Chống hàng giả: Xây lá chắn pháp lý và hành động đồng bộ

Ngày 10-7, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”. Dịp này, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đã chỉ ra những thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả.

Hành trình gian truân gõ cửa công lý và nỗi oan đứng mũi chịu sào

“Con đường xây dựng thương hiệu chúng tôi đã đi suốt 50 năm qua. Thay vì họ phải đấu tranh sinh tử trên con đường khởi nghiệp thì lại muốn nhảy chân sáo trên con đường hoa hồng sẵn có của chúng tôi, giành thành quả lao động, công sức, trí tuệ của chúng tôi một cách đơn giản”. Đây là tâm sự đầy chua xót của luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý Công ty CP Nhựa Bình Minh, khi chia sẻ về hành trình DN này chống lại các đơn vị làm nhái thương hiệu.

Ông Tú cho biết đội ngũ pháp lý và DN đã trải qua một quá trình vô cùng gian truân. Khi phát hiện một đơn vị đăng ký nhãn hiệu và sản xuất hàng hóa giống sản phẩm của Nhựa Bình Minh đến gần 100%, họ đã thử đặt câu hỏi cho AI (trí tuệ nhân tạo).

“AI trả lời rất nhanh và có cơ sở pháp lý rõ ràng về sự tương tự. Tuy nhiên, hai năm qua chúng tôi gõ cửa từ cơ quan Trung ương đến cơ quan tài phán địa phương nhưng vẫn không ra được đáp án cuối cùng cho một câu hỏi đơn giản: Thế nào là tương tự gây nhầm lẫn?” – ông Tú bày tỏ.

Nỗi lo của luật sư Tú không phải không có cơ sở, bởi nếu giải quyết một đối tượng mất vài năm thì khi có đối tượng nhái nhãn hiệu mới xuất hiện, DN lại phải tiếp tục cuộc chiến pháp lý tốn kém và mệt mỏi. Theo ông Tú, việc này không chỉ làm Nhựa Bình Minh mất thị phần, sụt giảm doanh thu mà còn tác động tiêu cực tới tâm lý DN.

“DN vừa phải lo sản xuất hàng hóa tốt, vừa phải đấu tranh giữ gìn thương hiệu, bảo vệ thị phần của mình” – ông nhấn mạnh. Gốc rễ của vấn đề nằm ở khoảng trống của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam khi vận hành theo nguyên tắc “nộp đơn trước được quyền trước” (first-to-file) và bị những DN làm nhái sản phẩm lợi dụng.

Chống hàng giả: Xây lá chắn pháp lý và hành động đồng bộ
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc Tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho DN”. Ảnh: THUẬN VĂN

“Nguyên tắc này tỏ ra bất cập khi một thương hiệu đã được sử dụng ổn định, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng lại chậm chân trong việc đăng ký. Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế đang vô tình gây bất lợi cho DN thay vì bảo vệ sự sáng tạo” – ông Tú phân tích. Ông so sánh với hệ thống pháp luật của Mỹ, nơi nguyên tắc “sử dụng trước có quyền trước” (first-to-use) giúp chống lại tình trạng “chiếm chỗ” hợp pháp một cách phi đạo đức.

Chặng đường chống hàng giả còn dài và cần sự cộng hưởng mạnh mẽ từ ba phía: Hành lang pháp lý hoàn thiện từ Nhà nước, sự chủ động từ DN và thái độ tẩy chay quyết liệt của người tiêu dùng.

Song song với cuộc chiến pháp lý là những đòn tấn công bằng truyền thông bẩn. Nhiều DN trở thành nạn nhân của các chiến dịch tung tin giả, tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo, đăng clip cắt ghép sai sự thật gây hậu quả vô cùng nặng nề. Đơn cử như một thương hiệu thực phẩm chức năng đã sụt giảm đến 40% doanh thu chỉ trong hai tuần vì một thông tin thất thiệt trên TikTok.

Chung một nỗi niềm, ông Võ Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại Mekong Việt Nam, chỉ ra thêm một “nỗi oan” khác của DN thương mại. Ông cho rằng cần phân định lại trách nhiệm trong luật: Nhà sản xuất phải lo chất lượng, còn DN sở hữu thương hiệu chịu trách nhiệm phân phối. Ông Phúc trăn trở để xây dựng được “lâu đài” thương hiệu, DN phải đổ vào đó nguồn lực khổng lồ nhưng cuối cùng họ lại rơi vào thế bị động, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhà sản xuất.

“Chúng tôi nỗ lực chọn nhà sản xuất uy tín, có đầy đủ giấy tờ nhưng không thể nắm hết 100% các khâu từ nguyên liệu đến công thức. Việc thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm luôn về chất lượng là không khách quan vì chúng tôi không trực tiếp sản xuất” – ông Phúc khẳng định.

p23-toadamhanggia-hinhphu-1.jpg
Đội QLTT số 1 phối hợp ngành chức năng tiến hành kiểm tra. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh An Giang

DN tự xây thành trì bảo vệ người tiêu dùng

Trước thực trạng trên, nhiều DN chân chính đã không ngồi yên chờ đợi. Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng muốn chống hàng giả, trước hết DN phải tự bảo vệ chính mình.

Tinh thần chủ động này được thể hiện rõ nét qua cách làm của Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu. Ông Trần Xuân Nam, Giám đốc trung tâm kinh doanh trực tuyến của hệ thống, cho biết đơn vị đang thực hiện cơ chế kiểm tra kép: Vừa kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định, vừa kiểm định thực tế chất lượng sản phẩm tại cả đầu vào và điểm bán.

Để làm được điều này, Long Châu đã ký kết hợp tác chiến lược với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), để kiểm nghiệm định kỳ hoặc đột xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng. Đặc biệt, từ tháng 4-2025, Long Châu đã triển khai chiến dịch “Xuất xứ minh bạch, vì một Việt Nam khỏe mạnh”.

“Chúng tôi không chỉ minh bạch thông tin trên hóa đơn mà còn để người dân tra cứu thông tin sản phẩm và các giấy tờ liên quan ngay tại nhà thuốc, trên website và ứng dụng. Người dùng có thể dễ dàng theo dõi nơi sản xuất, số đăng ký thuốc, giấy công bố sản phẩm… một cách công khai” – ông Nam khẳng định.

Tại các cửa hàng Long Châu, đội ngũ dược sĩ luôn sẵn sàng tư vấn, đồng thời có máy tính để khách hàng tự tra cứu khi có nhu cầu. Khi đối mặt với thông tin sai lệch, Long Châu cũng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, đồng thời cảnh báo khách hàng trên các kênh truyền thông chính thức của công ty.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Dương Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ đơn vị luôn xác định mình là người “chốt cửa” cuối cùng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Saigon Co.op không chỉ xét duyệt hồ sơ pháp lý mà còn trực tiếp đến nhà máy sản xuất để kiểm tra quy trình, vùng nguyên liệu, đảm bảo thực tế và hồ sơ là một.

“Chúng tôi còn cùng nhà cung ứng tổ chức các lớp học, phổ biến pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng, để hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải là hàng hóa an toàn nhất” – ông Quang chia sẻ.

p23-toadamhanggia-hinhphu2.jpg
Người dân tìm hiểu thông tin về sản phẩm vi phạm tại phòng trưng bày của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước. Ảnh: AH

4 yếu tố quan trọng để ngăn chặn hàng nhái, hàng giả

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, chia sẻ: Qua 30 năm kiên trì chống chọi với vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ông nhận ra vấn đề này chỉ mới xử lý phần ngọn chứ chưa đánh vào phần gốc.

Theo ông, các vấn đề về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đã được quy định trong luật song vẫn thiếu bốn yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là cần quản lý tiền khai, khởi nghiệp. Một DN trước khi kinh doanh lĩnh vực gì sẽ làm hồ sơ khởi nghiệp, vậy khi khởi nghiệp lĩnh vực gì cần có mã định danh.

Thứ hai là tâm lý DN. Thông thường, DN thấy vấn nạn hàng gian, hàng giả tràn lan lại đổ cho cơ quan QLTT và cảnh sát kinh tế. Tuy nhiên, nếu muốn xử lý được hàng gian, hàng giả cần sự đồng lòng từ cơ quan Trung ương đến địa phương, người dân và DN.

Thứ ba là vấn đề về pháp chế, cần tuyên truyền cho công ty khởi nghiệp nắm rõ về luật pháp, phân biệt được hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng thế nào tới cộng đồng.

Thứ tư là cần đưa ra quy định xử lý mạnh hành vi làm hàng gian, hàng giả. Những tài liệu về khái niệm và mức xử lý về hàng gian, hàng giả cần đưa vào các trường học. Các sinh viên khi ra trường phải tiếp nhận được các thông tin này trước khi khởi nghiệp.

Cần một cú hích tổng lực từ chính sách đến người tiêu dùng

Dù DN đã nỗ lực và chủ động nhưng cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái không thể thành công nếu không có sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý và cộng đồng.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, chỉ ra một vướng mắc pháp lý cốt lõi: Luật pháp hiện hành chưa có định nghĩa rõ ràng thế nào là “hàng nhái”; còn với hàng giả thì chỉ được xác định khi có kết luận giám định của cơ quan chức năng.

“Hệ quả là người tiêu dùng thấy sản phẩm bị xâm phạm hình ảnh nhưng không thể nói đó là hàng giả vì thiếu cơ sở. Tâm lý e ngại thủ tục tố cáo phức tạp cũng khiến nhiều người chùn bước” – ông Hồng phân tích.

Từ đó, hội đã đặt hàng các nhà làm luật sớm làm rõ các khái niệm này, đồng thời xác định rõ cơ quan có thẩm quyền kết luận để người dân có căn cứ báo cáo.

Về phía cơ quan quản lý, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm chức năng. Cả hai đều nhìn nhận rất cần sự chung tay của người tiêu dùng bởi thói quen không xem xét kỹ bao bì, xuất xứ vẫn còn phổ biến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, chia sẻ một thực tế đáng buồn là người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng thường chỉ bỏ đi chứ không báo cho cơ quan chức năng. Ông kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ từ ba phía: Nhà nước ban hành chính sách, DN bảo vệ sản phẩm của mình và người dùng tích cực phản ánh.

“Chúng tôi đã công khai số điện thoại đường dây nóng của chi cục và các đội QLTT. Chúng tôi khuyến khích người dân mang trực tiếp sản phẩm nghi là hàng giả đến để chúng tôi có cơ sở xác minh và xử lý” – ông Huy thông tin.

Lắng nghe các ý kiến, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhìn nhận đây là vấn đề nóng và cam kết sẽ chuyển tải đầy đủ các tâm tư, kiến nghị tại tọa đàm đến nghị trường Quốc hội. Bà Hạnh nhấn mạnh chặng đường chống hàng giả còn dài và cần sự cộng hưởng mạnh mẽ từ ba phía: Hành lang pháp lý hoàn thiện từ Nhà nước, sự chủ động từ DN và thái độ tẩy chay quyết liệt của người tiêu dùng.

Đại diện cho đơn vị tổ chức tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân và DN, góp phần vào việc hoàn thiện chính sách để cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn.•

Ý kiến

Ông NGUYỄN THÀNH NAM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Ngăn chặn hàng giả bán online: Cần chế tài mạnh và quy trách nhiệm nền tảng

p23-toadam-hinh1-nguyenthanhnam.jpg

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên không gian mạng, cần có chế tài đủ sức răn đe và quy định trách nhiệm rõ ràng cho các nền tảng xuyên biên giới. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2025, lực lượng QLTT đã xử lý gần 10.000 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử lý lên đến 266 tỉ đồng; trong đó chuyển 76 vụ có dấu hiệu hình sự cho cơ quan điều tra. Nhiều vụ việc lớn tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội đã bị triệt phá, thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa nhập lậu.

Rào cản lớn nhất hiện nay là chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh hàng giả. Pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, khiến việc xác minh đối tượng sử dụng tài khoản ảo rất phức tạp. Trách nhiệm của các nền tảng trung gian như mạng xã hội vẫn còn là khoảng trống pháp lý lớn. Bên cạnh đó, quy trình giám định kéo dài, tốn kém và nguồn lực của lực lượng chức năng còn mỏng cũng là những thách thức không nhỏ.

Từ thực tiễn này, Bộ Công Thương đã kiến nghị cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng nặng mức xử phạt. Đặc biệt, phải quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể cho các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội trong việc kiểm soát, xử lý nội dung vi phạm. Đề xuất xây dựng cơ chế “giám định nhanh” và tăng cường hợp tác quốc tế với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok để xử lý triệt để.

Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM:

“Tick xanh trách nhiệm” xây dựng thương hiệu sạch

p23-toadam-hinh2-nguyennguyenphuong.jpg

Những hành vi lách luật trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và đặc biệt bùng nổ hơn trên nền tảng trực tuyến ẩn danh. Trước bối cảnh đó, một giải pháp bền vững được đưa ra là chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhằm khuyến khích DN tự nguyện cam kết chất lượng sản phẩm. Thay vì lập “danh sách đen” các đơn vị yếu kém, chương trình này chủ động nâng uy tín cho những DN chân chính thông qua một chứng nhận chất lượng tin cậy.

Điểm cốt lõi của chương trình là chế tài nghiêm khắc, chỉ cần một sản phẩm vi phạm, toàn bộ hàng hóa của DN sẽ bị hệ thống siêu thị tham gia chương trình từ chối phân phối. Dù quy định khắt khe khiến nhiều DN còn e dè, đây được xem là hướng đi dài hạn. Việc đưa DN vào khuôn khổ chuẩn mực sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm một cách bền vững, làm lành mạnh hóa thị trường từ gốc.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý Công ty CP Nhựa Bình Minh:

Bảo vệ thương hiệu thật trước nguy cơ bị chiếm đoạt

p23-toadam-hinh3-truonganhtu.jpg

Cuộc chiến chống hàng giả đã bước sang giai đoạn mới với một phiên bản nâng cấp nguy hiểm hơn: Giả mạo quyền sở hữu trí tuệ. Thủ đoạn điển hình là một tổ chức cố tình đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự thương hiệu đã có uy tín. Sau khi được cấp văn bằng, họ quay ngược lại khởi kiện chính DN thật vì “xâm phạm” quyền sở hữu trí tuệ mà họ nắm giữ trên giấy tờ.

Do đó, cần xây dựng nhóm giải pháp trọng điểm. Trước hết, luật pháp cần được sửa đổi theo hướng ghi nhận quyền ưu tiên dựa trên việc sử dụng thực tế, công khai của nhãn hiệu. Tiếp theo là tăng cường giám sát động cơ đăng ký của các chủ thể “ăn theo” thương hiệu lớn nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ không trung thực.

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao:

Cần chế tài riêng cho hàng nhái

p23-toadam-hinh4-phamconghung.jpg

Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể cho hàng nhái nên có một “vùng xám” pháp lý tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Pháp luật hình sự đã có chế tài nghiêm khắc để xử lý hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm… nhưng “hàng nhái” lại là câu chuyện khác. Thực tế, đây là sản phẩm làm giống hoặc tương tự hàng chính hãng, không có nhãn hiệu hoặc dùng nhãn hiệu trái phép, đặc biệt thường có chất lượng thấp hơn hẳn. Việc các cơ quan chức năng đang vận dụng quy định về hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì tại Nghị định 98 và Điều 192 BLHS để xử lý chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Do đó, các nhà làm luật cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế và chế tài xử lý riêng, phù hợp cho hành vi làm hàng nhái. Điều này giúp phân định rõ giữa hàng giả – loại hoàn toàn không có giá trị sử dụng hoặc gây nguy hại và hàng nhái – loại có chất lượng thấp hơn nhưng vẫn có thể có công dụng nhất định.

Một đề xuất mang tính xây dựng là cần có hướng dẫn để những người từng sản xuất hàng nhái có cơ hội đăng ký chất lượng sản phẩm do mình làm ra theo đúng quy định.

Hoàn thiện khung pháp lý cho hàng nhái là yêu cầu cấp thiết để thị trường minh bạch hơn và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

BS CKII ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM:

Thực phẩm giả và gánh nặng bệnh tật khó lường

p23-toadam-hinh5-dothingocdiep.jpg

Một ma trận thực phẩm giả, nhái đang âm thầm góp phần tạo ra gánh nặng bệnh tật khủng khiếp trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm gia tăng. Các bệnh này hiện chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân của 80% số ca tử vong. Một trong những nguyên nhân gốc rễ chính là vấn nạn thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Giấc mơ về sức khỏe có thể trở thành ác mộng khi người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trở thành mục tiêu của các hành vi gian lận thực phẩm tinh vi.

Khi vào cơ thể, thực phẩm, thuốc giả có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính hoặc âm thầm tích lũy độc tố gây bệnh lý ác tính, suy giảm chức năng các cơ quan nội tạng. Đơn cử như vụ bê bối sữa chứa melamine từng gây ra cái chết cho trẻ em là một minh chứng không thể quên về sự tàn nhẫn của hành vi này. Hậu quả không chỉ dừng lại ở sức khỏe mà còn gây thiệt hại về kinh tế, làm tổn hại uy tín DN chân chính và xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Để giải quyết, cần kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp: Hoàn thiện pháp luật, ứng dụng công nghệ, tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro và đẩy mạnh kiểm tra. Cùng với đó, việc thông tin, giáo dục để nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp nền tảng, giúp người dân trở thành người tiêu dùng thông thái.•

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *