(PLO)- Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý sẽ cùng đề xuất những giải pháp chính sách mạnh mẽ, thiết thực tại diễn đàn.
Sáng mai, ngày 10-7, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”. Sự kiện quy tụ đông đảo đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp để cùng mổ xẻ các lỗ hổng chính sách, tìm kiếm những giải pháp thực tiễn, mạnh mẽ nhằm chặn đứng vấn nạn đang bào mòn sức khỏe người tiêu dùng và sự sống còn của doanh nghiệp chân chính.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt chưa từng có qua việc Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tiếp ban hành các Công điện 65, 82 và Chỉ thị 13 trong tháng 5 và 6-2025, khởi động một chiến dịch cao điểm chống hàng giả trên toàn quốc.
Cuộc chiến này đòi hỏi những giải pháp bền vững và căn cơ hơn là các đợt ra quân trước khi mà hàng giả, đặc biệt là thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, vẫn âm thầm gây hại sức khỏe người dân, còn thông tin giả thì tấn công uy tín doanh nghiệp trên mạng xã hội.

Hiến kế giải pháp chống hàng giả
Điểm nhấn của tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” là việc đưa ra ánh sáng những câu chuyện từ chính người trong cuộc.
Thay vì chỉ nói về lý thuyết, diễn đàn sẽ bắt đầu bằng tham luận của Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm – đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh về “Thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả và hậu quả của thông tin giả”.
Câu chuyện của Nhựa Bình Minh, một thương hiệu lớn phải đối mặt với khó khăn trong cuộc chiến pháp lý để bảo vệ sản phẩm chính hãng, được kỳ vọng sẽ phác họa rõ nét những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả. Ảnh: Tú Uyên
Phiên thảo luận sẽ được làm nóng bằng những chia sẻ thực tiễn từ nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Ông Trần Xuân Nam, Giám đốc trung tâm kinh doanh trực tuyến của Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu, sẽ nói về các giải pháp quản lý để ngăn chặn thuốc giả.
Các doanh nghiệp khác cũng sẽ chia sẻ góc nhìn của mình như ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, với câu chuyện phân biệt hàng thật – giả; ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quán Café Kết Nối Ngành Dược – CPI Center, và ông Đặng Khoa Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Phúc Anh, sẽ nói về tác động của hàng giả đến doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Enjoy Online, sẽ cung cấp các giải pháp giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu trong cuộc chiến chống “ma trận” hàng giả.
Đặc biệt, câu chuyện kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào từ các “ông lớn” bán lẻ như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SATRA) sẽ mang đến góc nhìn quan trọng về vai trò và quy trình xử lý của nhà phân phối khi phát hiện sản phẩm vi phạm.
Nhiều góc nhìn từ chuyên gia
Song song với tiếng nói doanh nghiệp là sự phân tích sâu sắc từ các chuyên gia hàng đầu. Tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” cũng có sự tham gia của Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM với tham luận về “Tác động của hàng giả, hàng nhái tới sức khỏe người dân”, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy y tế nghiêm trọng.
Về mặt pháp lý, Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, sẽ có bài tham luận quan trọng, phân tích thực tiễn thực thi pháp luật và các bất cập cần kiến nghị, đề xuất sửa đổi.
Vấn đề ma trận quảng cáo hàng giả, đặc biệt là việc lạm dụng người nổi tiếng để livestream bán hàng không kiểm soát, sẽ được ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, đưa ra mổ xẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng TP.HCM, sẽ nói về cách để người tiêu dùng tự bảo vệ mình trong bối cảnh thông tin thật giả lẫn lộn.
Đi tìm vaccine từ cơ chế, chính sách
Phiên thảo luận chuyên sâu của tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” được điều hành bởi các tên tuổi giàu kinh nghiệm như ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM và ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương, sẽ là nơi các vấn đề nóng được đưa ra chất vấn và tìm lời giải.

Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc. Ông Nguyễn Thành Nam sẽ chia sẻ về những điểm mới trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang được xây dựng, liệu chế tài có đủ mạnh để răn đe, và giải pháp nào để duy trì sức nóng chống hàng giả, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM sẽ báo cáo về các vụ việc nổi bật trong đợt cao điểm vừa qua. Sở Công Thương TP.HCM sẽ nói rõ hơn về chương trình “Tick xanh trách nhiệm” vừa triển khai nhằm làm trong sạch môi trường thương mại điện tử.
Với sự tham gia toàn diện từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, chuyên gia và doanh nghiệp, tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 10-7 được kỳ vọng sẽ đưa ra những kiến nghị cụ thể, khả thi.
Tất cả các ý kiến sẽ được tổng hợp để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, và quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và bảo vệ các doanh nghiệp chân chính.