Cầu lông ở Trung Quốc ‘tăng giá nhanh hơn vàng’

Giá cầu lông tăng liên tục từ cuối năm 2023, với mức tăng nhanh hơn giá vàng, khiến nhiều người Trung Quốc bỏ chơi hoặc săn phiếu giảm giá, tích trữ.

Hầu Hiểu, sống ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, không ngờ có ngày cầu lông lại trở thành món hàng được săn đón đến mức phải “mua bia kèm lạc”.

Hồi đầu tháng 4, Hầu Hiểu nhập 5 thùng cầu lông hiệu Nam Cực Phong và Lĩnh Mỹ, hai thương hiệu phổ biến ở Trung Quốc, nhưng bên bán yêu cầu anh phải mua kèm phụ kiện như dây vợt, băng quấn cán vợt, tất.

Để mua được số lượng cầu trị giá 20.000 tệ (2.770 USD), Hầu Hiểu phải chi thêm 2.000 tệ để nhập kèm lô vợt cầu lông loại 70-90 tệ một cây (10-13 USD). Anh đã nỗ lực mời chào các thành viên trong nhóm 400 người chơi cầu lông mua số vợt nhập kèm này, nhưng hầu như không ai hưởng ứng.





Cầu lông trong một cửa hàng ở tỉnh Quảng Châu hồi tháng 7/2024. Ảnh: East Day

Cầu lông trong một cửa hàng ở Quảng Châu hồi tháng 7/2024. Ảnh: East Day

Từ tháng 4, các hãng cầu lông lớn ở Trung Quốc như Yonex, Victor đồng loạt tăng giá 5-29%, chưa đầy 10 tháng sau đợt tăng tháng 7/2024. Lần này, không chỉ cầu mà toàn bộ phụ kiện đi kèm đều tăng theo.

“Hai năm trước, giá một lô cầu Yonex AS-05 cao cấp là 95 tệ/ống 12 quả (13,2 USD), nay đã lên 190 tệ (26,33 USD)”, Trần Túy, một blogger chuyên bình luận cầu lông, cho hay. Điều này đồng nghĩa cầu lông đã tăng giá hơn 100% trong hai năm, vượt xa mức tăng của giá vàng cùng thời điểm.

“Nhiều người nói đùa rằng nếu tính theo mức độ tăng giá, mua vàng không bằng mua cầu lông, bởi giá vàng có lúc lên lúc xuống, còn giá cầu lông thì tăng đều từ nửa cuối năm 2023”, anh nói tiếp.

Giá cầu lông ở Trung Quốc ngày càng đắt do mất cân bằng cung cầu, khi số lượng người chơi bùng nổ vài năm trước, trong khi nguồn cung để phục vụ sản xuất cầu lông lại giảm.

Báo cáo ngành cầu lông năm 2023 của Zhaoyundong, diễn đàn hàng đầu Trung Quốc về thể thao, cho thấy 8 thành phố lớn ở nước này có tới 1.689 sân cầu lông, tăng 34% so với năm 2022.

Trong khi đó, nguồn cung lông vịt, ngỗng giảm. Theo Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), mỗi quả cầu cần 14-16 lông ở vùng cánh của vịt hoặc ngỗng. Để làm ra một quả cầu, cần tới lông của ba chiếc cánh vịt, ngỗng.

Năm 2023, số lượng lợn xuất chuồng ở Trung Quốc tăng lên, khiến thịt lợn giảm giá, lấn át nhu cầu về thịt vịt, ngỗng. Sản lượng thịt vịt, ngỗng giảm, dẫn tới hiện tượng cung không đủ cầu, đẩy giá lông tăng từ 400 tệ lên 600 tệ (83 USD) một kg.





Công nhân trong nhà máy sản xuất cầu lông ở huyện Cẩm Bình, tỉnh Quý Châu ngày 19/12/2022. Ảnh: Xinhua

Công nhân trong nhà máy sản xuất cầu lông ở huyện Cẩm Bình, tỉnh Quý Châu ngày 19/12/2022. Ảnh: Xinhua

Giá tăng mạnh khiến những người mới tiếp xúc môn cầu lông chùn chân. Hầu Hiểu cho hay số lượng thành viên mới trong nhóm của anh giảm mạnh, nên không còn nhiều người tìm mua vợt. Anh chỉ còn cách mang vợt ra trước sân vận động rao bán, nhưng hầu hết người chơi đều bỏ đi khi thấy giá niêm yết hơn 100 tệ.

Vì giá cầu tăng, phí thành viên trong nhóm chơi của Hầu Hiểu cũng tăng từ 15,9 tệ lên 35 tệ, khiến số người đến sân chơi cầu mỗi ngày giảm mạnh.

Những người vẫn đến chơi tìm mọi cách để tiết kiệm, như tự mang cầu giá rẻ 5-6 tệ đến sân. Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài đăng hướng dẫn cách săn cầu lông giảm giá hay quay phiếu giảm giá 20% để mua cầu lông.

Một số kháo nhau rằng nếu canh đến nửa đêm, họ có thể săn được một hộp cầu lông ngỗng hiệu Victor với giá 74 tệ, giảm mạnh so với giá gốc 166 tệ.

Cố Mạt, người dân thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, cho hay năm ngoái, chi phí thuê sân bãi, mua cầu cho mỗi buổi tập khoảng 13 tệ, nhưng năm nay đã tăng gấp đôi lên 25-28 tệ.

“Nếu chi phí mỗi buổi chơi quá 25 tệ, tôi sẽ cân nhắc nghỉ chơi hoặc giảm tần suất đến sân”, cô nói.

Trương Gia Kỳ, một người “nghiện” cầu lông ở Quảng Châu, trong dịp Tết nguyên đán đã nhờ bạn trai mua một valy đầy cầu lông ở quê, nơi có giá rẻ hơn, để tích trữ dùng dần. “Bây giờ, chúng tôi chỉ vứt cầu đi khi lông đã rụng gần hết”, Trương nói.

Một giải pháp nữa để đối phó “bão giá” trong môn cầu lông là giảm chi phí phụ kiện. Nhậm Hiền, cư dân Hàng Châu, không mua giày thể thao 600 tệ nữa mà chuyển sang dùng loại giày buộc dây 180 tệ, dù đôi khi ngượng ngùng vì phải dừng lại giữa chừng để buộc dây giày.

Theo Hầu Hiểu, nếu giá cầu lông tiếp tục tăng, ngày càng nhiều người sẽ bỏ chơi bộ môn này. “Thu nhập bình quân ở Dương Châu chỉ có 4.000-5.000 tệ/tháng (550-690 USD), không đủ để theo đuổi môn cầu lông”, anh nói, cho hay dự định chuyển sang tập gym hoặc đạp xe sau khi bán hết số cầu tích trữ.

Tình trạng các nhà phân phối găm hàng chờ tăng giá cũng khiến giá cầu lông tăng vọt. Một nhà phân phối ở tỉnh Sơn Đông cho hay thời gian giao hàng đã kéo dài từ 30 ngày lên 60-90 ngày.

Chi phí chơi cầu lông không dừng ở giá cầu. Theo Cố Mạt, một người chơi trình độ cao ở Quảng Châu có thể chi 240 tệ một tháng cho hai lần thay dây vợt, 80 tệ cho hai tiếng thuê sân và ít nhất một ống cầu một buổi tập. Tổng chi phí có thể hơn 1.000 tệ một tháng (139 USD).

Dù vậy, nhiều người vẫn không thể bỏ được cầu lông. Cầu lông vẫn được coi là môn thể thao “quốc dân” ở Trung Quốc vì dễ tiếp cận, phù hợp với nhiều lứa tuổi và giới tính.

Trần Túy, 26 tuổi, quản lý cấp trung của một doanh nghiệp nhà nước, nhận định cầu lông hấp dẫn ở chỗ “dễ kiểm soát lực, trình độ cao hay thấp đều chơi được”, phù hợp với công nhân viên chức, đặc biệt là người trên 30 tuổi.





Người chơi cầu lông trong nhà thi đấu Olympic thành phố Nam Kinh hồi tháng 4. Ảnh: XHBY

Người chơi cầu lông trong nhà thi đấu Olympic thành phố Nam Kinh hồi tháng 4. Ảnh: XHBY

Cầu lông còn là môn thể thao giúp tăng cường sức khỏe. Cố Mạt từng nặng 67 kg, luôn mệt mỏi vì áp lực công việc. Nhờ chơi cầu, cô giảm được 5 kg, tâm trạng cải thiện “như có bác sĩ tâm lý”.

Thạch Lặc cho rằng đầu tư 30 tệ mỗi buổi chơi để đổi lấy tiếng cười là xứng đáng. “Nhìn đối thủ đánh hụt cầu cũng cười, mình đánh trượt cũng thấy vui, có lẽ là dopamine phát huy sức mạnh”, anh nói.

Trương Gia Kỳ cho rằng người nghèo cũng có cách chơi của người nghèo. “Mua không được cầu xịn thì dùng cầu nhựa”, cô nói. “Dù đầu tư nhiều hay ít, bản thân mình luôn là người hưởng lợi nhất từ thể dục thể thao”.

Hồng Hạnh (Theo China Digital Times)





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *