Hong KongMột HLV lướt sóng tại Hong Kong đang vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội vì lướt sóng giữa biển, bất chấp bão Wipha đổ bộ với cảnh báo bão cấp 8 (T8).
Cơ quan khí tượng Hong Kong đã phát cảnh báo T8 – mức cảnh báo có gió trung bình từ 63 km/h trở lên -– và thậm chí có lúc nâng lên mức cảnh báo cao nhất T10.
Bất chấp điều đó, Go Surf HK – một doanh nghiệp “cung cấp các bài học lướt sóng chuyên nghiệp ISA” – vẫn công bố chương trình khuyến mãi cho những người đăng ký lớp học ở điều kiện cảnh báo T10. Nhưng công ty này khẳng định khuyến mãi không áp dụng cho buổi học hôm 20/7 để đảm bảo an toàn.

Một người đàn ông mang theo ván lướt sóng tại Vịnh Sóng Lớn khi cơn bão Wipha đang tiến gần đến thành phố. Ảnh: Antony Dickson
Bài đăng có nội dung: “Đăng ký học lướt sóng trước khi tín hiệu bão cấp 10 kết thúc và hưởng 20% giảm giá. Sóng càng lớn càng tốt”. Một phiên bản trước đó của bài đăng trên Instagram có nội dung: “Nếu bạn học giữa tín hiệu bão cấp 10, bạn sẽ được giảm giá”.
Một HLV của công ty này đã đăng tải hình ảnh, video và khẳng định đang tham gia lướt sóng tại bãi biển Pui O, đảo Lantau.
Hành động này lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng mạng và giới lướt sóng. “Lướt sóng trong lúc cảnh báo bão cấp 10 là hoàn toàn điên rồ”, một người lướt sóng địa phương cho biết. “Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với sức mạnh của đại dương. Và với áp lực hiện tại từ chính quyền về việc cấm lướt sóng, điều này càng gây thêm căng thẳng cho những người yêu thích và dạy lướt sóng một cách có trách nhiệm”.

Hai người chụp ảnh bên bờ biển Tsim Sha Tsui sau khi có cảnh báo bão cấp 10. Ảnh: SCMP
Sáng 20/7, Đài thiên văn Hong Kong đã ban hành tín hiệu bão cấp 10 và cảnh báo rằng cơn bão này “đang gây ra mối đe dọa đáng kể” cho thành phố khi nó sẽ quét qua khoảng 50 km về phía nam vào khoảng giữa trưa.
Tín hiệu bão cấp 10, mức cảnh báo cao nhất, có nghĩa là dự kiến sẽ có gió với tốc độ trung bình từ 118 km/h trở lên. Lần gần nhất Hong Kong phát tín hiệu bão cấp 10 là năm 2023, trong siêu bão Saola – cơn bão khiến 86 người bị thương, gây sạt lở đất và làm đổ hàng nghìn cây xanh.
Một người lướt sóng địa phương khác cho biết: “Cơn bão quá gần đất liền và bờ biển nên sóng và gió có thể thay đổi đột ngột. Mọi thứ có thể leo thang nhanh chóng…, sóng và gió có thể trở nên điên cuồng. Trong điều kiện lý tưởng, bạn có thể lướt sóng nếu là bão ở ngoài đại dương, đi qua khoảng 600 km tính từ đất liền, với tốc độ gió tối đa từ 120 đến 160 km/h”.
Hồng Duy (theo SCMP)