giá lên tới 77% cho hàng triệu vé máy bay, áp dụng trên toàn bộ các đường bay và khung giờ từ 0g đến 23g cùng ngày. Vé áp dụng cho các hành trình bay từ 11-8-2025 đến 28-3-2026, giúp khách hàng lên kế hoạch du lịch dài hạn với chi phí hợp lý.

gia-ve-may-bay-3.jpg
Các hãng hàng không lớn tại Việt Nam tăng tải và tung nhiều chương trình ưu đãi.

Trong phản hồi về các giải pháp phối hợp nhằm đưa giá vé máy bay về mức hợp lý và ổn định, Bộ Xây dựng cho biết điều này xuất phát từ quy luật cung – cầu, vốn là nguyên tắc điều tiết chung của hầu hết hàng hóa và dịch vụ. Giá vé thường tăng cao trong các dịp lễ, Tết hoặc kỳ nghỉ dài ngày – khi nhu cầu đi lại của người dân bùng nổ, trong khi số lượng ghế bị giới hạn bởi đội tàu bay và hạ tầng khai thác.

Nhằm kiểm soát giá vé hợp lý hơn, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành Quyết định số 1723 ngày 31-12-2024, quy định mức giá trần đối với vé hạng phổ thông cơ bản nội địa.

Song song đó, bộ cũng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tăng cường điều tiết tải bay, cân đối giữa các đường bay nội địa – quốc tế, và hỗ trợ các hãng nâng cao năng lực khai thác phù hợp từng thời điểm thị trường – đặc biệt trong các mùa cao điểm như hè năm nay.

Theo Bộ Xây dựng, giá dịch vụ vận chuyển hàng không hiện nay chủ yếu bị tác động bởi hai yếu tố chính: biến động chi phí cấu thành và cung – cầu thị trường.

Trong cơ cấu chi phí một chuyến bay, chi phí nhiên liệu bay cùng với chi phí thuê, mua, sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay chiếm tới 70%–80% tổng chi phí. Đáng chú ý, gần như toàn bộ các khoản chi này đều thanh toán bằng ngoại tệ, nên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động tỷ giá.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu Jet A1 và tỉ giá ngoại tệ là những yếu tố chi phí chịu tác động lớn từ tình hình kinh tế – chính trị trong và ngoài nước, nằm ngoài khả năng kiểm soát của các hãng hàng không cũng như cơ quan quản lý chuyên ngành.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh, với 80% chi phí hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam được thanh toán bằng ngoại tệ, diễn biến hiện tại của tỷ giá và giá nhiên liệu tiếp tục gây áp lực lớn lên giá thành vận chuyển hàng không, ảnh hưởng trực tiếp đến giá vé và khả năng duy trì ổn định dịch vụ..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *