(PLO)- Trong năm 2024, hơn 46% cơ quan, doanh nghiệp Việt bị tấn công mạng với số vụ tấn công ước tính lên tới hơn 659.000 vụ.
Đây là thông tin được ông Trần Hữu Dũng, Giám đốc Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), đưa ra tại hội thảo “AI và An ninh mạng – Thách thức và Cơ hội trong Chuyển đổi số” tổ chức vào chiều ngày 9-7. Hội thảo do QTSC phối hợp cùng Hội tin học TP.HCM (HCA) và Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) tổ chức.
Nhiều kỳ vọng với AI
Ông Dũng cho biết, dữ liệu trên được ông dẫn theo báo cáo nghiên cứu và khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam do Ban công nghệ – Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện từ hơn 5.000 đơn vị, tổ chức tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, cùng với xu hướng chuyển đổi số các ứng dụng cloud, API mở, hệ sinh thái IoT… dễ khiến doanh nghiệp bị lộ diện trước tin tặc nếu chỉ dựa vào phương pháp bảo mật truyền thống.
“Vì thế, chuyển đổi số cần gắn liền với yếu tố bảo mật và tối ưu vận hành. Trong đó trí tuệ nhân tạo – AI có thể giúp chúng ta giải quyết được các vấn đề này, nếu áp dụng đúng cách. Khi đó AI không chỉ giúp doanh nghiệp xử lý dữ liệu thông minh hơn, mà còn chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi”- ông Dũng chia sẻ.
Ông Lý Thế Hưng, Kiến trúc sư hệ thống QTSC cũng chia sẻ góc nhìn lợi ích của AI từ quá trình làm việc. Đơn cử, với hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp, ông Hưng cho biết, AI có thể giúp các đơn vị hỗ trợ tìm kiếm lỗi trong phần mềm hoặc hỗ trợ dự đoán, phân tích dữ liệu, dung lượng lưu trữ…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Quang Khoa, chuyên gia tư vấn giải pháp Ennoconn Việt Nam cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc phân tích dữ liệu, AI còn hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo đó AI có thể giúp chúng ta giám sát, phân tích dữ liệu môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp giảm phát thải của doanh nghiệp, gợi ý các chiến lược giải pháp trung hòa được lượng phát thải, dựa trên các dữ liệu đầu vào mà doanh nghiệp cung cấp
Dù vậy, theo các chuyên gia AI và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải lúc nào ứng dụng AI cũng đi trên con đường trải đầy hoa hồng. Họ thường gặp những thách thức lớn về chất lượng dữ liệu, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và chi phí đầu tư ban đầu cao…
Thiếu nhân lực, bảo mật yếu khiến AI trở thành con dao hai lưỡi

Bên cạnh những lợi ích mà AI đem lại, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Trung tâm an ninh mạng – QTSC đã chỉ ra những rủi ro về an ninh mạng khi sử dụng AI trong vận hành doanh nghiệp.
Ông Lâm cho biết, theo một khảo sát có 66% doanh nghiệp tổ chức thấy AI là yếu tố thay đổi lớn nhất nhưng chỉ 37% có biện pháp bảo vệ; hơn 50% các tổ chức doanh nghiệp thiếu nhân lực để bảo vệ dữ liệu, buộc họ phải sử dụng AI để bù đắp thiếu hụt kỹ năng an ninh mạng.
“Có rất nhiều mối đe dọa từ AI như mô hình lừa đảo bằng deepfake, phishing AI, hay ransomware AI, socail engineering nâng cao khiến doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan chức năng đối mặt với nhiều rủi ro về mất dữ liệu, hoặc tài chính”- ông Lâm nói.
Do đó, vị này cho rằng cần có một mô hình quản lý giám sát an ninh mạng tập trung và nhiều cải tiến phù hợp với xu thế công nghệ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hà Duy Mẫn, Quản lý dự án Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt cũng thừa nhận, AI hỗ trợ rất nhiều cho tiến trình phát triển của doanh nghiệp, song cũng giống như chuyển đổi số, AI bắt buộc phải đi kèm bảo mật vì đằng sau AI là cả một kho dữ liệu mà doanh nghiệp đã “đào tạo” chúng.