Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa có báo cáo UBND TP.HCM về tiến độ xây dựng Đề án chuyển đổi 5 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) bao gồm: Tân Bình, Tân Thuận, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu.

Trình đề án chuyển đổi 5 KCN, KCX trong tháng 7
Báo cáo của Hepza cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Đề án chuyển đổi thí điểm cả 5 KCX, KCN, đồng thời tổng hợp ý kiến chuyên gia tại hội thảo. Hiện đơn vị này đang lấy kiến của các sở, ngành liên quan và sẽ trình đề án cho UBND TP trong thời gian từ 22-7 đến 31-7-2025.
Đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyển đổi 5 KCX, KCN nêu trên, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2880/QĐ-UBND ngày 10-6-2025 kiện toàn Tổ công tác và Tổ Biên tập xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyển đổi 5 KCX, KCN.
Hiện HEPZA đang rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi các KCX, KCN theo chỉ đạo của UBND TP, để lấy ý kiến thành viên Tổ công tác và Tổ biên tập của thành phố. Dự kiến trình UBND thành phố trong tháng 7-2025.
Trao đổi với pv PLO ngày 22-7, ông Lê Văn Thinh, Trưởng ban Hepza thông tin, theo định hướng của thành phố, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của 5 KCN, KCX sẽ hướng tới khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh thái, khu công nghệ – đô thị – dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.
Hepza thông tin, sau 35 năm xây dựng và phát triển, các KCX, KCN đã đóng góp nhiều cho Thành phố, đến nay để phù hợp với sự phát triển chung của TP.HCM mới, các KCN, KCX cần chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với tình hình mới, nhất là yêu cầu về giảm phát thải.
Chủ trương của TP khi thực hiện thí điểm chuyển đổi các KCN, KCX là phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp hiện hữu cho đến hết thời hạn sử dụng đất của khu công nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình này, TP khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu chủ động đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, tuần hoàn…
Mục tiêu là để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, từng bước thích ứng với định hướng phát triển công nghiệp thành phố. Việc chuyển đổi cũng sẽ thực hiện theo lộ trình và phù hợp với quy mô doanh nghiệp, cũng như nguyện vọng của doanh nghiệp, người lao động.
Ông Trần Quang Trường, Tổng giám đốc Công ty Tanimex, chủ đầu tư KCN Tân Bình cũng cho biết, sau gần 30 năm phát triển, chủ yếu thu hút các ngành nghề truyền thống.
Tới nay để thích ứng với tốc độ đô thị hóa, và định hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp cùng các vấn đề môi trường, bền vững của thành phố, việc tái cấu trúc và định hướng phát triển công nghiệp của KCN Tân Bình sau khi hết thời hạn hoạt động vào năm 2047 là hết sức cần thiết.
Cụ thể là sau khi hết thời hạn sử dụng đất vào năm 2047, KCN Tân Bình trong tương lai dự kiến sẽ tiếp tục là khu công nghiệp hoạt động theo mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ theo Điều 33 Nghị định 35/2022/NĐ-CP và Quyết định số 1353/QĐ-UBND ngày 11-4-2023 của UBND Thành phố.
Theo đó một phần khu vực sản xuất theo hướng công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, xanh, hiệu quả và bền vững, một phần sẽ chuyển thành các kho dịch vụ hậu cần logistics tuần hoàn, một phần sẽ hình thành khu dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật – xã hội khác.
Với đề án này, hầu hết các doanh nghiệp tại KCN đều thống nhất với mô hình phát triển của KCN.
Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp đề nghị làm rõ hơn về lĩnh vực ngành nghề, tiêu chí chuyển đổi, thời gian phải chuyển đổi công nghệ, cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền TP đối với việc chuyển đổi trong khi thời gian thuê đất của khu công nghiệp vẫn còn đến năm 2047.
Trước đó, vào tháng 5-2025, tại hội nghị công bố quy hoạch các KCN TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025 của Hepza tổ chức, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận – đơn vị chủ đầu tư KCN Tân Thuận cũng cho biết, KCN Tân Thuận hiện đã thuê được đơn vị tư vấn và lập được kế hoạch chuyển đổi.

Theo vị này, để thu hút đầu tư khi xây dựng một KCN mới thì TP cũng cần đảm bảo các hạ tầng. Nêu ví dụ, ông Phong cho biết, các nhà đầu tư công nghệ cao rất chú trọng đến chất lượng cung cấp điện. Chỉ cần chớp điện trong 1/1000 giây sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất.
Tương tự với hạ tầng giao thông, việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng đang rất khó khăn, mất thời gian, chưa kể thiếu các yếu tố khác như nhà ở công nhân, trung tâm đào tạo, hỗ trợ hoạt động cho các KCN…
Từ tháng 5-2024 đến tháng 5-2025, UBND TP.HCM đã có các văn bản đề nghị 5 công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng là chủ đầu tư của 5 KCX, KCN thí điểm chuyển đổi chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình của KCX, KCN mình đang quản lý theo định hướng đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1353/QĐ-UBND.
KCX Tân Thuận được định hướng chuyển đổi thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. KCN Hiệp Phước chuyển đổi thành KCN sinh thái – đô thị – cảng.
KCN Tân Bình chuyển đổi sang mô hình KCN – đô thị – dịch vụ; trong đó, KCN được đầu tư theo loại hình công nghệ cao. KCN Cát Lái chuyển đổi toàn bộ thành trung tâm logistics số 2 (Trung tâm Logistics Cát Lái), quy mô dự kiến từ 200 – 292ha. KCN Bình Chiểu phát triển theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp: logistics, kho lạnh, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế…
Sức hút mới ở TP.HCM khi sáp nhập các KCN, KCX
Nhìn về không gian mới của KCN, KCX, ông Lê Văn Thinh cho biết, việc hợp nhất các KCN, KCX ở 3 địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển các KCN, là trung tâm công nghiệp của cả nước.
Ngoài ra, việc hợp nhất còn tối ưu chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, tạo động lực kết nối hạ tầng đồng bộ. Từ đó tăng hiệu quả vận hành logistics, cảng cho tới chuỗi cung ứng giữa các khu công nghiệp phân tán trước đây. Song song với đó, kỳ vọng sẽ giảm chồng chéo các thủ tục giữa các địa bàn cũ, tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) muốn tận dụng hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Hiện nay, TP.HCM cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý các KCN Bình Dương và Ban Quản lý KCN Bà Rịa- Vũng Tàu, để hoàn thiện thủ tục pháp lý, sắp xếp bộ máy tổ chức, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp được thông suốt.
Theo đó, sau hợp nhất, TP.HCM mới sẽ có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20 tỷ USD đến 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8 triệu USD/ha đến 10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp để đạt được mục tiêu thì cần phải tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại các KCX, KCN thành phố sau thời điểm hợp nhất các tỉnh, thành phố và việc vận hành chính quyền 2 cấp tại TP HCM.
Cụ thể, vướng mắc cần tháo gỡ: về quy hoạch, về xây dựng công trình cấp 3, cấp 4 tại KCX, KCN trên địa bàn thành phố; về thực hiện thí điểm Đề án chuyển đổi mô hình KCX-KCN; các vấn đề liên quan đến thay đổi cơ cấu người lao động tại các khu công nghiệp; vướng mắc tại các khu tái định cư và nhà ở cho công nhân; việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp…