Rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, sức gió mạnh nhất 74 km/h, cấp 8 và không gây ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết cơn bão thứ hai trên Biển Đông trong năm 2025 mang tên Danas. Lúc 4h, tâm bão mạnh 74 km/h, cấp 8, giật cấp 10 và đang theo hướng tây tây bắc với tốc độ 5-10 km/h.
Đến 4h ngày mai, bão mạnh lên cấp 9-10, giật cấp 12 khi ở trên vùng biển đông bắc Biển Đông và chuyển hướng bắc. Đến 4h ngày 7/7, bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 trên vùng biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và tiếp tục chuyển hướng bắc đông bắc với tốc độ 15 km/h.
Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão sáng 5/7. Ảnh: NCHMF
Cả hai đài khí tượng Nhật Bản và Hong Kong đều nhận định bão sẽ không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đài Nhật Bản cho rằng sức gió mạnh nhất của bão chỉ đạt 82 km/h trong khi đó đài Hong Kong dự báo lên 120 km/h.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển đông bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5 m.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng biển này có khả năng chịu tác động.
Từ đầu năm đến nay, Biển Đông xuất hiện một cơn bão, mang tên Wutip. Không vào đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu phía tây của bão đã gây mưa lớn kéo dài tại Trung Trung Bộ trong ba ngày 11-13/6. Lượng mưa phổ biến từ Quảng Trị đến Đà Nẵng lên 300-650 mm, một số nơi cao hơn như Nam Đông (Huế) 768 mm. Lũ các sông lên báo động 2-3.
Mưa lũ khiến 11 người chết tại TP Huế, Quảng Trị, Quảng Bình; hơn 3.500 nhà dân bị ngập, khoảng 88.000 ha cây trồng chìm trong nước. Hàng chục điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập úng. Giao thông, hàng không gián đoạn; hơn 20 chuyến bay từ Đà Nẵng phải hủy, hoãn. Chung kết hoa hậu tối 14/6 trên sông Hương phải dời lịch.
Dự báo năm nay có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó 5-6 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Miền Bắc có nguy cơ cao từ tháng 7 đến 9, Trung Bộ và Nam Bộ từ tháng 9 đến 11.
Gia Chính