Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – kiến trúc mở giữa lòng Hà Nội

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thiết kế theo lối kiến trúc mở, sáng tạo, giàu giá trị lịch sử – xã hội, vừa giành giải cao nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia.

Cách trung tâm Hà Nội 9 km, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rộng 38,6 ha, được xây dựng tại Tây Mỗ – Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thay thế cơ sở cũ trong hoàng thành Thăng Long. Dự án hướng tới bảo tàng quy mô lớn kết hợp công viên, kết nối bảo tồn lịch sử và cảnh quan đô thị.

Tháng 4/2025, công trình nhận Giải thưởng lớn – hạng mục cao nhất của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2024-2025 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Dự án là tâm huyết của nhóm kiến trúc sư đến từ Công ty Nikken Sekkei Ltd, bao gồm Hiroshi Miyakawa, Trịnh Việt A, Michio Oizumi, Nguyễn Đình Đông và Gen Sugiyama.

Hình dáng Bảo tàng lịch sử Quân sự 2.500 tỷ ở Hà Nội

Hình dáng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Video: Huy Mạnh

Nỏ thần An Dương Vương – cảm hứng cho thiết kế

Năm 2017, Nikken Sekkei (Nhật Bản) được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chọn làm đơn vị thiết kế sau vòng đánh giá năng lực. KTS Trịnh Việt A và cộng sự đã nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hóa, bản sắc Việt Nam và lĩnh vực quân sự để đảm bảo tính phù hợp của kiến trúc với chức năng trưng bày. Ý tưởng thiết kế bảo tàng dựa trên ba yếu tố lãnh thổ: đất liền, biển, trời, tương ứng ba lực lượng lục quân, hải quân, không quân; vừa thể hiện bảo vệ chủ quyền, vừa gửi gắm thông điệp hòa bình, chào đón quốc tế.

Ba phương án thiết kế đã được đề xuất. Phương án một với các khối hộp vuông đan xen tạo “vườn zíc zắc” bị đánh giá mang hơi hướng phương Tây, thiếu kết nối văn hóa Việt. Phương án hai hình tượng bánh chưng – bánh giày giữa hồ mang tính biểu trưng dân gian nhưng không phù hợp chủ đề quân sự và định hướng bảo tàng.

Phương án ba – bảo tàng trên đồi nhân tạo, phía trước là hồ nước. Tòa nhà hình cánh chim dang rộng, tượng trưng khát vọng vươn lên. Các khối chức năng bố trí tách rời, tạo không gian thoáng đãng, linh hoạt. Khu hậu cần đặt dưới đồi, tách biệt với khách tham quan. Mái lớn bao phủ, phù hợp khí hậu và thói quen sử dụng của người Việt.

Hình khối cuối cùng mang dáng cánh cung, gợi nhớ nỏ thần An Dương Vương. Công trình đặt ở trung tâm khu đất, tối ưu giao thông và hài hòa cảnh quan. Thiết kế mái lớn che phủ các khối độc lập, kết hợp ánh sáng tự nhiên và thông gió chéo để tiết kiệm năng lượng.





Bảo tàng gợi nhắc nỏ thần An Dương Vương. Ảnh: Triệu Chiến

Bảo tàng gợi nhắc nỏ thần An Dương Vương. Ảnh: Triệu Chiến

Tháp Chiến thắng và điểm nhấn kiến trúc

Điểm nhấn của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là tháp Chiến thắng, thay thế hình ảnh cột cờ quen thuộc ở bảo tàng cũ. Tháp lấy cảm hứng từ tà áo dài – cấu trúc mềm mại, vươn cao, được cho là phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và định hướng phát triển lâu dài. Nhìn từ trên cao, tháp có hình ngôi sao năm cánh, biểu tượng quen thuộc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dự kiến ban đầu tháp đặt tại khu tưởng niệm phía sau bảo tàng, sau chuyển ra quảng trường để định vị không gian và tăng tính nhận diện.

Trong gần hai năm, nhóm kiến trúc sư Nikken Sekkei, dẫn đầu bởi KTS Trịnh Việt A, đã nhiều lần sang Việt Nam báo cáo, tiếp thu phản biện và điều chỉnh thiết kế. Sau khoảng 10 lần thay đổi, phương án ba – bảo tàng trên đồi nhân tạo, phía trước là hồ nước – cuối cùng được chọn.

“Phương án này độc đáo, không sao chép, hài hòa với kiến trúc, khí hậu và địa hình Việt Nam. Hệ mái lớn là biểu tượng trung tâm, quan trọng trong tổ chức giao thông, không gian và tiết kiệm năng lượng”, ông Trịnh Việt A nói.

Bài toán thiết kế là tạo tỷ lệ không gian phù hợp quy mô quốc gia, chiều sâu biểu tượng và ấn tượng thị giác. Khu vực trưng bày không chỉ lưu giữ hiện vật mà còn mang đến trải nghiệm cảm xúc, với các không gian bán mở để khách nghỉ ngơi. Với 20.000 m2 trưng bày, việc tổ chức thông tin được tính toán kỹ lưỡng, lồng ghép các cụm biểu tượng với khoảng trống, tạo chiều sâu không gian để người xem “sống” trong câu chuyện của bảo tàng.

Kiến trúc sư Trịnh Việt A đã đề xuất cách tổ chức cho đại sảnh với hai cụm trưng bày đối xứng, như hai dòng chảy ngược chiều mà gắn kết. Một bên tái hiện hành trình từ quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh vũ khí vỡ ghép thành đàn chim bồ câu bay lên, tượng trưng cho sự chuyển hóa từ chiến tranh sang hòa bình. Bên còn lại hướng tới tương lai với quả cầu hòa bình trung tâm, tỏa ra những mảnh gương lấp lánh như ánh sáng hướng về phía trước.

Điểm nhấn khác là máy bay treo trong không gian trưng bày, tạo hiệu ứng như đang bay lượn, tăng trải nghiệm thị giác cho người xem. KTS Trịnh Việt A cho biết việc hình dung cách trưng bày hiện vật, máy bay đã định hình cách sắp đặt không gian. Nhóm đã thảo luận và hoàn thiện ý tưởng, điều chỉnh theo yêu cầu thực tế và đặc thù của bảo tàng.

“Để đảm bảo tính chuyên môn, chúng tôi thường xuyên tham vấn chuyên gia bảo tàng, hoàn thiện giải pháp sắp đặt vừa kỹ thuật, vừa truyền tải cảm xúc”, ông nói.





Tòa nhà chính của bảo tàng rộng hơn 23.000 m2, nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh Én bạc, được treo trên các sợi cáp, tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu. Ảnh: Giang Huy

Tòa nhà chính của bảo tàng rộng hơn 23.000 m2, nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh “Én bạc”, được treo trên các sợi cáp, tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu. Ảnh: Giang Huy

Kiến trúc thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí

Khác với bảo tàng truyền thống cổ kính, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mang ngôn ngữ kiến trúc hiện đại: gọn gàng, tinh giản, thể hiện tinh thần thời đại. Kiến trúc sư Trịnh Việt A quan niệm kiến trúc là “bản ghi chép vật chất” của thời đại, bảo tàng thế kỷ 21 cần mang hơi thở của thế kỷ đó. Xu hướng bảo tàng mở trên thế giới đang phát triển, không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là không gian công cộng, gần gũi đô thị.

Với quan điểm đó, bảo tàng được thiết kế theo mô hình “tổ mối”, cho phép du khách tiếp cận từ nhiều hướng và khám phá các khu trưng bày một cách tự do, khác biệt với kiểu kiến trúc khối hộp đóng kín truyền thống. Thiết kế mở cả về tư duy kiến trúc lẫn trải nghiệm, tạo cảm giác thân thiện, dễ tiếp cận như một công viên (bảo tàng trong công viên, công viên trong bảo tàng), đồng thời tăng tương tác, thân thiện môi trường, tối ưu chi phí.

Điểm đặc biệt là giải pháp kiến trúc thông minh giúp tiết kiệm chi phí vận hành. Khoảng một nửa diện tích bảo tàng tận dụng tối đa thông gió tự nhiên, hoạt động như các “bẫy gió” điều hòa không khí quanh năm. Hệ thống mái lớn không chỉ che chắn mà còn tạo sự lưu thông khí, mang lại không gian mát mẻ mà không cần sử dụng điều hòa.

Vật liệu cũng được tối giản. Toàn bộ công trình sử dụng bêtông trần, không ốp đá, không sơn phủ phức tạp, chỉ phủ một lớp sơn thẩm thấu để chống ẩm và giữ độ bền cho bề mặt. Cách làm này giảm thiểu chi phí hoàn thiện, đồng thời tạo nên ngôn ngữ thẩm mỹ riêng: thô mộc, bền vững, giàu chất “quân sự”.





Nhóm thiết kế được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng Kiến trúc Việt Nam. Ảnh: Hội Kiến trúc sư VN

Nhóm thiết kế được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng Kiến trúc Việt Nam. Ảnh: Hội Kiến trúc sư VN

“Chúng tôi không ngờ công trình Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút đông đảo khách đến tham quan như vậy. Đến đây, du khách không chỉ do nội dung trưng bày, du khách còn được trải nghiệm công trình thiết kế hiện đại, vừa học hỏi vừa thư giãn”, KTS Trịnh Việt A nói.

Hội đồng giải thưởng Kiến trúc quốc gia đánh giá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là công trình đồ sộ, thể hiện sự đầu tư lớn và tâm huyết của chủ đầu tư. Không chỉ đảm bảo chất lượng thiết kế và thi công, bảo tàng còn mang đậm giá trị xã hội. Ý tưởng kiến trúc độc đáo, khai thác đặc trưng văn hóa và lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam thông qua hình tượng nỏ thần An Dương Vương, đã làm tăng giá trị giáo dục về lòng yêu nước, sự tri ân đối với lịch sử dân tộc.

>>Hình ảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam




Đoàn Loan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *