Đề xuất nghiên cứu và niêm yết đồng tiền số của Việt Nam

(PLO)- Theo các chuyên gia, việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản số, tài sản mã hóa hướng đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM cần đảm bảo tính bền vững và bảo vệ người tiêu dùng.

Sáng ngày 24-4, tại TP.HCM diễn ra chương trình hội thảo khoa học “Sanbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) tiền kỹ thuật số hướng đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM”.

Hội thảo do Đại học Trường Đại học Tài chính – Marketing kết hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) và Tạp chí Cộng sản tổ chức.

5 mục tiêu chính xây dựng khung pháp lý thử nghiệm

Phát biểu đề dẫn cho hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS cho biết, đến thời điểm này những chính sách liên quan tới tiền kỹ số hay còn gọi là tài sản mã hóa đang chuyển động khá mạnh mẽ.

Do đó khi bàn về tiền số hay tiền kỹ thuật số, ông Vũ đề xuất các đại biểu, chuyên gia cần bàn sâu về xây dựng khung pháp lý ra sao, để đảm bảo tính phát triển bền vững và bảo vệ người tiêu dùng. Cạnh đó, nên thống nhất sử dụng cụm từ tài sản mã hóa khi nói về tiền kỹ thuật số. Đồng thời tránh các từ ngữ mang tính “ảo” như “tài sản ảo”, “tiền ảo” để nâng cao nhận biết và bản chất của ngành.

Cũng theo vị này, hiện nay công nghệ tài chính và các công nghệ dẫn dắt như blockchain đang nổi lên như một lực dẫn cho nền kinh tế. Tuy nhiên đến này chúng ta vẫn đang có “vùng xám” về pháp lý, vì thế việc tạo ra khung chính sách quản lý lĩnh vực này là rất quan trọng để chuẩn bị cho việc hướng tới một trung tâm tài chính quốc tế.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho biết khung chính sách này cũng cần hướng tới 5 mục tiêu gồm: thứ nhất xây dựng hành lang pháp lý trong đó quy định trách nhiệm của các bên liên quan, giải quyết tình trạng “vùng xám”, giảm rủi ro thị trường không quản lý được.

Thứ hai cần có cơ chế bảo vệ được người tiêu dùng trong vấn đề đầu tư. Thứ ba là vấn đề tài chính, cụ thể là các vấn đề về thuế quan. Thứ 4 là các cơ chế thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ, trong đó lưu ý đến các vấn đề bảo mật thông tin, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố…

Thứ 5 là đưa ra các biện pháp khơi thông nguồn vốn, nhân lực công nghệ cao. Trong đó có thể học hỏi và thí điểm các mô hình như “Bitcoin City” của El Salvador tại các khu vực địa lý có thể kiểm soát được.

tài sản mã hóa
Các chuyên gia tham dự hội thảo sáng ngày 24-4. ẢNH: THU HÀ

Đề xuất thử nghiệm và niêm yết đồng tiền số mới

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Giám đốc chương trình đào tạo thị trường chứng khóa, Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng những mô hình mới, không lặp lại trên thế giới.

Vị này cho biết, nếu chỉ đơn thuần áp dụng các mô hình hiện có trên thế giới, rất khó để cạnh tranh hiệu quả.

“Khi đó, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh bằng các ưu đãi về thuế, đất đai, nhưng những yếu tố này không còn mang tính quyết định trong bối cảnh hiện tại. Vì vậy, việc kiến trúc và xây dựng các mô hình hoạt động mới đóng vai trò hết sức quan trọng”- ông Huân bày tỏ.

Theo đó, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đã đề xuất ba mô hình tài chính đột phá. Mô hình đầu tiên là sàn giao dịch tiền số thử nghiệm. Mô hình này nhằm tạo ra một nền tảng thử nghiệm cho các loại tài sản kỹ thuật số.

Theo đó, nền tảng sẽ cho phép các nhà nghiên cứu và nhà phát triển thử nghiệm công nghệ blockchain và các đồng tiền số mới. Điều này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra cơ hội học hỏi cho các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, khi thuyết trình về mô hình này, ông Huân đề xuất sàn giao dịch này sẽ cho phép thử nghiệm và khám phá các đồng tiền số phổ biến như BTC, ETH, USDT, BNB, SOL và các stablecoin như USDC, DAI. Đặc biệt mô hình này sẽ có sự kết nối của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và các ngoại tệ mạnh.

Đồng thời với mô hình này còn có thể nghiên cứu và cho phép niêm yết đồng tiền số mới – coin riêng của Việt Nam. Dĩ nhiên theo ông Huân việc niêm yết đồng tiền mới này cần có quy định riêng để đảm bảo tính thanh khoản, tính bảo mật, cũng như pháp lý…

Mô hình thứ 2 là sàn giao dịch gọi vốn cho startup theo hình thức ICO. Đây là phương thức huy động vốn mới, cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia dễ dàng.

Theo ông Huân, với 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang rất cần vốn, chúng ta cần một thị trường riêng cho phép họ huy động vốn thông qua phát hành token hoặc tài sản số. Thị trường này cũng cần liên thông với thị trường tài sản số (mô hình 1) để đảm bảo thanh khoản.

Mô hình thứ 3 là sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung và sàn hoạt động trên nền tảng blockchain và token hóa chứng khoán. Đây là mô hình thế giới chưa có. Khác biệt chính so với sàn tập trung là việc sử dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh (smart contract) để tự động hóa hoàn toàn giao dịch.

Dù vậy, để các mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, ông Huân cho rằng trước hết TP.HCM cần đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, các yếu tố công nghệ đặc biệt là an ninh mạng. Ngoài ra cũng tính toán đến nhân lực tài chính chất lượng cao.

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, đề xuất mục tiêu của khung pháp lý cần hướng đến điều hướng dòng vốn chảy từ đầu cơ (cryto) sang đầu tư thực (STO), tăng tính thanh khoản cho dòng vốn, đảm bảo tính minh bạch, giảm rủi ro.

Cạnh đó, các chủ thuế tham gia thị trường phải tuân thủ quy định về đăng ký, xác thực danh tính, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và bảo vệ nhà đầu tư.

Chính sách thuế cần hướng tới việc áp dụng mức thuế cao đối với cryto, nâng ưu đãi thuế cho nhà đầu tư STO và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển token chứng khoán gắn với đầu tư thực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *