Dàn drone được ví như ‘đội quân Lego’ của Ukraine

Drone mặt đất Ukraine có thiết kế dạng module, có thể tháo lắp tại chỗ để đáp ứng nhiều nhiệm vụ, từ tải thương cho đến chiến đấu.

Oleksandr Yabchanka, chỉ huy đơn vị thiết bị không người lái (drone) của Tiểu đoàn Cơ giới Độc lập số 108 Ukraine, cuối tuần trước cho biết họ không sử dụng những loại drone mặt đất chuyên biệt, mà thường lắp ráp dựa trên nhu cầu cụ thể của từng nhiệm vụ.

Mẫu drone cơ bản của Tiểu đoàn 108 được trang bị khoang chở người khi cần tải thương. Nếu cần làm nhiệm vụ tập kích vị trí lực lượng Nga, nó sẽ được lắp khoang chứa chất nổ để trở thành vũ khí tự sát. Quá trình hoán cải được thực hiện ngay trên chiến trường.

“Giống như ráp một đội quân Lego vậy”, Yabchanka so sánh.





Drone D-21 trong bức ảnh công bố hồi tháng 1. Ảnh: X/Mykhailo Fedorov

Drone D-21 trong bức ảnh công bố hồi tháng 1. Ảnh: X/Mykhailo Fedorov

Đây được đánh giá là bước tiến tích cực với quân đội Ukraine, do khả năng tác chiến linh hoạt là yếu tố quan trọng để giành ưu thế trong xung đột hiện tại, khi các chiến thuật và công nghệ liên tục thay đổi.

Vadym Yunyk, CEO của công ty FRDM tại Ukraine, cho biết năng lực thích ứng cao là một trong những ưu điểm của mẫu drone hậu cần D-21 do họ sản xuất. Loại drone này được sử dụng cho nhiệm vụ tải đạn hoặc sơ tán thương binh, song cũng có thể mang theo vũ khí khi cần thiết.

Để đáp ứng yêu cầu tiền tuyến, FRDM đã ra mắt phiên bản nâng cấp D-21-12R được gắn module chiến đấu, cho phép nó khai hỏa trong lúc di chuyển giữa các vị trí. Công ty cũng đang nghiên cứu cách trang bị súng phóng lựu cho drone.

“Điều này mở ra khả năng ứng dụng linh hoạt hơn nữa cho D-21 và D-21-12R. Nói cách khác, chúng tôi không chỉ cung cấp một sản phẩm cụ thể, mà là công cụ có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế trên chiến trường”, ông Yunuk nói.

THeMIS, sản phẩm của công ty Milrem Robotics có trụ sở tại Estonia và đang được quân đội Ukraine sử dụng, cũng được mô tả là “nền tảng đa nhiệm tiên tiến có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau”.

Milrem Robotics cho biết THeMIS có thiết kế dạng module để người dùng tùy chỉnh theo nhu cầu, nhấn mạnh nó có chức năng thu thập thông tin tình báo, rà phá bom mìn và vận chuyển binh sĩ. Mẫu drone này cũng có thể được gắn nhiều loại vũ khí khác nhau, tùy vào mục đích và kho vũ khí sẵn có.

Kuldar Vaarsi, nhà sáng lập kiêm CEO của Milrem Robotics, cho biết các binh sĩ đang sử dụng công nghệ theo những cách mà công ty không ngờ tới. “Quân nhân Ukraine rất sáng tạo và đã tìm ra những phương pháp rất đơn giản để tận dụng tối đa thiết bị này”, ông nói, song không tiết lộ cụ thể.

Nga trình làng robot chống drone 'Wall-E'

Robot chống drone Wall-E trong video đăng tháng 6/2024. Video: RIA Novosti

Drone mặt đất không phải công nghệ mới trên chiến trường, song quy mô triển khai, sự đa dạng về chủng loại và số lượng công ty tham gia sản xuất là yếu tố đáng chú ý trong xung đột Ukraine.

Giá thành rẻ, dễ sản xuất và hiệu quả cao khiến các loại drone là công cụ quan trọng để Ukraine thu hẹp khoảng cách với Nga, đối thủ vượt trội về quân số và tiềm lực quốc phòng.

Ngược lại, Nga cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực drone và đã phát triển nhiều phiên bản riêng. Truyền thông Nga năm ngoái cho biết nước này đang chế tạo mẫu drone mặt đất Wall-E mang thiết bị tác chiến điện tử nhằm vô hiệu hóa thiết bị bay không người lái đối phương trong phạm vi 250-300 m.

Các bên cũng tích cực nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới, trong đó có AI, để cải thiện khả năng tự động hóa và sức sát thương của drone.

Yabchanka cho biết binh sĩ Ukraine đóng vai trò then chốt trong nỗ lực trên, với tư cách là người cung cấp phản hồi thực tế từ chiến trường. Quân nhân ngoài tiền tuyến thường điều chỉnh, cải tiến và nâng cấp robot mặt đất trong lúc gọi video với nhà sản xuất, vừa để nhận hỗ trợ trực tiếp, vừa để hãng hiểu nhu cầu hiện tại của họ.

Hồi tháng 4, một binh sĩ vận hành drone trên không của Ukraine cũng tiết lộ thường nhắn tin hoặc gọi video cho nhà sản xuất, để đưa ra phản hồi nhanh nhất có thể.

Yunyk cho biết các sản phẩm của FRDM liên tục được cập nhật dựa trên thông tin từ chiến trường, trong đó có cách binh sĩ sử dụng chúng.





Drone THeMIS trong bức ảnh công bố năm 2022. Ảnh: Business Wire

Drone THeMIS trong bức ảnh công bố năm 2022. Ảnh: Business Wire

“Vòng đời sản phẩm trong cuộc chiến này cực kỳ ngắn. Những gì hiệu quả cách đây một tháng có thể đã trở nên lỗi thời ở thời điểm hiện tại. Do đó, nhà phát triển không thể tiếp tục sử dụng thiết kế cũ”, Yunik nói.

Nếu công ty dành hai năm để chế tạo một sản phẩm, nhiều khả năng nó sẽ trở nên lạc hậu từ trước khi kết thúc quá trình phát triển. “Thực tế mới bây giờ là người thích ứng nhanh hơn sẽ chiến thắng, chứ không phải bên lên kế hoạch lâu hơn”, CEO FRDM cho hay.

Phạm Giang (Theo Business Insider)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *