(PLO)- Theo Nghị định 94, có 3 giải pháp được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm gồm: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Ngày 1-7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm về triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định 94).

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0.
Trong đó, ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện “Bộ tứ chiến lược”, gồm: Đột phá, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Theo Phó Thống đốc, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số luôn là động lực then chốt giúp ngành Ngân hàng tăng tốc bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, thể hiện trên các mặt từ thể chế, hạ tầng đến sản phẩm, dịch vụ.
“Có lẽ đây là sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đầu tiên của Việt Nam”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Nghị định 94, có 3 giải pháp được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm, gồm: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia cơ chế thử nghiệm.
Phó Thống đốc đề nghị các đơn vị chuyên môn của NHNN cần làm rõ tinh thần trong Nghị định, các yêu cầu, thủ tục, thời gian.. để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp Fintech tham gia.

Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp NHNN triển khai Nghị định 94, làm sao các doanh nghiệp tham gia được xem xét nhanh chóng hồ sơ, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia, góp phần cung ứng các dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin đến nay, đã có khoảng 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức được phép. Đây là điều kiện tiên quyết, tiền để để phát triển các dịch vụ tài chính, đặc biệt tài chính toàn diện. Trong đó, cần có sự hỗ trợ của Fintech.
“Fintech đóng vai trò rất lớn đối với hoạt động ngân hàng. Fintech và ngân hàng đồng hành cùng phát triển, hai bên hỗ trợ nhau”- Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói và kỳ vọng với Nghị định 94, các doanh nghiệp Fintech sẽ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là giúp cho phát triển toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể sử dụng dịch vụ tài chính với giá hợp lý, chất lượng tốt.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Ron H.Slangen cho biết hệ thống tài chính tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, open API, Blockchain và AI. Sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính.

Để thích ứng, ADB ủng hộ Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu; đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính”.
Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29-4 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1-7. Với chính sách mới này, các doanh nghiệp Fintech được kỳ vọng sẽ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam.