Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 4-7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức về vốn, thị trường, chính sách và công nghệ.

Báo chí góp phần gỡ nút thắt cho doanh nghiệp tư nhân

Theo thống kê, đến đầu năm 2025, cả nước có khoảng 940.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Khu vực này đóng góp gần 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động… Những con số cho thấy vai trò then chốt của thành phần kinh tế tư nhân trong tăng trưởng, tạo sinh kế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Khu vực tư nhân phát triển nhanh nhưng chưa thực sự mạnh, đặc biệt về chất lượng quản trị, liên kết chuỗi và trách nhiệm xã hội, môi trường. Trong bối cảnh đó cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho các cơ quan báo chí trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đánh giá về báo chí và vai trò truyền thông chính sách để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, nhận xét: Bằng những hành động cụ thể thiết thực, ngay sau khi NQ 68 được ban hành đã có rất nhiều nội dung thông tin tuyên truyền được các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, chủ đề với mục tiêu chung để phát triển kinh tế tư nhân.

Từ đó, góp phần tạo cơ sở nền tảng thuận lợi để Nghị quyết 98 đi vào thực tế cuộc sống bằng những chính sách cụ thể và hành động cụ thể với tinh thần phấn khởi, trách nhiệm và khát vọng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh cho rằng: Báo chí cần đồng hành chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, không chỉ chia sẻ những câu chuyện khó khăn mà còn lan tỏa những mô hình thành công. Việc phổ biến những câu chuyện thành công cũng là cách để tiết kiệm vô vàn công sức và tiền bạc cho xã hội.

Quan trọng hơn, báo chí còn là một cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Nhờ sự kết nối này, nhiều vướng mắc tồn đọng trong nhiều năm của doanh nghiệp, có khi mất 2-5 năm vẫn chưa được giải quyết nay đã có những tiến bộ rõ rệt chỉ sau 6 tháng và được giải quyết hàng loạt sau một năm.

Việt Nam có hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong kỷ nguyên mới, nơi tốc độ lan truyền thông tin nhanh đến chóng mặt, báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển lâu dài.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc công ty TNHH Phong Lâm

“Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”.
Quang cảnh tọa đàm “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”. Ảnh: T.L

Phát triển kinh tế tư nhân: Không thể thiếu vai trò của báo chí

Cũng tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp có chung quan điểm cho rằng sự đồng hành của báo chí thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Bà Phạm Thị Nhật – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đô thị Phúc Thành khẳng định: “Sự ra đời của Nghị quyết 68 đang mở ra nhiều cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để Nghị quyết này đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò của báo chí trong việc truyền tải đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến hệ thống pháp luật hiện hành. Đặc biệt là các quy định, thông tư, nghị định tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.

Chẳng hạn, việc một số địa phương gần đây triển khai thực hiện Nghị định 103 về truy thu thuế đất đối với doanh nghiệp bất động sản đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp đầu tư dự án và kinh doanh địa ốc.

Những thông tin như vậy nếu không được phản ánh kịp thời, đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và quá trình thực thi chính sách. Bên cạnh đó, để những băn khoăn lo lắng của doanh nghiệp đến được với cơ quan chức năng một cách kịp thời, chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan báo chí.

Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Miền Trung khẳng định: Để Nghị quyết 68 phát huy hiệu quả thực chất, cần sự vào cuộc kịp thời, đầy đủ của các cấp, ngành, cùng với sự đồng hành của báo chí trong việc lắng nghe và phản ánh tiếng nói doanh nghiệp.

Hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn. Ông Hoàng Anh đưa ra ba nhóm giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Thứ nhất, Chính phủ cần thiết lập cơ chế vốn, nguồn vốn hạn mức, có giá trị phù hợp và tăng trưởng ngành đáp ứng từng cấp độ doanh nghiệp. Trong đó, từng ngành nghề được thiết kế tiêu chuẩn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ngành tiếp cận vốn vay.

Thứ hai, xây dựng cụ thể tiêu chuẩn từng ngành và hướng dẫn tiêu chí huy động nhiều kênh thị trường vốn. Thứ ba, cần xác định tiêu chuẩn nợ, nhóm nợ rõ ràng hơn, như khách hàng vay vốn có tài sản đảm bảo, khi phát sinh nợ chưa trả được tổ chức tín dụng thì cần xác định là khoản nợ chưa thu hồi, chứ không xem là khoản nợ mất vốn, nợ xấu để không làm ảnh hưởng, hạn chế cơ hội phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.

Nhìn vào nền nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh cho rằng: Đây là một “mỏ vàng” lớn thay vì chỉ nhìn vào những khó khăn.

Ông Thông đưa ra lời khuyên chiến lược cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô nên tập trung xây dựng nhiều nhà máy chế biến. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề đầu ra, tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực và đảm bảo lợi nhuận bền vững cho người nông dân.

Ông Thông khẳng định Nghị quyết 68 rất truyền cảm hứng đối với doanh nghiệp tư nhân. Nếu đi theo một cách bài bản với Nghị quyết này, chỉ 5 năm nữa Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, và 10 năm nữa sẽ có hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu.

“Xã hội hãy kiên nhẫn hơn với kinh tế tư nhân, đừng mong họ là Thánh Gióng ngay lập tức. Cần cho họ cơ hội và ủng hộ để họ có thể gánh vác trách nhiệm và trở thành niềm tin hàng đầu trong nền kinh tế Việt Nam” – ông Thông chia sẻ thêm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *