Cú bứt phá của đại học thăng hạng nhanh nhất thế giới

Từ một trường không xin nổi tài trợ, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vươn lên top 30 thế giới, trong 14 năm, thuộc nhóm thăng hạng nhanh nhất.

NTU được thành lập năm 1991, mục tiêu chính là đào tạo các ngành kỹ thuật để phục vụ nền kinh tế công nghiệp của nước này. Khi ấy, NTU hầu như không được biết đến trên trường quốc tế.

Năm 2011, NTU xếp hạng 174 trong bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE). Hiện, ngôi trường này vươn lên thứ 30 toàn cầu, thuộc top 5 châu Á. Đây là một trong những đại học trẻ thăng hạng nhanh nhất – 144 bậc trong 14 năm.

Thành công của trường nhờ chuyển mình trở thành đại học nghiên cứu. Trong khi, môi trường và chất lượng nghiên cứu là tiêu chí chiếm trọng số cao trong các bảng xếp hạng, ở THE là 59%.





Khuôn viên Đại học Nanyang, Singapore. Ảnh: NTU

Khuôn viên Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ảnh: NTU

Vào đầu thiên niên kỷ mới, Singapore đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước láng giềng phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia với quy mô kinh tế lớn, chi phí lao động rẻ. Nhận thấy không thể tiếp tục cạnh tranh bằng sản xuất công nghiệp, nước này chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ và tri thức.

Bước đi đầu tiên là thành lập Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) để quản lý nghiên cứu và cấp tài trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu. Tổ chức này cũng thúc đẩy tuyển dụng nhân tài và hợp tác học thuật trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, trong lần đầu xin tài trợ từ NRF vào năm 2006, NTU không thành công. Trường buộc phải thay đổi chiến lược, nâng cao hình ảnh quốc tế nếu muốn đóng vai trò trong giai đoạn phát triển mới của Singapore.

Hội đồng NTU quyết định cải tổ bộ máy lãnh đạo, bổ nhiệm giám đốc học thuật, ưu tiên nghiên cứu trong khi trước đó tập trung vào đào tạo.

Sau khi đánh giá mức độ phù hợp với định hướng mới, 25% trong khoảng 1.000 giảng viên bị cho thôi việc. Bù lại, NTU tuyển thêm nhiều giảng viên ưu tú đến từ đại học hàng đầu thế giới, đặc biệt Mỹ và Anh.

75% giảng viên còn lại, những người vượt qua kỳ đánh giá, được “chứng nhận chất lượng”, trở nên tự tin và có được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Phương pháp giảng dạy được hiện đại hóa, chuyển sang mô hình hướng dẫn “tư vấn cá nhân” theo phong cách của Đại học Oxford và Cambridge, Anh, cùng công nghệ hiện đại và khoản đầu tư tài chính đáng kể.

Trong bối cảnh chính sách quốc gia có nhiều thuận lợi, NTU giành được nhiều gói tài trợ lớn. Trường cũng thiết lập quan hệ quốc tế và liên kết với doanh nghiệp, trong đó thành lập trường Y mới thông qua hợp tác với Imperial College London.

Chiến lược tổng thể của NTU là chuyển mình thành một đại học định hướng nghiên cứu. Trường xây dựng một loạt kế hoạch nghiên cứu theo chu kỳ 5 năm, tập trung vào những lĩnh vực liên ngành rộng, phù hợp nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng của chính phủ.

NTU bắt đầu phát triển tốt, được một số hội đồng đánh giá quốc tế, do chính phủ Singapore hoặc NRF khởi xướng, nhận xét tích cực. Sau vài năm, kết quả các bảng xếp hạng đại học dần phản ánh rõ những thay đổi của trường. NTU vươn lên mạnh mẽ, lọt top 50 trường hàng đầu thế giới theo xếp hạng THE năm 2020, vượt qua cả Đại học Brown và Dartmouth thuộc nhóm Ivy League, Mỹ. Tính ở trong nước, NTU nhiều lần sánh ngang với Đại học Quốc gia Singapore về thứ hạng. Như năm nay, hai trường đồng hạng 4 trong bảng xếp hạng châu Á.

Với xếp hạng theo ngành, NTU nổi bật ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Nhờ đó, NTU có thể tuyển thêm nhiều học giả hàng đầu, thu hút các nhà nghiên cứu trẻ từ châu Âu về Singapore. Nhiều lãnh đạo đại học, đặc biệt ở châu Á, đã đến trường học hỏi mô hình phát triển nhanh chóng này.

Bình Minh (Theo THE)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *