Mô hình “đại học trong đại học” như ở Việt Nam có nét tương đồng với nhiều nơi trên thế giới, song khác biệt ở mức độ tự chủ, theo các chuyên gia.
Thời gian qua, mô hình đại học hai cấp như đại học quốc gia và vùng nhiều lần gây tranh cãi. Các đại học này có các thành viên với đầy đủ cơ cấu, tổ chức, tư cách pháp nhân như một trường đại học thông thường.
Lãnh đạo một số trường nhìn nhận đây là bất cập, thế giới không có mô hình như vậy nên đề xuất bỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phủ nhận.
TS Vũ Minh Ngọc, cựu nghiên cứu sinh Đại học Cầu đường Paris, cho biết Pháp cũng có các “đại học trong đại học” như Việt Nam, tồn tại ở hai dạng.
Một là đại học có các đơn vị trực thuộc. Ví dụ Đại học Paris Saclay có 5 khoa, 3 trường cao đẳng công nghệ, 4 đại học danh tiếng (graduated school), một đại học kỹ sư Polytech, hai trường đại học thành viên (university) và 7 cơ quan nghiên cứu.
Hai là hệ thống Polytech – liên minh từ các đại học đào tạo kỹ sư trên cả nước. Liên minh này có Đại học Polytech Paris – Saclay (trường nằm trong Đại học Paris Saclay), Polytech Lille (nằm trong Đại học Lille)…
Tại Anh, Đại học London gồm gần 20 thành viên, bao gồm cả “university”, “college”, “school”, “institute”, có thể kể đến King’s College London (KCL), University College London (UCL), trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE).
Ông Huỳnh Lưu Đức Toàn, Phó giáo sư làm việc tại Đại học Queen Mary London, Anh, cho biết Đại học London hình thành từ năm 1836, ban đầu chỉ như hội đồng thi cấp bằng cho sinh viên từ UCL và KCL. Đến năm 1900, trường được tái cơ cấu thành mô hình liên đoàn như ngày nay.
Điểm chung của các “đại học trong đại học” trên so với Việt Nam là “trường mẹ” và “trường con” có tư cách pháp nhân, chủ tịch trường riêng. Các “trường con” là cơ sở giáo dục đại học độc lập, nhưng phát triển theo chiến lược và mục tiêu chung.
Còn điểm khác biệt giữa mô hình ở Việt Nam và thế giới là nguồn gốc hình thành và mức độ tự chủ.

Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Website nhà trường
Thứ nhất là về nguồn gốc. Ông Nguyễn Xuân Khánh, phó giáo sư tại Đại học Oulu, Phần Lan, chuyên gia về Giáo dục và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, cho biết trên thế giới, có trường theo mô hình “đại học trong đại học” do yếu tố lịch sử; có trường do muốn quản lý chung một số vấn đề như tài chính, nhân sự, chiến lược nên tập hợp với nhau. Còn tại Việt Nam, đại học quốc gia hay vùng thành lập bởi quyết định hành chính của Chính phủ, với vai trò đầu tàu chiến lược quốc gia.
Về mức độ tự chủ, các trường ở Việt Nam hạn chế hơn so với ở các nước, dù đã được cải thiện gần đây. Chẳng hạn, các trường thành viên tuy có tư cách pháp nhân như hàng trăm cơ sở giáo dục đại học thông thường, nhưng vẫn phải xin “trường mẹ” phê duyệt chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Các trường ở Pháp, Anh nói trên được tự chủ hoàn toàn.
Hay trong nghiên cứu khoa học, theo ông Khánh, khi công bố bài báo, nhìn tên địa chỉ của các tác giả Việt Nam khá lằng nhằng. Ví dụ, tác giả ghi “Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM”, khiến nhiều người nghĩ để địa chỉ hai nơi nhưng thực ra chỉ là một.
“Ở các nước như Anh, Mỹ, các trường thành viên rất độc lập, từ việc quản lý, cấp văn bằng, nghiên cứu. Trong các công bố quốc tế, tác giả chỉ cần ghi tên trường thành viên, không cần ghi tên trường mẹ”, ông Khánh cho hay. “Vì vậy trên các bảng xếp hạng, các trường trực thuộc có thứ hạng độc lập”.
Việc gộp chung nghiên cứu giúp đại học quốc gia có thứ hạng cao, nhưng lại hạn chế xuất hiện tên của nhiều trường hơn trên bảng xếp hạng quốc tế. Ví dụ nhìn vào bảng xếp hạng, thế giới sẽ không biết Việt Nam có hai trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Trong dự thảo báo cáo về tác động của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận mô hình như đại học quốc gia và vùng gây khó khăn, phức tạp, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.
TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng chỉ ra một số bất cập khác như chồng chéo về quản lý khi cả “trường mẹ” và “trường con” đều có hội đồng trường, ban giám đốc/giám hiệu, các bộ phận phục vụ. Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Quốc hội cũng đề nghị Bộ xem xét, sửa đổi luật về sự tồn tại song song của hội đồng trường đại học thành viên và hội đồng đại học quốc gia.
Ông Phương cho rằng điều này là lãng phí, nên xem xét chuyển về đại học một cấp như Bách khoa Hà Nội hay Kinh tế Quốc dân, tức một đại học mẹ với các trường trực thuộc, chung bộ máy quản trị.
Ông Khánh thì cho rằng mô hình hai cấp vẫn phát huy được hiệu quả, nhưng quan trọng là phải có quy định rõ ràng. Ví dụ, cần làm rõ trường thành viên tập trung theo hướng nghiên cứu hay đào tạo phổ thông. Nếu đào tạo, các trường cần nhiều sinh viên. Còn nếu nghiên cứu, trường phải coi trọng chất hơn lượng.
TS Vũ Minh Ngọc đề xuất các “trường con” tăng liên kết, công nhận chương trình của nhau và sinh viên có thể chuyển giữa các trường cùng ngành.
Dương Tâm – Thanh Hằng – Lệ Nguyễn