Ba kết quả từ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thứ trưởng Ngoại giao cho biết với chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, Việt – Trung đã duy trì trao đổi chiến lược ở cấp cao nhất, thống nhất nội dung hợp tác trọng tâm, đạt được nhiều văn kiện.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-15/4 là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất đối với quan hệ song phương Việt – Trung trong năm nay và càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi diễn ra trong Năm giao lưu nhân văn, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950 – 2025), theo Bộ Ngoại giao.

Việt Nam đã đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc trọng thị, chu đáo, thể hiện tình cảm hữu nghị, chân thành, sự coi trọng cao độ đối với quan hệ song phương và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

“Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công hết sức tốt đẹp; các lãnh đạo hai bên đều khẳng định chuyến thăm trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho hay.





Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước hội đàm hôm 14/4. Ảnh: Giang Huy

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước hội đàm hôm 14/4. Ảnh: Giang Huy

Theo Thứ trưởng, kết quả nổi bật của chuyến thăm thể hiện ở các khía cạnh như duy trì trao đổi chiến lược ở cấp cao nhất giữa hai bên sau khi Việt Nam kiện toàn Ban Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; củng cố và làm vững chắc hơn nữa tin cậy chính trị, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

Việt Nam khẳng định luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Trung Quốc khẳng định kiên trì chính sách hữu nghị, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.

Một khía cạnh khác là hai bên đã thống nhất về những phương hướng, biện pháp, nội dung trọng tâm để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất trong thời gian tới.

Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định coi trọng và mong muốn nâng tầm hợp tác thực chất theo hướng chất lượng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn; thúc đẩy tạo những “điểm sáng” mới về hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, AI, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh…

Hai bên nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai chính phủ để thúc đẩy hợp tác xây dựng các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ các dự án viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm, hai bên đạt được những văn kiện với số lượng lớn nhất, lĩnh vực phong phú nhất từ trước đến nay, bao gồm Tuyên bố chung và 45 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên.

“Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” với nội dung toàn diện, vừa mang tầm định hướng chiến lược, vừa xác định rõ những trọng tâm cụ thể, đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam và hài hòa lợi ích cả hai bên, là một trong những văn kiện chung có nội dung phong phú, chất lượng cao nhất từ trước đến nay.

“45 văn kiện hợp tác là con số biết nói, minh chứng cho cục diện hợp tác sôi động, thực chất, đa dạng, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ giữa hai nước hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch chiều 14/4. Video: Lộc Chung

Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trên một số phương diện chính gồm duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; nâng tầm hợp tác thực chất trên các lĩnh vực trọng tâm; tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc; duy trì phối hợp, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương mà hai nước cùng là thành viên; phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên biển.

Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, trước hết là kết nối hạ tầng về đường sắt khổ tiêu chuẩn, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu thông minh; nghiên cứu triển khai hợp tác về công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn; đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan, tạo cơ sở nhân rộng ra các cửa khẩu khác nếu đủ điều kiện; nâng cấp “kết nối mềm” hải quan thông minh, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy khôi phục và mở thêm các chuyến bay để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số, ứng dụng công nghệ 5G; tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước; tích cực nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ; nghiên cứu triển khai hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt.

Việt – Trung khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến của nước này sang đầu tư tại nước kia, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn. Đẩy nhanh thực hiện các dự án viện trợ không hoàn lại như xây dựng Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cơ sở 2, duy tu bảo trì Cung Hữu nghị Việt – Trung. Đưa hợp tác khoa học công nghệ thành điểm sáng mới, nghiên cứu triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như AI, bán dẫn, năng lượng hạt nhân…

Hai bên tăng cường trao đổi, phối hợp trong các cơ chế đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, ASEM, ASEAN, RCEP, GMS, Mekong – Lan Thương…; ủng hộ ứng cử viên của nhau ứng cử vào các vị trí tại các tổ chức quốc tế; ủng hộ lẫn nhau tổ chức thành công Hội nghị APEC năm 2026 và Hội nghị APEC năm 2027.





Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hai nước nhất trí phát huy tốt các cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt – Trung, thực hiện tốt ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan; tăng cường quản lý biên giới; tích cực thúc đẩy mở và nâng cấp cửa khẩu biên giới.

Việt – Trung sẽ tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thúc đẩy bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển sớm đạt tiến triển thực chất. Việt Nam tiếp tục đề nghị Trung Quốc xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá, ngư dân.

Lãnh đạo hai nước khẳng định việc kế thừa nền tảng 75 năm quan hệ, triển khai các nhận thức chung và kết quả chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững và sâu sắc, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu và phát triển lên tầm cao mới; mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Huyền Lê





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *