Harvard trở thành mục tiêu tiếp theo bị chính quyền Tổng thống Trump nhắm tới trong cuộc chiến với các đại học Mỹ, vốn bị ông cho là “thù địch với phe bảo thủ”.
Sau bữa trưa tại Nhà Trắng ngày 1/4, Tổng thống Donald Trump nói với các cố vấn về một ý tưởng đáng kinh ngạc liên quan đến nguồn ngân sách tài trợ gần 9 tỷ USD cho Đại học Harvard, một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Mỹ.
“Nếu chúng ta không bao giờ cấp tiền cho họ nữa thì sao? Điều đó không tuyệt ư?”, một nguồn tin am hiểu về cuộc thảo luận hôm đó kể lại lời ông Trump.
Điều này hiện không chỉ còn là ý tưởng. Chính quyền ông Trump tối 14/4 thông báo đóng băng hơn 2 tỷ USD tiền tài trợ cho Harvard, với lý do trường đã bác bỏ các yêu cầu cải cách do Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra.
JTFCAS trước đó tiến hành rà soát và đưa ra loạt khuyến nghị cải cách với Harvard, như ngăn sinh viên biểu tình, điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI).
Trong thư phản hồi khuyến nghị của JTFCAS, hai luật sư đại diện cho Đại học Harvard nói trường sẽ tiếp tục nỗ lực chống chủ nghĩa bài Do Thái, luôn “đối thoại cởi mở” về những gì đã và sắp làm để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh trường “không đồng ý” với các yêu cầu vượt quá thẩm quyền của chính quyền.
Sau khi xung đột Gaza nổ ra tháng 10/2023, làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine đã lan rộng tại các đại học Mỹ. Sinh viên tổ chức biểu tình rầm rộ, cắm trại dài ngày trong khuôn viên các trường, yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch tấn công Dải Gaza.

Người biểu tình dựng lều trong khuôn viên Đại học Columbia ở New York, ngày 24/4/2024. Ảnh: AP
Hàng nghìn người đã bị bắt khi cố xông vào văn phòng hiệu trưởng, quấy rối sinh viên Do Thái và quấy phá lễ tốt nghiệp. Ông Trump mô tả trong chiến dịch tranh cử rằng những người tham gia biểu tình phản đối chiến sự Gaza tại các đại học Mỹ là thành phần “cực đoan”.
“Điều tôi muốn nói với các hiệu trưởng đại học là hãy đánh bại những kẻ cực đoan và giành lại khuôn viên trường cho tất cả sinh viên bình thường”, ông Trump nói trong cuộc vận động tranh cử ở bang Wisconsin đầu tháng 5/2024.
Ông Trump cho rằng các đại học Mỹ đang ngày càng trở nên “thù địch với phe bảo thủ” và thúc đẩy chủ nghĩa tự do quá mức trong sinh viên.
JTFCAS được ông Trump thành lập ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ hai với mục tiêu “xóa bỏ nạn bài Do Thái tại các đại học”. Nhóm này gồm khoảng 20 thành viên, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon, Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi cùng các viên chức liên ngành khác, chuyên gia dữ liệu, luật sư dân quyền.
Họ nhóm họp hàng tuần để thảo luận về các báo cáo phân biệt đối xử tại các đại học Mỹ, xem xét các khoản trợ cấp cho mỗi trường và trình khuyến nghị với Tổng thống Trump.
Phó chánh văn phòng phụ trách chính sách Stephen Miller, người được xem như kiến trúc sư cho phần lớn chương trình nghị sự trong nước của ông Trump, cũng hành động song song với JTFCAS, xem xét các khoản ngân sách chính phủ cung cấp cho những tổ chức lớn ở Mỹ, gồm cả các đại học hàng đầu.
Nhà Trắng tháng trước thành công trong nỗ lực gia tăng áp lực với Đại học Columbia, khi trường đã nhất trí thỏa hiệp với chính phủ về các yêu cầu cải cách, gồm siết chặt kỷ luật với sinh viên trong khuôn viên trường, thiết lập nhóm giám sát của khoa nghiên cứu Trung Đông, Nam Á và châu Phi.
Kể từ đó, chính quyền ông Trump đã mở rộng danh sách nhắm mục tiêu sang các đại học lớn khác như Princeton, Brown, Pennsylvania, Northwestern và Cornell. Các trường lọt tầm ngắm vì phản ứng của họ với làn sóng sinh viên biểu tình phản đối chiến sự Gaza, cũng như các chính sách DEI trong tuyển sinh, mức độ hợp tác với cơ quan quản lý nhập cư và việc cho phép phụ nữ chuyển giới tham gia thi đấu thể thao học đường.

Biểu tình trong khuôn viên Đại học Harvard ngày 23/4/2024. Ảnh: Reuters
19 đại học khác nằm trong số 100 đơn vị nhận được nhiều tài trợ liên bang nhất ở Mỹ tháng trước nhận được thư thông báo từ Bộ Giáo dục rằng họ có thể bị mất tài trợ do không ngăn được tình trạng bài Do Thái. Riêng Đại học Johns Hopkins mất 800 triệu USD tài trợ và hợp đồng do chính quyền tinh giản Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Bộ Giáo dục Mỹ đã cảnh báo 60 đại học rằng họ có thể đối mặt hậu quả từ các cuộc điều tra về cáo buộc bài Do Thái.
Động thái của chính quyền diễn ra khi công chúng suy giảm mạnh niềm tin vào giáo dục đại học tại Mỹ trong thập kỷ qua, theo thăm dò của Gallup hồi tháng 7 năm ngoái. Sự suy giảm bắt nguồn chủ yếu từ lo ngại các đại học Mỹ thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị thay vì giảng dạy kỹ năng liên quan tới ngành học, cũng như vấn đề chi phí.
Tuy nhiên, quy mô và tốc độ trong hành động của chính phủ đã khiến nhiều lãnh đạo trường học choáng váng, khi họ không rõ căn cứ mà ông Trump cùng cộng sự dựa vào để đánh giá các trường và đề ra phương án xử lý. Nhiều người thậm chí coi nỗ lực cắt giảm tài trợ cho các đại học là cuộc tấn công của chính quyền Trump vào quyền tự do học thuật nhằm làm suy giảm ảnh hưởng của giáo dục đại học.
“Tôi chưa bao giờ thấy mức độ can thiệp và xâm phạm vào quá trình quyết định của trường học như thế này từ chính phủ”, Lee C. Bollinger, người có 21 năm làm hiệu trưởng Đại học Columbia và hơn 5 năm lãnh đạo Đại học Michigan, nói.
Quan chức chính quyền ông Trump cùng các đồng minh giải thích rằng họ đang cố gắng buộc một hệ thống nhận được khoảng 60 tỷ USD tài trợ nghiên cứu của liên bang mỗi năm phải chịu trách nhiệm với các hành động của mình.
“Chúng tôi không chỉ muốn đệ đơn kiện mà muốn thúc đẩy thay đổi trong cách ứng xử với người Mỹ gốc Do Thái tại các đại học”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Pam Bondi cho hay.
Bằng cách nhắm vào các đại học hàng đầu như Columbia và Harvard, JTFCAS đã tạo được tiếng vang và ảnh hưởng của mình. Một công chức hành chính cấp cao thuộc nhóm này cho hay mục tiêu của họ khi nhắm vào các đại học lớn là để “dằn mặt” các trường khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 7/3. Ảnh: AFP
Đại học Brown, Đại học Cornell, Đại học Northwestern, Đại học Pennsylvania và Đại học Princeton cũng đã bị cắt hàng triệu USD tài trợ của liên bang, khiến các dự án, phòng thí nghiệm và việc làm bị đe dọa. Các đại học trong nhiều thập kỷ qua đã trở thành trung tâm của hệ thống nghiên cứu tại Mỹ và động thái cắt tài trợ của chính quyền Trump đang làm đảo lộn điều này.
“Tổng thống Trump đang nỗ lực giúp cho giáo dục đại học vĩ đại trở lại bằng cách chấm dứt tình trạng bài Do Thái không kiểm soát và đảm bảo tiền thuế của người dân không được chi cho hành vi phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực với động cơ phân biệt chủng tộc”, Harrison Fields, người phát ngôn Nhà Trắng, nói.
Harvard là trường đầu tiên lên tiếng phản đối những yêu cầu cải cách của chính quyền. Sau khi Nhà Trắng thông báo đóng băng tài trợ hơn 2 tỷ USD, JTFCAS cho hay “tuyên bố của Harvard hôm nay càng cho thấy tư duy lợi ích đáng lo ngại vốn phổ biến ở các đại học danh tiếng nhất đất nước, rằng nguồn đầu tư của chính phủ liên bang không đi kèm trách nhiệm duy trì luật nhân quyền”.
Nhiều người đã kêu gọi lãnh đạo Harvard phản kháng. Trong bài đăng gần đây, các học giả của Harvard Crimson khuyến nghị trường này nên bắt tay với các đại học khác để phản kháng, “dẫn đầu cuộc chiến chống lại cuộc tấn công không ngừng nghỉ của chính quyền ông Trump vào nền giáo dục đại học”.
Động thái của chính quyền khiến ngay cả một số đồng minh thân cận của ông Trump lo ngại. Tuy nhiên, bên trong Nhà Trắng, nỗi lo lắng đó bị bác bỏ.
Quan chức chính quyền cho rằng lập trường kiểu lo sợ đó từng kìm hãm nhiệm kỳ một của ông Trump. Họ cho biết mục tiêu hiện tại là tập trung mang lại sự thay đổi lâu dài, ngay cả khi điều đó buộc họ leo thang cuộc chiến với các đại học hàng đầu Mỹ.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, CNN, AFP)