(PLO)- Cần có sự chung tay, đồng hành giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng.
Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và đề xuất mà doanh nghiệp, hiệp hội gửi gắm tới cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đã có phát biểu kết luận tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin gây hại cho doanh nghiệp” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 10-7.

Bà Hạnh cho biết, nội dung tọa đàm của báo Pháp Luật TP.HCM là một trong những vấn đề nóng và nhức nhối không chỉ của người tiêu dùng, doanh nghiệp mà còn đối với cả cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung trao đổi tại tọa đàm rất bổ ích, có nhiều thông tin để ghi nhận và chuyển tải đến nghị trường Quốc hội.
Qua nhiều ý kiến và tham luận được nêu ở tọa đàm đã chỉ ra được hệ thống quy định pháp luật đã đủ nghiêm khắc nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Các doanh nghiệp rất quan tâm, quyết liệt trong việc thực hiện ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả để bảo vệ sản phẩm của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà chính doanh nghiệp, nhà quản lý cần tiếp tục bàn, làm rõ và đưa ra giải pháp thực hiện.
“Liệu các doanh nghiệp đã thể hiện sự chủ động và trách nhiệm trong việc tự bảo vệ sản phẩm của mình chưa? Câu hỏi làm sao để trở thành người tiêu dùng thông thái, trách nhiệm của nhà nước và các doanh nghiệp ra sao?” – bà Hạnh đặt câu hỏi để các doanh nghiệp, chuyên gia, báo chí tiếp tục bàn luận.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan rất quyết tâm trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả. Các cơ quan đều đã vào cuộc.
“Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới chúng ta cần làm như thế nào? Chặng đường chống hàng gian, hàng giả rất dài và nhiều khó khăn. Theo tôi để thực hiện tốt cần có sự đồng hành giữa hành lang pháp lý của các cơ quan nhà nước, Chính Phủ. Đồng thời phải có sự đồng hành của doanh nghiệp và thái độ, hành động của người tiêu dùng trước hàng gian, hàng giả” – bà Hạnh nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị báo Pháp Luật TP.HCM cần có những đề tài hướng đến hai vấn đề: Hành lang pháp lý trong việc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả và thái độ ứng xử của người tiêu dùng thế nào trong cuộc chiến này.

Đây cũng là đặt hàng và gợi ý của bà Hạnh gửi tới báo Pháp Luật TP.HCM trong thời gian tới để tạo ra thêm nhiều không gian bàn luận cho đại biểu, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Kết thúc buổi tọa đàm ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và gợi ý từ Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới đại diện các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp đã trao đổi, gửi gắm ý kiến trong tọa đàm hôm nay.

“Tọa đàm đã nhận được rất nhiều ý kiến và vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới. Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ ghi nhận và chuyển tải tất cả ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước để có sự chỉnh sửa, bổ sung chính sách, nhằm hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ công cuộc chống hàng gian, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn.
Chúng tôi cũng cam kết sẽ đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn trong công cuộc chống hàng gian, hàng giả. Với vai trò là cơ quan báo chí, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công cuộc này” – ông Nguyễn Thái Bình khẳng định.